26/09/2011 - 21:55

Đề phòng nguy cơ bị đột tử do bệnh tim

Chúng ta thường nghe nhắc đến một số trường hợp đang khỏe mạnh bình thường, đang lao động bỗng dưng bị đột tử. Thậm chí, có người còn đột tử ngay cả trong lúc nghỉ ngơi, xem ti-vi, ăn uống, tập luyện thể thao… khiến người nhà rất bất ngờ. Tuy nhiên, ít người biết rằng phần lớn nguyên nhân đột tử có nguồn gốc từ bệnh tim.

Mới 50 tuổi, ông N.H.T. (Cần Thơ) đã qua đời đột ngột. Người nhà ông T. kể lại, chiều hôm đó, sau khi đi làm về, ông ấy vẫn sinh hoạt bình thường. Tắm rửa, ăn cơm xong, ông vào phòng nằm nghỉ, đọc báo. Khoảng 9 giờ tối, vợ ông vào phòng thì phát hiện ông nằm bất động trên giường, khi đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn. Theo người nhà, nửa năm trước, ông T. đã một lần nhập viện cấp cứu vì bị nhồi máu cơ tim cấp, sau đó tình trạng sức khỏe đã ổn, không ngờ giờ lại ra đi đột ngột như vậy.

 Bệnh nhân suy tim đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.

Tương tự, trường hợp của chị H.T.B. (Sóc Trăng), cũng bị đột tử trong đêm ở tuổi 37 mà người nhà không hề hay biết. Mọi lần, chị B. thường dậy sớm để tranh thủ lo cơm nước cho chồng con rồi mới đi làm nhưng sáng hôm đó, thấy đã 7 giờ mà chị chưa dậy, anh chồng vào buồng gọi mới phát hiện vợ mình đã ngừng thở.

Theo BS Phạm Thị Kim Hoa, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, đột tử là những trường hợp tử vong xảy ra trong vòng một giờ từ lúc có triệu chứng mà không có dấu hiệu báo trước. Có nhiều nguyên nhân gây đột tử nhưng thường gặp nhất là do tim và mạch máu. Đột tử do tim phổ biến nhất là rối loạn nhịp: rung thất, tim ngưng đập thời gian dài do nghẽn dẫn truyền nhĩ thất hay vô tâm thu. Các loại rối loạn nhịp này được hình thành do thiếu máu cung cấp cho hệ thống dẫn truyền thần kinh trong tim, hay gặp ở người có bệnh tim thiếu máu cục bộ (còn gọi là suy mạch vành), điển hình như nhồi máu cơ tim cấp. Người bệnh có thể chết vì rối loạn nhịp trước khi có triệu chứng đau ngực và trước khi đến được bệnh viện. Ngoài ra, rối loạn nhịp tim gây đột tử cũng thường gặp ở bệnh nhân có phì đại thất trái trong các bệnh van tim, tăng huyết áp, hay bệnh cơ tim phì đại. Bệnh cơ tim phì đại thường di truyền, vì vậy một gia đình nếu có người bị đột tử khi còn trẻ thì những người còn lại nên đi khám, siêu âm tim phát hiện có bệnh hay không để được điều trị kịp thời. Bệnh này gây tắc nghẽn đường đi ra của máu từ tim đến động mạch chủ, cũng là một trong những nguyên nhân thông thường nhất gây đột tử ở người trẻ tuổi.

Một nguyên nhân khác gây đột tử do bất thường trao đổi các ion qua màng tế bào cơ tim dẫn đến những rối loạn nhịp khi có điều kiện thuận lợi (dùng thuốc chống dị ứng, kháng sinh, thuốc điều trị loạn nhịp): Hội chứng QT dài, hội chứng Brugada. Những bệnh nhân này có thể có triệu chứng tim đập hồi hộp, có cảm giác hẫng hụt, đánh trống ngực, ho trong cơn, nặng hơn thì bất tỉnh, co giật. Các rối loạn nhịp bẩm sinh khác như bất thường về đường dẫn truyền trong tim gây các cơn nhịp nhanh trên thất, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn huyết động, trụy mạch, choáng tim và dẫn đến tử vong. Những loại bệnh tim khác gây viêm cơ tim hay loạn sản thất phải, u thâm nhiễm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, xơ hóa đường dẫn truyền cũng đều có thể gây đột tử vì loạn nhịp. Còn đột tử do mạch máu, thường gặp nhất là vỡ mạch máu lớn như xuất huyết não, màng não trong tăng huyết áp không được điều trị và dị dạng mạch máu não.

Triệu chứng báo trước đột tử thường hiếm, trừ bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim mãn tính biểu hiện bằng những cơn đau thắt ngực vùng trước xương ức, lan ra tay trái, hàm dưới khi gắng sức trước đó. Hoặc những cơn ngất ngắn có kèm co giật hay không ở những người bị nghẽn dẫn truyền nhĩ- thất gây tim đập chậm làm thiếu máu lên não. Nếu thấy những triệu chứng trên, người nhà nên đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện.

Để giảm nguy cơ đột tử do tim, BS Phạm Thị Kim Hoa cũng khuyên mọi người cần chú ý khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm tăng huyết áp hay điện tim bất thường. Với những bệnh nhân đang có bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp nên điều trị liên tục. Về chế độ ăn cần giảm mỡ động vật, giảm ăn mặn, không hút thuốc lá và không lạm dụng rượu bia. Trước khi chọn môn thể thao tập luyện phải khám loại trừ bệnh cơ tim phì đại, tật bẩm sinh về dẫn truyền.

Bài, ảnh: NGUYỆT HƯƠNG

Chia sẻ bài viết