06/12/2010 - 08:49

Để ĐBSCL là điểm đến vững tin

* THU HÀ

Kỳ 2: Còn nhiều rào cản trong thu hút đầu tư

Toàn vùng hiện có 74 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập, tổng diện tích 23.901 ha. Các địa phương còn quy hoạch 214 cụm công nghiệp (CCN) diện tích 18.658 ha để thu hút đầu tư, phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kém, dự án rập khuôn, thiếu tính khả thi, chất lượng nguồn nhân lực là lực cản chính trong mời gọi đầu tư vào ĐBSCL.

“Khát” đầu tư...

Năm 2008, toàn vùng có 20 KCN được phê duyệt, diện tích 3.645 ha với 552 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy KCN chỉ khoảng 28,5%. Những địa phương có diện tích đất công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy KCN cao như: TP Cần Thơ, Long An, Tiền Giang... Đến năm 2010, toàn vùng có 74 KCN, hiện 43 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 39,7%; còn 41/214 CCN đang vận hành, tỷ lệ lấp đầy chỉ mới 27,4%... Sự phát triển ồ ạt thiếu kiểm soát ở các KCN, CCN đã phát sinh không ít rắc rối. Rồi các tỉnh đua nhau hạ giá thuê đất để thu hút đầu tư, nhà đầu tư được dịp “ép giá”. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các KCN đã gây bức xúc cho một bộ phận dân cư, trong khi dự án chuyển giao công nghệ lại không nhiều...

Đa phần dự án FDI vào vùng ĐBSCL đa phần sử dụng nhiều lao động, còn lĩnh vực công nghệ cao chưa nhiều.
Ảnh: THU HÀ. 

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho biết: “Áp lực phát triển, lấp đầy KCN đã đẩy các tỉnh vào cuộc đua mời gọi đầu tư và hạ giá thuê đất, miễn thuế... nhà đầu tư sẽ được lợi từ chính sách này, trong khi nguồn thu ngân sách không đáng kể”. TP Cần Thơ hiện có 8 KCN tập trung, diện tích đất công nghiệp là 1.590 ha, hiện diện tích cho thuê mới đạt 545,5 ha, chiếm 34,4% diện tích đất công nghiệp. Trong tổng vốn 1,7 tỉ USD đăng ký đầu tư vào KCN, chỉ mới giải ngân được 38,5% (tương đương 650 triệu USD) và hằng năm, giải quyết việc làm cho 5.000- 10.000 lao động. Riêng 25 dự án FDI đang hoạt động, tỷ lệ giải ngân vốn cũng chưa đến 25% trên tổng vốn đăng ký, năm 2010 doanh thu đạt 250 triệu USD, xuất khẩu 65 triệu USD và nộp ngân sách 3,2 triệu USD. Thời gian qua, thành phố ưu tiên đầu tư nhiều công trình trọng điểm để thu hút đầu tư, nhưng công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng KCN rất nhiêu khê. Theo ông Võ Thanh Hùng, KCN Trà Nóc I & II cơ bản lấp đầy, còn các KCN còn lại triển khai khá khó khăn, giá bồi hoàn, năng lực nhà đầu tư hạ tầng nhiều hạn chế, nên việc tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư không đạt mục tiêu đề ra.

Tỉnh Long An là địa phương thu hút nhiều dự án đầu tư vào KCN nhất vùng ĐBSCL, tỷ lệ lấp đầy KCN cao hơn, nhưng việc giải ngân nguồn vốn đầu tư cũng không dễ dàng. Trong tổng số 1,24 tỉ USD vốn FDI đầu tư vào KCN tính đến thời điểm này đã giải ngân chiếm 53% tổng vốn đăng ký (tương đương 660,6 triệu USD); nhưng vốn trong nước lại giải ngân khá chậm, trên 11.982 tỉ đồng, chỉ mới thực hiện 4.225 tỉ đồng, chiếm 36% vốn đăng ký. Theo ông Phan Thành Phi, Trưởng Ban quản lý Các KCN Long An, dự án FDI triển khai làm thủ tục thời gian dài hơn dự án trong nước, nhưng khi đi vào hoạt động, tỷ lệ giải ngân nhanh hơn và địa phương có thể kiểm soát được dòng chảy vốn qua hệ thống ngân hàng.

Còn các địa phương thuần nông, cũng quy hoạch ồ ạt các KCN để phát triển công nghiệp. Trong khi khả năng đầu tư của địa phương có hạn, vốn ngân sách không kham nổi cho việc chi đầu tư hạ tầng khá tốn kém, nhiều KCN đang hoạt động không hiệu quả. Ông Phạm Thành Khôn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Nếu không phát triển KCN thì không thu hút được nhà đầu tư, sản phẩm nông nghiệp làm ra không có nhà chế biến, bán thô thì giá trị không cao. Trong buổi đầu khát đầu tư, Vĩnh Long thực sự không chọn lọc dự án để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Mà cũng phải thừa nhận rằng, đa phần dự án quy mô nhỏ, do DN lớn, chúng ta không mời gọi được, vì điều kiện hạ tầng cơ sở không đáp ứng yêu cầu của họ”.

Và những bất cập

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư ĐBSCL vừa được tổ chức ở TP Cần Thơ nhiều đại biểu tham dự có chung nhận định: ĐBSCL phát triển khá ấn tượng, nhưng sự tăng trưởng này thiếu bền vững và phát sinh rất nhiều bất cập. Cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ, cảng Cái Cui... đã mở ra nhiều triển vọng mới trong mời gọi đầu tư. Nhưng luồng Định An chưa thông thì hệ thống cảng ở ĐBCSL sẽ không phát huy được tác dụng vì tàu tải trọng lớn không thể ra vào. Toàn vùng hiện có 25 cảng tổng hợp chuyên dụng, nhưng năng lực tiếp nhận tàu tải trọng chỉ 5.000- 10.000 DWT, do luồng Định An đang trong quá trình nạo vét, nên tàu trên 10.000 DWT khó ra vào sông Hậu làm cho hệ thống cảng của vùng không phát huy được tác dụng, dù hiện nay Cảng Cái Cui giai đoạn 2 đã khánh thành bến cầu tàu số 2 với năng lực tiếp nhận tàu tải trọng từ 20.000- 30.000 DWT. Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt và ước lượng của Bộ Giao thông Vận tải, lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực ĐBSCL sẽ đạt từ 9-11,5 triệu tấn/năm vào năm 2010 và tăng dần sau đó. Tuy nhiên, năm 2009, riêng lượng hàng hóa thông qua cụm cảng Cần Thơ đã hơn 12 triệu tấn và tính chung toàn vùng là trên 14 triệu tấn. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2020 sẽ đạt 20 triệu tấn hàng hóa/năm và sau năm 2020, lượng hàng hóa của toàn vùng thông qua cảng từ 40- 50 triệu tấn/năm.

Rõ ràng, các hệ thống cảng của vùng đang hoạt động dưới công suất thiết kế. Đây là tổn thất lớn cho các DN khi lượng hàng hóa xuất khẩu phải thông qua cảng ở TP Hồ Chí Minh, nhất là các mặt hàng may mặc, thủy sản. Theo tính toán của một DN xuất khẩu thủy sản ở KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ), một tấn hàng, DN phải trả thêm 10- 12 USD chi phí vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh, dù cầu Cần Thơ, đường cao tốc Trung Lương- TP Hồ Chí Minh đã thông xe, nhưng chỉ rút ngắn thời gian vận chuyển, chi phí đầu vào đã tăng cao, DN đã khó lại càng khó.

Thêm vào đó, cơ chế chính sách hiện nay cũng đang gây khó cho DN, nhất là nhà đầu tư hạ tầng. Ông Phan Thành Phi, Trưởng Ban quản lý Các KCN Long An, cho biết: “Trước đây, các công ty đầu tư hạ tầng KCN được ưu đãi thuế thu nhập DN, còn từ năm 2009 đến nay, chính sách này đã xóa bỏ. Công ty hạ tầng được giảm 50% tiền thuê đất, nhưng nếu chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư thứ cấp, thì ưu đãi này sẽ không còn. Trong khi đó, công ty đầu tư hạ tầng xong phải chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư thứ cấp để quay vòng vốn”. Theo ông Phi, Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về sử dụng đất, giá đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư được ban hành đã giải quyết rất nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhưng những vướng mắc của Nghị định này lại làm công tác giải phóng mặt bằng thêm khó khăn, nhất là những dự án dang dở đang chờ phê duyệt phương án bồi hoàn. Về tiền thuê đất, các DN đầu tư hạ tầng KCN trước đây không được trả tiền thuê đất một lần, còn Nghị định 69 cho phép trả một lần suốt dòng đời dự án, nhưng phương án này không khả thi, khi xét trên góc độ hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Minh Đạt, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Yến, chủ đầu tư hạ tầng KCN Nhựt Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (tỉnh Long An), cho biết: “Hiện nay, giá thuê đất mà công ty cho DN thứ cấp thuê lại 70- 90 USD trong suốt dòng đời dự án. Song, không còn ưu đãi đầu tư đối với DN hạ tầng là thách thức lớn, chủ đầu tư khó khăn khi tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp, do các khoản thu tăng”. Thêm vào đó, điện sản xuất cũng là vấn đề khó khăn trong tương lai, thiếu điện sản xuất sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của DN và cũng ảnh hưởng đến tiến độ thu hút đầu tư, lấp đầy KCN.

Sự bất cập trong phát triển vùng ĐBSCL còn ở chất lượng nguồn nhân lực. Lực lượng lao động của vùng trẻ, nhưng lao động qua đào tạo không nhiều. Mặt khác, sự kết nối giữa các địa phương trong vùng lâu nay chưa chặt chẽ, thiếu “nhạc trưởng” để tạo nên tiếng nói chung, tầm ảnh hưởng bao quát. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa của vùng vẫn chưa đạt mục tiêu mong muốn, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn chậm so với yêu cầu. Những thách thức này sẽ tạo sức ép lên sự phát triển của vùng thời gian tới.

Kỳ 3: Hệ lụy từ “khát” đầu tư

Chia sẻ bài viết