09/04/2019 - 07:48

Để vùng đồng bào dân tộc Khmer ở ÐBSCL phát triển bền vững
Bài cuối: Cần có chính sách dân tộc mới theo hướng tích hợp, phù hợp với tình hình mới 

ÐBSCL- vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên- xã hội, đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không giảm thiểu khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, với mặt bằng chung của khu vực thì ÐBSCL khó phát triển bền vững. Do vậy, cần có những giải pháp, chính sách mới nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer hội đủ điều kiện cần thiết để hội nhập, phát triển mạnh mẽ hơn.

Cần có chính sách dân tộc mới theo hướng tích hợp phù hợp với tình hình mới. Trong ảnh: Một góc đường nông thôn ở ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, TP Cà Mau – nơi có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc Khmer.

Cán bộ ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đến thăm hỏi, động viên gia đình Khmer chí thú làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.

► Tiếp tục tập trung nguồn lực

Ngày 10-1-2018, Ban Bí thư (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới (Chỉ thị 19). Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, cho biết, ngay sau khi Chỉ thị 19 được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã có công văn yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể thành phố thực hiện tốt nhiều nội dung quan trọng trong Chỉ thị. Điển hình như: Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 19 đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn thành phố, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhất là các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt chính sách đặc thù về đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, vay vốn ưu đãi, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, nước sinh hoạt… nhằm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc về đời sống, sản xuất của các hộ nghèo, hộ DTTS, góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân, nhất là nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Bên cạnh đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 19, ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, cho rằng: Các chương trình chính sách dân tộc cần tiếp tục tập trung nguồn lực, đẩy nhanh phân bổ nguồn vốn cho địa phương để chủ động triển khai xây dựng đề án phù hợp với đặc thù từng vùng miền, từng đặc điểm nhu cầu cấp thiết của từng dân tộc. Đề nghị tập trung đầu tư ở địa bàn xã vùng dân tộc; đẩy mạnh hơn chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS và chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, làng nghề dân tộc, hộ sản xuất kinh doanh đầu tư vào vùng dân tộc để tạo việc làm tại chỗ. Bên cạnh đó, Trung ương cần nâng mức kinh phí cho các chương trình, phân bổ kịp thời các nguồn đầu tư, có cơ chế bổ sung hoặc điều chỉnh hợp lý các hạng mục và chỉ tiêu trong các quyết định đầu tư, như: cấp đất sản xuất và đất ở cho hộ dân tộc nghèo không đất (hình thức khu dân cư); tiếp tục có chính sách đầu tư thủy lợi vùng cao do thực tế hệ thống kết nối thủy lợi hiện vào mùa khô chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu người dân, dịch vụ bơm tưới tiêu chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế chi phí cao nên người dân khó khăn trong sản xuất... “Có cơ chế ưu tiên, đảm bảo nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách đã được ban hành về phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Thực hiện nghiêm chỉnh việc phân cấp cho cơ sở, công khai các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư… để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện… Ngoài ra, cần có chính sách cụ thể vận động những người có uy tín, sư sãi, chức sắc tôn giáo tham gia vào việc phổ biến kiến thức khuyến nông, khuyến ngư… Từ đó, đồng bào cùng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu công nghiệp, nhanh chóng thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa…”- ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau đề xuất.

► Tích hợp chính sách

Theo ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 19, gắn với thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tổ chức rà soát lại hệ thống chính sách dân tộc đã và đang triển khai. Từ đó, tham mưu, đề xuất cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành hệ thống chính sách dân tộc mới. Trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội thảo tham vấn… lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý, các địa phương… “Qua phân tích, đánh giá một cách cụ thể, chúng tôi sẽ tổng hợp và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành những chính sách ngắn gọn, tích hợp; các biện pháp thực hiện phải đồng bộ để tổ chức triển khai hiệu quả, giải quyết dứt điểm những tồn đọng. Đối với ĐBSCL, hệ thống chính sách dân tộc sẽ tập trung giải quyết những khó khăn, bức xúc về sản xuất và đời sống của đồng bào Khmer và một số DTTS khác trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cải thiện rõ rệt đời sống và tinh thần cho hộ DTTS nghèo…”- ông Lê Sơn Hải nói.

Nhiều ý kiến đồng tình rằng, về lâu dài, cần xây dựng một đề án tích hợp các chính sách thành “Chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bào DTTS” theo hướng đa mục tiêu, dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, cần tập trung vào các chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực; phát triển sinh kế bền vững; ứng dụng khoa học, công nghệ; đào tạo nghề giải quyết việc làm… Theo ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, việc xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo cần gắn kết các nhóm: Nhóm chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, gồm: Chương trình 135, hoàn thiện các trung tâm cụm xã đang dở dang, còn có nhu cầu xây dựng, chính sách cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trong toàn tuyến biên giới Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Nhóm chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sinh kế, giảm nghèo, gồm: chính sách cho các DTTS rất ít người, dân tộc có tính đặc thù, định canh định cư, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, tín dụng, dạy nghề giải quyết việc làm… Nhóm chính sách về nâng chất lượng nguồn nhân lực gồm: chính sách về giáo dục, y tế; về sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS… Nhóm chính sách theo địa bàn, đặc thù dân tộc (Tây Bắc, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Tây Nam bộ), như: chính sách dân tộc gắn với tôn giáo; gắn với văn hóa, tuyên truyền; chính sách giáo dục gắn với đặc thù dân tộc, tôn giáo, người có uy tín...

Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS…”. Trong bối cảnh hiện nay, nội dung và cách thực hiện các chính sách dân tộc chuyển từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình sang hỗ trợ cho cộng đồng; tăng cho vay có ưu đãi, giảm cho không; hỗ trợ có điều kiện, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào… Do đó, cần phải có chính sách dân tộc mới theo hướng tích hợp, phù hợp với tình hình mới. Với kết quả đạt được từ hệ thống chính sách dân tộc, với sự quan tâm, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và đặc biệt là đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 19, tin rằng thời gian tới sẽ có một hệ thống chính sách dân tộc mới, tạo bước phát triển mới đột phá hơn trong sự phát triển vùng.

Nhóm PV Báo Khmer ngữ

Chia sẻ bài viết