30/09/2011 - 15:30

Đề phòng trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đang tư vấn bà mẹ có con nhỏ cách chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng để tránh cho trẻ mắc các bệnh tiêu chảy, tay chân miệng... Ảnh: B.NG

Rotavirus là loại vi-rút phổ biến gây tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ trên toàn thế giới. Tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em chiếm đến 60% đến 70% những trường hợp tiêu chảy nặng phải nhập viện. Điều trị và chăm sóc trẻ nhỏ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus không những tốn kém về thời gian, kinh tế, sức lực của gia đình bệnh nhân mà còn là gánh nặng bệnh tật đối với cộng đồng xã hội.

Tiêu chảy cấp do Rotavirus phần lớn thường gặp lúc trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, đây là giai đoạn rất nguy hiểm cho đa số trẻ nhỏ. Kháng thể truyền từ mẹ sang con, đặc biệt qua việc bú mẹ có thể bảo vệ cho những trẻ nhỏ từ lúc sinh tới 6 tháng tuổi. Sau 3 tháng tuổi, kháng thể thụ động do mẹ truyền sang giảm dần tới khi trẻ hơn 2 tuổi thì có thể tự bảo vệ do tạo kháng thể từ lần nhiễm Rotavirus trước đó. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trẻ bị nhiễm Rotavirus trước 6 tháng tuổi, thậm chí trước 3 tháng tuổi. Vì thế, điều quan trọng là cần phải bảo vệ trẻ càng sớm càng tốt trước khi chúng đến tuổi dễ có nguy cơ bị Rotavirus tấn công. Rotavirus tồn tại quanh năm ở những quốc gia có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Tuy nhiên ở khu vực miền Bắc, bệnh phát triển cao điểm trong suốt những tháng lạnh hơn nên dân gian hay gọi là bệnh tiêu chảy mùa đông. Tỷ lệ mắc bệnh là như nhau ở những quốc gia nghèo và những quốc gia giàu.

Trẻ em có thể nhiễm Rotavirus qua đường tiêu hóa từ những thức ăn, thức uống, đồ vật nhiễm bẩn. Rotavirus có khả năng lây lan rất cao vì tồn tại trong môi trường và lưu lại trên tay vài giờ và trên bề mặt rắn khoảng vài ngày. Gần đây, một số nhà khoa học nghi ngờ Rotavirus cũng có thể truyền qua không khí vì vi- rút được tìm thấy trong dịch tiết đường hô hấp của những trẻ bị bệnh. Ở những trẻ bị bệnh, Rotavirus có thể đào thải trong phân lên đến 21 ngày mặc dù tiêu chảy đã chấm dứt. Đó là lý do tại sao chỉ bằng vệ sinh thông thường, cung cấp nước sạch hay cải thiện các hệ thống vệ sinh môi trường cũng không thể loại trừ được bệnh tiêu chảy do Rotavirus, đặc biệt là lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Khi trẻ nhiễm Rotavirus sẽ đào thải ra ngoài một lượng siêu vi rất lớn đến 10 ngàn tỷ, trong khi đó chỉ cần một lượng rất nhỏ khoảng 10 siêu vi là có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người.

Khi bị nhiễm Rotavirus, trẻ sẽ bị sốt, buồn nôn và ói mửa dữ dội. 24 đến 48 giờ sau khi bắt đầu nôn ói, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, đi phân lỏng, toàn nước, không có máu. Tiêu chảy và nôn ói có thể lên đến hơn 20 lần/ngày. Do nôn ói và tiêu chảy, trẻ bị mất nước và mất các chất điện giải, không bù tại nhà bằng đường uống được nên phải đưa tới bệnh viện, nếu trẻ không được truyền dịch kịp thời để bù nước và điện giải có thể tử vong vì tình trạng kiệt nước. Thông thường bệnh kéo dài từ 3 đến 8 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 2 tuần.

Khi bị tiêu chảy do Rotavirus, trẻ có thể trở nên không dung nạp đường lactose có trong sữa, khiến bé tạm thời không thể hấp thu sữa hoàn toàn và có những triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy phân lỏng, có mùi chua, có bọt nhiều hơn và đầy hơi, khó tiêu khi ăn các loại sữa bình thường. Điều này dẫn đến tiêu chảy kéo dài, sụt cân và suy dinh dưỡng ở trẻ. Do vậy, tiêu chảy cấp do Rotavirus không những là một nguyên nhân gây tử vong do kiệt nước ở trẻ mà còn là nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở các nước đang phát triển có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao...

Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus dễ bị mất nước nghiêm trọng và thường tỷ lệ phải nhập viện rất cao. Nhiễm Rotavirus lần đầu thường nặng nhất, các lần nhiễm sau thì nhẹ hơn vì trẻ đã có kháng thể bảo vệ. Điều này cũng là điểm khác biệt so với các bệnh tiêu chảy khác. Tiêu chảy do Rotavirus không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh, điều này không giống như các trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn khác. Kháng sinh thậm chí có thể còn làm cho tiêu chảy nặng hơn.

Các bậc phụ huynh có con bị nhiễm Rotavirus cần lưu ý: nên dùng các dung dịch bù nước bằng đường uống càng sớm càng tốt ngay khi trẻ bắt đầu tiêu chảy để ngừa mất nước. Dung dịch muối-đường để uống ở dạng dung dịch tạo nước đường uống (ORS), đặc biệt được bào chế để điều trị tiêu chảy có sẵn trên thị trường. Nếu không có sẵn dung dịch này, có thể dùng nước dừa, nước trái cây hay là súp gà. Tránh cho trẻ dùng loại nước giải khát công nghiệp như nước ngọt, nước uống có carbon và thức uống có hương vị trái cây vì có chứa nhiều đường, có thể làm cho tiêu chảy nặng hơn. Nên tiếp tục cho bé ăn, nếu bé đang bú mẹ thì vẫn tiếp tục cho bú mẹ. Nếu trẻ có biểu hiện không dung nạp Lactose như khi tiêu chảy kéo dài trên 7 ngày, phân lỏng toàn nước, chua có bọt, đầy bụng sinh hơi mới cần sử dụng các loại sữa không có lactose dùng cho trẻ tiêu chảy.

Để điều trị, phòng ngừa tiêu chảy tái nhiễm, việc bổ sung kẽm sẽ được bác sĩ chỉ định dùng trong khoảng 2 tuần. Kháng sinh thường là không cần thiết vì Rotavirus không đáp ứng với kháng sinh. Hãy mang trẻ đến bác sĩ khám bệnh, nhất là khi tình trạng con bạn không tốt hơn trong 2 ngày. Bên cạnh thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh để phòng ngừa lây bệnh, cách tốt nhất nhằm đảm bảo trẻ nhỏ khỏi tiêu chảy do Rotavirus là chủng ngừa bằng vắc-xin. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo nên chủng ngừa cho tất cả trẻ nhỏ để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, tốt nhất là nên hoàn tất việc chủng ngừa trước 6 tháng tuổi. Các bậc phụ huynh có con nhỏ dưới 6 tháng tuổi hãy đến ngay các bệnh viện sản, nhi hoặc trung tâm y tế dự phòng để hỏi bác sĩ tư vấn về chủng ngừa Rotavirus cho con mình.

GS.TS. NGUYỄN GIA KHÁNH
(Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhi- Trường ĐH Y Hà Nội;
Nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa- Gan mật-
Bệnh viện Nhi Trung ương; Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam)

Chia sẻ bài viết