30/01/2021 - 06:58

Để việc lì xì thêm ý nghĩa 

Tết đến, một trong những điều vui thích của trẻ nhỏ là được nhận lì xì. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng biết cách nhận và  đáp lễ bằng những lời chúc ý nghĩa. Vì vậy, người lớn nên nhắc nhở, hướng dẫn trẻ cách cư xử lịch sự khi nhận lì xì đầu năm mới để người cho và nhận đều vui.

Người lớn cần hướng dẫn để trẻ hiểu và thêm trân trọng quà lì xì đầu năm mới.

Người lớn cần hướng dẫn để trẻ hiểu và thêm trân trọng quà lì xì đầu năm mới.

Chị Hồng Yến ở quận Bình Thủy, chia sẻ: “Tôi có con trai 10 tuổi và con gái 8 tuổi. Tết, tôi thường đưa các con đến thăm họ hàng, bạn bè nên tôi dặn trước cách chào hỏi lễ phép, dạy những câu chúc đơn giản, dễ nhớ và phù hợp với hầu hết mọi người như chúc nhiều sức khỏe, công việc thuận lợi, gia đình an khang, hạnh phúc… để con cảm ơn khi được nhận quà. Tôi thường nhắc các con việc lì xì không nằm ở số tiền mừng tuổi mà quan trọng là lộc đầu năm và người ta quý mình mới tặng. Nhận quà xong, phải cất cẩn thận, muốn xem thì cần vào nơi kín đáo, không để khách nhìn thấy hoặc đợi khách ra về mới được phép mở ra xem”.

Chị Kim Ngọc ở quận Ninh Kiều, cho biết: “Gia đình tôi có thông lệ vào sáng mồng một Tết Nguyên đán, con cháu trong nhà chúc Tết, chúc thọ và tặng quà hoặc tiền cho ông bà, cha mẹ. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng tiền gọi là lấy may, mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới. Các anh chị lớn cũng chuẩn bị phong bì tặng các em nhỏ. Tôi dạy con cháu khi nhận tiền lì xì không chỉ là nhận số tiền trong phong bao, mà còn là tấm lòng của người tặng nên phải nhận bằng hai tay, biết nói cảm ơn để thể hiện sự trân trọng”.

Chị Hồng Diễm ở quận Ninh Kiều kể lại sự cố liên quan đến chuyện lì xì mà chị còn áy náy đến bây giờ. Tết năm rồi, chị đưa các con về ngoại chơi. Trong số khách đến nhà, có người bạn của ông ngoại lì xì 2 cho đứa con của chị. Do bận làm thức ăn tiếp khách nên chị không để ý 2 đứa nhỏ ra phía sau cánh cửa xé bao lì xì, con gái chị (5 tuổi) đòi đổi tờ màu đỏ (50.000 đồng) của mình lấy tờ màu xanh (100.000 đồng) của anh Hai. Anh không chịu nên bé giãy khóc rồi giận, vứt bỏ tờ tiền. Cũng may khách là bạn thân của ông ngoại nên thông cảm. Rút kinh nghiệm lần đó, chị Diễm dạy con rất kỹ trong việc nhận lì xì để không xảy ra chuyện đáng tiếc như vậy nữa.         

Lì xì là truyền thống, là mỹ tục, thể hiện sự yêu mến, quý trọng của mọi người dành cho nhau qua “lộc” đầu năm với hàm ý mong muốn người nhận được may mắn, thuận lợi trong năm mới. Người lớn cần giúp trẻ hiểu đúng ý nghĩa của việc lì xì để biết trân trọng món quà tinh thần, chứ không đơn thuần là số tiền nhận được. Mặt khác, cần hướng dẫn trẻ cách giữ gìn, sử dụng tiền lì xì sao cho đúng, không nên phung phí. Có như vậy, việc tặng và nhận lì xì mới thật sự mang lại nhiều ý nghĩa, người cho - người nhận cùng vui và Tết thêm rộn rã hơn khi cầm trên tay những phong bao đỏ thắm.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết