22/12/2007 - 09:05

Kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2007) và Ngày Hội quốc phòng toàn dân

Điểm tựa lòng dân

Gắn bó, chia sẻ những khó khăn giúp bà con ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, xây dựng cuộc sống mới, vươn lên thoát nghèo là điều mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác CT21 (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ) hằng tâm niệm. Và nghĩa tình quân dân nơi đây không chỉ góp thêm niềm tin, sức mạnh để các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, mà còn mang lại sự bình yên, no ấm cho mỗi người dân....

Chúng tôi đến cổng Đội Công tác CT21 ở Khu dân cư vượt lũ ấp Thới Xuyên, xã Thới Đông, gặp nhiều người dân trong xã đến khám bệnh và xin thuốc. Hỏi chuyện, bà Phan Thị Tuyết, 65 tuổi, ở ấp Thới Xuyên, nói: “Tôi bị bệnh viêm phế quản mấy tháng nay, tối qua lại ho cả đêm, sáng nay phải vào đây nhờ các chú bộ đội khám giùm. Mấy lần trước tôi cũng đến đây, được các chú bộ đội khám, cho thuốc nên bệnh tình đã bớt dần...”. Thượng tá Nguyễn Văn Chính, Đội trưởng Đội Công tác CT21, nở nụ cười hiền, phân bua: “Có gì đâu thiếm, khám chữa bệnh cho bà con là nhiệm vụ của lính “cắm ấp” tụi con mà”.

Trong câu chuyện với tôi tại phòng làm việc của Đội Công tác, anh Chính cho biết: Cuối tháng 4-2007, được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ điều động từ phường Thới An (quận Ô Môn) về đây, thấu hiểu những khó khăn của bà con vùng sâu, vùng xa, Đội Công tác CT21 xác định việc chăm lo nâng cao đời sống và chăm sóc sức khỏe cho bà con là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác vận động quần chúng. Chính vì thế, ngoài việc tổ chức các đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại các ấp cho hàng trăm bệnh nhân nghèo, hàng ngày, người dân bị bệnh đến đều được nhân viên quân y của Đội khám và cấp thuốc miễn phí. Thiếu úy Trần Thanh An, nhân viên quân y, tâm sự: “Với những bệnh nhân già yếu, bệnh nặng, tôi thường xuống tận nhà khám”. Thiếu úy An năm nay 27 tuổi, anh có dáng người nhỏ nhắn, vui tính và rất nhiệt tình. Hễ bà con cần khám bệnh, bất cứ giờ nào, đêm hay ngày, mặc dù đường sá xuống ấp rất khó khăn, anh cũng đều có mặt kịp thời. Mới chỉ hơn 7 tháng về đây công tác, anh đã được bà con ở đây yêu quý, gọi bằng cái tên thân thương: “bác sĩ bộ đội của dân nghèo”. Anh Trương Hoàng Kiếm, 42 tuổi, ở ấp Thới Xuyên, kể: “Tháng 4-2007, má tôi bị té gãy cổ xương đùi, vì tuổi già không thể phẫu thuật, nên bà phải nằm một chỗ để điều trị. Thời gian đầu, gia đình tôi phải thuê bác sĩ tư đến chích thuốc, truyền nước. Từ tháng 5 đến nay, được chú An thường xuyên đến khám kiểm tra sức khỏe và chích thuốc, vợ chồng tôi không phải tốn tiền và an tâm hơn... Chúng tôi cảm ơn chú An và mấy chú ở đội Công tác CT21 nhiều”.

   Nhân viên quân y Đội công tác CT21 Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ khám bệnh miễn phí cho dân nghèo ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: ANH DŨNG

Xã Thới Đông có 14 ấp, địa bàn rộng, với hơn 13 ngàn dân, trong đó có khoảng 20% là đồng bào dân tộc Khmer. Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đời sống người dân nơi đây đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, do trình độ dân trí còn thấp, tình hình an ninh chính trị phức tạp... nên việc xây dựng hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con ở đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và lâu dài. Hôm chúng tôi đến, các cán bộ, chiến sĩ của Đội Công tác CT21 cùng các cán bộ xã xuống ấp tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ Quân sự, chuẩn bị cho đợt tuyển chọn thanh niên lên đường nhập ngũ đầu năm 2008. Số cán bộ, chiến sĩ còn lại của Đội thì xuống các ấp giúp bà con sửa sang lại hàng rào, cột cờ, vệ sinh môi trường, cất nhà cho hộ nghèo... “Các cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác CT21 không nề hà bất cứ việc gì, từ những việc vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đến các nhiệm vụ chính trị của địa phương... Việc gì có cán bộ, chiến sĩ của Đội tham gia đều thành công” - Đồng chí Lương Phát Đạt, Chủ tịch UBND xã Thới Đông, hết lời khen ngợi các cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác CT21. Đồng chí Lương Phát Đạt kể, trước đây các chi bộ ấp Thới Trường 1, Thới Trường 2, Thới Xuyên, Thới Hữu... hoạt động yếu, lãnh đạo, quản lý, điều hành còn lúng túng. Sau khi thống nhất với Đảng ủy xã Thới Đông, Chi bộ Đội Công tác CT21 cử các đảng viên có năng lực xuống tham gia sinh hoạt với các chi bộ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, cùng các chi bộ xây dựng nghị quyết, kế hoạch công tác. Các anh được bà con tin yêu, đảng viên trong các chi bộ quý mến. Từ đó, các anh giúp các chi bộ hoạt động chất lượng, lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Chúng tôi xuống ấp Thới Trường 1, nơi có tới 95% bà con là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống... Tôi hỏi tìm Trung úy Trần Minh Tâm, chị Lý Thị Hồng Thủy, ở ấp Thới Trường 1, nhanh nhẹn trả lời: “Bộ đội Tâm vừa giúp bà con dựng nhà xong, bây giờ lại đi đến giúp nhà khác rồi. Các anh vào nhà ngồi nghỉ, tôi đi gọi bộ đội Tâm về...”. Một lúc sau, một người đàn ông dáng cao to, nước da ngăm đen, gương mặt đặc sệt nông dân nòi, quân phục dính đầy sình, tay chân lấm lem... bước vào. Tưởng chủ nhà, tôi mở lời “chào... bác”. Mọi người cười ồ, còn người đàn ông nhoẻn miệng cười: “Tôi là Tâm, đội viên Đội Công tác đây mà!”. Rồi tôi nhớ lại, đúng là Trung úy Tâm quê ở Bình Thủy đây mà. Vậy mà nay gặp lại, vẻ thư sinh của Tâm không còn, mà giống hệt một nông dân. Sau khi cán bộ ấp và bà con kể về anh, tôi mới hiểu cái dáng vẻ nông dân hiện nay chính là những ngày anh lăn lộn, gắn bó với bà con nơi đây, phải vượt qua nhiều khó khăn, vất vả...

Đầu tháng 5-2007, là một đảng viên trẻ, Tâm được Chi bộ Đội Công tác phân công xuống sinh hoạt với chi bộ và phụ trách công tác vận động quần chúng ở ấp Thới Trường 1. Những ngày đầu khoác ba lô xuống đây làm công tác vận động quần chúng, Tâm gặp không ít khó khăn, bởi đây là địa bàn có trên 95% bà con đồng bào dân tộc Khmer, nên Tâm chưa quen với phong tục, tập quán của bà con. Đường sá ở đây đi lại cũng rất khó khăn, trời nắng chạy xe còn khó, trời mưa thì phải lội bộ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hàng ngày anh luôn bám sát cơ sở cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con; tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh của từng gia đình để giúp đỡ kịp thời. Nhắc đến Tâm, ông Dương Vệ, người dân tộc Khmer ở ấp Thới Trường 1, nói: “Bộ đội Tâm đến đây nhiệt tình giúp bà con chúng tôi làm nhà, làm hàng rào, cột cờ, dạy cho sắp nhỏ biết chữ... nên bà con ai cũng quý bộ đội Tâm như con em trong nhà...”. Trên cơ sở thâm nhập thực tế cuộc sống của bà con, những kỳ họp của Chi bộ ấp, Tâm thường đề xuất ý kiến giúp Chi bộ ấp xây dựng các kế hoạch lãnh đạo sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao chất lượng sinh hoạt của Chi bộ, cũng như công tác Đoàn, Hội... Trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, Tâm tham mưu cho Chi bộ chọn những thanh niên có phẩm chất, đạo đức và nhiệt tình tham gia vào Tiểu đội Dân quân tại chỗ ấp, trực tiếp hướng dẫn và cùng anh em đi tuần tra canh gác. Những đóng góp của anh Tâm đã làm cho bộ mặt của ấp Thới Trường 1 ngày càng đổi thay. Trong năm 2007, 85 gia đình đồng bào dân tộc Khmer được tặng nhà theo Chương trình 134; nhiều tuyến giao thông được nâng cấp, ấp được công nhân đạt “3 không” và mới đây được huyện công nhận đạt danh hiệu “ấp văn hóa”... Ông Đào Phi Sách, Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng ấp Thới Trường 1, nói: “Nếu không có bộ đội Tâm và các chú trong Đội Công tác đến giúp đỡ, chẳng biết đến bao giờ ấp vùng sâu chúng tôi mới trở thành ấp văn hóa...”.

Chúng tôi cùng Trung tá Nguyễn Văn Ry, Đội phó Đội Công tác CT21, ghé nhà đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng ấp Thới Trung. Vừa tới đầu ấp, một phụ nữ trạc tuổi 40, nhoẻn miệng chào: “Bác Ry lại xuống với bà con đấy à!”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Họ có vẻ quen biết anh quá nhỉ?” Anh Ry cười đáp: “Thì ngày nào chúng tôi cũng xuống đây tuyên truyền, vận động bà con mà”. Rồi anh Ry kể: Chị phụ nữ vừa chào anh tên là Phạm Thị Năm. Tháng 8 rồi xã Thới Đông có chủ trương nâng cấp, bê tông hóa tuyến lộ giao thông dọc Kinh Xáng Thốt Nốt dài 1.700 mét trên địa bàn ấp Thới Trung. Cán bộ xã, ấp và Đội Công tác đã tích cực vận động 85 gia đình dọc tuyến đường đóng góp sức người, sức của để thi công. Sau 1 tháng vận động 77 gia đình trên tuyến đường đồng thuận và đóng góp để thi công, còn 8 gia đình chưa đồng thuận, đưa ra nhiều lý do, trong đó có gia đình chị Năm. Anh Ry và mấy cán bộ trong Đội Công tác CT21 đã tích cực đến nhà vận động, phân tích lợi ích của việc làm đường nên 8 gia đình đã đồng thuận và đóng góp. Trong tổ chức thi công, anh Ry đã điều động cán bộ, chiến sĩ của Đội và vận động lực lượng dân quân tự vệ giúp đỡ các gia đình, nên tuyến đường hoàn thành sớm hơn kế hoạch nửa tháng. Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết: “Cán bộ ấp chúng tôi vận động có khi người dân tin tưởng không cao, còn các chú bộ đội đến vận động gia đình nào cũng răm rắp nghe theo. Bà con ở đây quý mến và tin tưởng bộ đội nhiều lắm”. Còn chị Phạm Thị Năm thì nói: “Chú Ry và mấy chú trong Đội Công tác về giúp dân, chúng tôi không tin thì in ai!”. Với phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, chỉ mới 7 tháng về đóng quân tại đây, cán bộ, chiến sĩ Đội CT21 đã cùng cán bộ các ban ngành, đoàn thể của xã, ấp vận động bà con đóng góp sức người, sức của nâng cấp, rải đá bụi và bê tông hóa trên 7,2 km đường giao thông nông thôn trong các ấp, tạo thuận lợi cho bà con đi lại dễ dàng.

Bây giờ bộ mặt nông thôn của vùng quê “một ba lăm” - xã Thới Đông -đã có bước khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên, trong đó có công đóng góp của những người lính như anh An, anh Tâm, anh Ry và các đồng chí trong Đội Công tác CT21. Tuy nhiên - như đồng chí Lương Phát Đạt, Chủ tịch UBND xã, cho biết - hiện nay nhiều tuyến đường ở các ấp đi lại còn khó khăn, nhà ở của nhiều hộ còn xập xệ, trình độ dân trí thấp, còn 19,7% gia đình nghèo... Do đó, công việc của các cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác CT21 vẫn còn nặng nề phía trước. Và tôi tin, các anh sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp lại lòng tin yêu của bà con ở xã nghèo “một ba lăm” Thới Đông...

  Ghi chép: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết