30/12/2012 - 20:56

Để phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản

Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, TP Cần Thơ có rất nhiều tiềm năng để phát triển nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, áp lực đầu ra, việc khai thác quá mức, tác động bất thường của thời tiết… khiến ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản của TP Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phục vụ nuôi trồng, khai thác theo hướng bền vững được xem là nhiệm vụ cấp bách…

Biến đổi khí hậu khiến hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ngày càng khó khăn hơn.
Trong ảnh: Nuôi cá điêu hồng trên sông Hậu thuộc quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. 

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, năm 2012, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố là 14.497ha, sản lượng thu hoạch 199.072 tấn, đạt 114% so với kế hoạch. Trong đó, bao gồm các đối tượng nuôi như cá tra, cá rô đầu vuông, cá trê, cá lóc, ếch, lươn, tôm càng xanh,… Tuy nhiên, trong năm 2012, do giá thành nuôi tăng trong khi giá đầu ra thấp, các hộ nuôi cá tra thua lỗ từ 1.000-3.000 đồng/kg tùy theo từng thời điểm. Một số đối tượng nuôi khác như cá lóc, cá trê, ếch, lươn,… dù giúp người dân tăng thu nhập trong lúc nhàn rỗi nhưng phát triển tự phát nên thường bấp bênh ở khâu tiêu thụ. Theo ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, hiện nay, do chưa có quy định phối hợp giữa các đơn vị quản lý đất đai, môi trường và thủy sản nên công tác quản lý sử dụng đất và bảo vệ môi trường trong nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố chưa hiệu quả. Việc xây dựng mạng lưới thủy lợi, đê bao sản xuất nông nghiệp chưa hài hòa với sản xuất thủy sản đôi khi gây khó khăn trong phát triển thủy sản tại các địa phương.

Huyện Phong Điền có diện tích mặt nước tự nhiên có khả năng nuôi thủy sản trên 1.300ha. Cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt, Phong Điền có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vẫn còn một bộ phận người dân sử dụng nhiều loại hình khai thác bằng xung điện, chất độc làm giảm đáng kể nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, cho biết: "Trong năm 2012, ngành chức năng địa phương đã tổ chức 107 đợt tuần tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó tịch thu tiêu hủy 70 bộ xung điện và một số thiết bị cấm khai thác như ngư cụ có mắt lưới nhỏ đánh bắt cá trong mùa sinh sản. Huyện cũng phối hợp với Chi cục Thủy sản thành phố tuyên truyền đến các hộ nuôi và khai thác thủy sản, hộ kinh doanh ngư cụ trên địa bàn các văn bản pháp quy về bảo vệ nguồn lợi thủy sản".

Qua các nghiên cứu của ngành chức năng cho thấy, nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở ĐBSCL và tại TP Cần Thơ đang dần cạn kiệt. Vì vậy, song song với việc khai thác, đánh bắt thì vấn đề sản xuất giống nhân tạo thả bổ sung vào môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản được ngành chức năng quan tâm. Trong năm 2012, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ đã vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản đóng góp khoảng 140.000 con giống tôm, cá các loại để thả vào các thủy vực tự nhiên để góp phần tăng mật độ quần thể của các giống loài thủy sản đang cạn kiệt, ổn định quần xã sinh vật trong các thủy vực. Ông Phạm Trường Yên, Phó giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: "Trong vấn đề bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản, cần phải nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư tại địa phương và vận động xã hội hóa công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản. Phải hoàn thiện các quy hoạch kiểm soát nuôi trồng thủy sản, quản lý chặt các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, hóa chất phòng trị bệnh,… Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tình hình nuôi trồng, khai thác thủy sản trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, cần nâng cao vai trò của các cơ quan chuyên môn trong công tác dự báo, quan trắc, cảnh báo các tác động về môi trường, thời tiết có thể ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản để kịp thời thông báo cho các hộ nuôi và khai thác thủy sản".

Ngày 30-7-2012, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND về "Triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn TP Cần Thơ". Mục tiêu cụ thể đến năm 2015, TP Cần Thơ sẽ hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản; đưa công tác dự báo nguồn lợi, mùa vụ khai thác là công việc thường xuyên của cơ quan quản lý và nghiên cứu khoa học. Đồng thời hoàn thành việc quy hoạch vùng cấm khai thác và vùng cấm khai thác có thời hạn trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2020 là phối hợp với Bộ NN&PTNT hoàn thiện và đưa khu bảo tồn sông Hậu trong quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa tại Việt Nam vào hoạt động. Theo ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, ngành nông nghiệp thành phố đang nỗ lực phục hồi nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là những loài thủy sản có giá trị kinh tế. Đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động xây dựng các mô hình đồng quản lý nghề cá, từng bước nâng cao trách nhiệm của các hộ nuôi trồng, đánh bắt trong hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết