28/11/2019 - 19:38

Điểm sáng đờn ca tài tử Phong Điền 

Huyện Phong Điền là đơn vị đoạt giải Nhất toàn đoàn tại Liên hoan Đờn ca tài tử - Dân ca Nam bộ TP Cần Thơ năm 2019 vừa kết thúc. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Phong Điền giữ vị trí quán quân ở liên hoan này. Đó là thành quả của việc vực dậy phong trào văn nghệ quần chúng, nâng chất các CLB đờn ca tài tử ở địa phương.

Tiết mục ca vọng cổ nhịp 16 của Hồng Trúc đoạt giải Nhất tại Liên hoan.

Ngoài giải Nhất toàn đoàn, đơn vị huyện Phong Điền còn đoạt đến 4 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba cho tiết mục dự thi xuất sắc. Chương trình dự thi của huyện chinh phục giám khảo bởi sự đầu tư chỉn chu, nghệ thuật cùng những ngón đờn, giọng ca tài tử giỏi nghề. Điển hình như tiết mục dự thi bài ca cổ nhịp 16 “Anh là người lính Trường Sa” (tác giả Trương Huy Hoàng, thơ Nguyễn Lâm Thắng) do Đặng Hồng Trúc trình diễn đoạt giải Nhất thể loại đơn ca tài tử. Vọng cổ nhịp 16 là bài vọng cổ không hề dễ ca, việc xếp văn, phân nhịp đòi hỏi người ca phải vững nhịp phách và bản lĩnh nghề vững vàng. Vậy nhưng cô gái 21 tuổi đã mang đến bài thi ngọt ngào, đầy tình cảm và đậm chất tài tử. Đặng Hồng Trúc nói: “Vọng cổ nhịp 32 thì em đã hát nhiều nhưng đây là lần đầu em thử sức với vọng cổ nhịp 16. Có khó, nhưng càng hát em càng thấy bài ca hay. Đờn ca tài tử còn rất nhiều điều để em học hỏi”.

Đặng Hồng Trúc không xa lạ trong làng tài tử Cần Thơ. Năm 2018, em đã từng đoạt giải quán quân Cuộc thi Giọng ca cải lương giải Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền do TP Cần Thơ tổ chức khi vừa tròn 20 tuổi. Hồng Trúc quê ở Hậu Giang, nhưng sinh hoạt đờn ca tài tử tại Phong Điền. Ngoài cái nôi văn nghệ của gia đình, tài năng của Hồng Trúc còn được nuôi dưỡng ở CLB đờn ca tài tử Hương Quê, một địa điểm sinh hoạt đờn ca nổi tiếng ở Phong Điền.

CLB đờn ca tài tử Hương Quê mỗi tháng sinh hoạt 2 lần với hơn 20 thành viên tham dự, cùng rất nhiều người mộ điệu. Điểm đặc biệt ở Hương Quê là ngoài người địa phương còn có những thành viên đến từ các địa phương lân cận. Ông Huỳnh Văn Vũ, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử Hương Quê, nói: “Sức hút ấy có lẽ đến từ việc anh em câu lạc bộ rất đoàn kết, chỉ dẫn nhau cách đờn ca, nhịp nhàng, phát huy thế mạnh của mỗi người”. Nhờ sinh hoạt đều đặn, việc truyền nghề, chỉ nghề được chú trọng trong mỗi buổi sinh hoạt mà Phong Điền luôn có nguồn nghệ nhân đờn ca tài tử dồi dào phục vụ các sự kiện của địa phương. Những cái tên như Huỳnh Vũ, Cẩm Bình, Ngọc Thảo, Ngọc Vinh, Hồng Trúc… tại Liên hoan Đờn ca tài tử - Dân ca Nam bộ vừa rồi là ví dụ.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Phong Điền, cho biết: Toàn huyện hiện có khoảng 50 CLB, đội, nhóm đờn ca tài tử đang sinh hoạt. Trong đó, nòng cốt là CLB Hương Quê trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện và các CLB của xã, thị trấn. Nổi bật có CLB đờn ca tài tử Giàn Gừa (xã Nhơn Nghĩa), Giai Xuân, Mỹ Khánh… Để nuôi dưỡng phong trào, Trung tâm thường cử cán bộ xuống hỗ trợ về đờn ca; hỗ trợ âm thanh, ánh sáng trong mỗi buổi sinh hoạt. Với đờn ca tài tử, bà con tham gia sinh hoạt đều “vì mê mà đến, vì thích mà theo” nên sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng sẽ khiến bà con nhiệt huyết với phong trào. Đặc biệt, việc Phong Điền tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử cấp huyện hằng năm cũng đã tạo sân chơi cho người yêu thích đờn ca.

Ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm: Cuối năm 2019, đầu năm 2020, huyện Phong Điền sẽ lần thứ 2 tổ chức Cuộc thi Giọng ca cải lương giải Điêu Huyền, nhằm tôn vinh nghệ sĩ tài hoa của quê hương. Năm nay, trị giá giải thưởng sẽ tăng lên, các phần thi sẽ được sắp xếp khoa học, hấp dẫn để thu hút thí sinh và khán giả. Đặc biệt, dự kiến trong đêm chung kết xếp hạng, mỗi thí sinh sẽ thi diễn một trích đoạn trong các vở cải lương kinh điển của cố soạn giả Điêu Huyền. 

Về Phong Điền để ngắm cây trái oằn sai, thưởng thức món ngon miệt vườn và nghe đờn ca tài tử với cung thương cung nhớ, cung bổng cung trầm. Đó là “đặc sản” để xứ sở miệt vườn đón khách muôn nơi. 

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

 

Chia sẻ bài viết