Nhu cầu mua máy nông nghiệp sản xuất trong nước đang tăng lên trên 1,3 lần so với cùng kỳ kể từ khi Chính phủ ra Quyết định 497 ngày 17-4-2009 hỗ trợ lãi suất vốn vay cho nông dân mua máy móc nông nghiệp. Theo các chuyên gia, chính sách này không chỉ là “đòn bẩy” cho cơ giới hóa nông nghiệp mà sẽ là “đòn bẩy” cho cả ngành chế tạo cơ khí trong nước nếu như được “tăng hiệu lực” trở thành một chính sách dài hơi, thống nhất trên toàn quốc.
Lợi cả đôi đường
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) Nguyễn Thanh Giang cho biết: Xác định được lợi ích to lớn và lâu dài của việc hỗ trợ nông dân, ngay từ năm 1999, VEAM đã chủ động phối hợp với một số tỉnh thành phố và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN&PTNT) triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ “Các hộ nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp khi đầu tư trang bị máy nông nghiệp do Việt Nam sản xuất được vay vốn của NHNN&PTNT 70-80% vốn, trả dần trong thời hạn 3-5 năm với lãi suất được tỉnh hỗ trợ 100%”. Với chính sách này, gần 10 năm qua, 12.735 máy nông nghiệp các loại và 4.140 thiết bị nuôi tôm đã được chuyển giao đến tận tay nông dân, giúp mở rộng qui mô sản xuất nông nghiệp.
Để khuyến khích nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, tháng 6-2004, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo “tùy khả năng ngân sách và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho nông dân mua máy sản xuất trong nước”. Với chủ trương này, nhiều địa phương trong cả nước như Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Kiên Giang đã triển khai hiệu quả chính sách, tạo động lực thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp mạnh mẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước cũng được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này do mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm máy móc nông nghiệp.
|
Trình diễn máy gặt đập liên hợp trên ruộng lúa ở ĐBSCL. Ảnh: A. KHOA |
Thực tế cũng cho thấy, chỉ 2 tháng sau khi Quyết định 497 đi vào cuộc sống, các sản phẩm máy nông nghiệp sản xuất trong nước đã có sự tăng trưởng đột biến. Mặc dù VEAM đã tăng tối đa công suất sản xuất máy nông nghiệp, nhưng vẫn không đủ hàng bán cho nông dân. Chỉ riêng mặt hàng máy kéo, VEAM dự kiến phải sản xuất khoảng 10.000 máy, tăng 7.000 máy so với năm 2008 mới đáp ứng hết nhu cầu của nông dân.
Khó khăn vẫn còn
Lợi ích mà cơ chế hỗ trợ mua máy nông nghiệp đã được minh chứng theo thời gian, nhưng cho đến nay, cơ chế này vẫn triển khai trong muôn vàn trắc trở. Do nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương là khác nhau cũng như nguồn vốn ngân sách của các địa phương còn hạn hẹp nên chính sách hỗ trợ mua máy móc nông nghiệp này của các tỉnh, thành cũng chỉ “hạn hẹp” về mặt thời gian và đối tượng được hỗ trợ. Vì vậy, trong gần 10 năm qua, chỉ có 25/63 tỉnh, thành là triển khai được cơ chế hỗ trợ này. Còn Quyết định 497 đã có hiệu lực hơn 2 tháng nay, diện hỗ trợ là toàn quốc nhưng tại nhiều địa phương, nông dân cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Nhiều nông dân tại Hưng Yên, Bình Phước, Long An cho rằng: Thời gian thực hiện giải ngân gói hỗ trợ lãi suất này quá ngắn (kết thúc vào tháng 12-2009) trong khi việc hoàn tất thủ tục vay vốn ngân hàng không phải là dễ nên nông dân “đành ngồi nhìn” cơ hội trôi qua.
Bên cạnh những khó khăn mà người nông dân gặp phải, các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp ở trong nước như VEAM cũng tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ thu nhỏ thị phần do sự cạnh tranh gay gắt của hàng Trung Quốc. Thực tế cho thấy, chất lượng của máy nông nghiệp sản xuất tại địa phương của Trung Quốc không tốt bằng sản phẩm cùng loại của Việt Nam và không có các chính sách hậu mãi kèm theo nhưng nông dân tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Bắc khi không được hỗ trợ vay vốn sẽ ưu tiên chọn mua máy Trung Quốc với giá bán rẻ 10-40% so với các sản phẩm trong nước.
Về phía nhà sản xuất, ông Giang khẳng định: VEAM không có ý định cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc, bởi Trung Quốc là nước sản xuất lớn, doanh nghiệp xuất khẩu máy móc của họ lại được hỗ trợ khi xuất khẩu máy móc sang nước có chung đường biên giới. Ông Giang cũng cho rằng: Với thời gian bảo hành miễn phí 6 tháng và chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá thành máy nông nghiệp của VEAM thực tế đã ở mức “kịch sàn”. Thực tế cũng cho thấy, sản phẩm máy nông nghiệp của VEAM vẫn rẻ hơn từ 1,5-3 lần so với các máy nhập khẩu của Hàn Quốc, Nhật Bản và rẻ hơn nhiều so với giá sản phẩm cùng chủng loại của VEAM xuất sang thị trường ASEAN, Trung Đông. Vì vậy, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng sản phẩm của VEAM vẫn chiếm lĩnh tới 30% thị phần máy nông nghiệp tại Việt Nam.
Cần chính sách “dài hơi”
Là một trong 2 doanh nghiệp cơ khí chế tạo ít ỏi của Việt Nam có khả năng sản xuất đi từ nguyên liệu ban đầu cho đến toàn bộ chi tiết rồi lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, ông Giang cho rằng Nhà nước cần có chính sách lâu dài để thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động, tăng hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp; đồng thời kích thích ngành sản xuất máy móc trong nước phát triển. Bên cạnh đó, một chính sách hỗ trợ dài hơi cho ngành cơ khí chế tạo trong nước phát triển cũng góp phần giúp sản phẩm cơ khí trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập. Theo ông Giang, hiện các chính sách hỗ trợ ngành cơ khí mới chỉ tập trung vào doanh nghiệp lắp ráp, còn các doanh nghiệp chế tạo thực sự chưa được quan tâm đúng mức.
Đồng quan điểm với ông Giang, một số chuyên gia cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ vay vốn mua máy móc nông nghiệp như Quyết định 497 cần phải trở thành một chính sách nhất quán, lâu dài trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Thực tế tại một số nước ASEAN và ngay cả một số nước phát triển, chính phủ vẫn có những chính sách hỗ trợ cho nông dân kiểu như “497”.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương khẳng định: Trong khi chờ một chính sách hỗ trợ dài hơi, tổng thể mang lại lợi ích “hai trong một”, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo cần sớm xây dựng những dự án khả thi cao để được hưởng lợi từ cơ chế “hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015”. Tận dụng được lợi thế này, sản phẩm cơ khí trong nước sẽ tiếp tục nâng cao được khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại và “hút” được khách hàng chính trên sân nhà ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất.
NGUYỄN KIM ANH (TTXVN)