05/11/2012 - 21:50

Để không thành “hổ giấy”

Phát biểu trước giới báo chí bên lề hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) vừa diễn ra tại Mexico City trong hai ngày 4 và 5-11, Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty cho rằng điều quan trọng nhất là G-20 phải chứng tỏ mình như một tổ chức có hiệu quả, nơi các quốc gia thành viên phải thực hiện cam kết, chứ nếu không nó sẽ đáng trở thành một con "hổ giấy".

Theo hãng tin Anh Reuters, ông Flaherty muốn ám chỉ và phê phán các đồng nghiệp châu Âu quá chậm chạp trong lộ trình xử lý cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ chưa từng có ở khu vực này do những mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ. Hy Lạp vẫn chưa thoát khỏi bóng ma phá sản vào giữa tháng 11 nếu quốc hội nước này không thể thông qua kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" để nhận được gói giải ngân cứu trợ trị giá 31,5 tỉ euro của "bộ ba cho vay" Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tây Ban Nha thì đang dùng dằng tìm kiếm gói cứu trợ tài chính của quốc tế. Trong khi đó, Pháp và Ý lại phản bác kế hoạch thắt chặt chi tiêu của Đức và Anh.

Đồng thời, ông Flaherty cũng dùng lời lẽ gay gắt nhất nhằm vào Mỹ, đối tác thương mại và đồng minh hàng đầu của Canada. Ông cảnh báo rằng quốc hội đầy chia rẽ của Mỹ cần nhanh chóng thỏa hiệp về kế hoạch cắt giảm chi tiêu và tăng thuế của Chính phủ Mỹ, trị giá khoảng 600 tỉ USD, trước đầu năm 2013 để không đẩy nền kinh tế lớn nhất hành tinh lâm vào chu kỳ suy thoái mới. Nhà lãnh đạo tài chính Canada tin rằng về nguy cơ ngắn hạn, sự bế tắc của Quốc hội Mỹ trong vấn đề tài khóa thậm chí còn đe dọa nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu.

Chia sẻ quan điểm của ông Flaherty, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Masaaki Shirakawa cũng cho rằng nếu nước Mỹ thất bại trong việc giải quyết chuyện ngân sách sẽ không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ mà cả nền kinh tế Nhật Bản và thế giới. Ông Shirakawa kêu gọi mỗi quốc gia thành viên G-20 nên lên tiếng thúc giục Mỹ nghiêm túc dàn xếp vấn đề tài chính của mình để không ảnh hưởng đến các nỗ lực phục hồi đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Giới quan sát lo ngại dù Tổng thống Barack Obama thuộc đảng Dân chủ có tái đắc cử, nhưng nếu đảng Cộng hòa duy trì kiểm soát Hạ viện, thì nước Mỹ vẫn sẽ lâm vào thế bế tắc về ngân sách.

Cần nhắc lại là các nền kinh tế thành viên G-20 chiếm hơn 84% GDP thế giới, 80% thương mại toàn cầu và 2/3 dân số hành tinh. Nhóm này được lập ra để cùng ngồi vào bàn thương thảo và cam kết giải quyết các vấn đề chung, nhưng xem ra các lợi ích riêng vẫn chế ngự các lợi ích chung.

ĐỨC TRUNG (Theo AP, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết