11/12/2011 - 08:33

ĐBSCL trước thách thức biến đổi khí hậu

* GIA BẢO-THÀNH NGUYỄN

Kỳ 2: Lo ngại về sinh kế của người dân

Biến đổi khí hậu (BĐKH) với những thay đổi bất thường của thời tiết khiến dịch bệnh, ô nhiễm môi trường ngày một tăng và đe dọa đến sinh kế của người dân. Nước biển dâng (NBD), mặn xâm nhập sâu vào nội đồng sẽ làm hàng triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lâm vào cảnh khó khăn. Trong khi đó, nhiều địa phương vẫn loay hoay tìm phương án chống đỡ.

Nhiều rủi ro trong sản xuất

 Triều cường làm ngập nhiều tuyến đường nội ô TP Cần Thơ. Ảnh: T. HÀ

Theo tính toán của các nhà khoa học, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng thêm 30C và mực nước biển có thể dâng 1m vào năm 2100, khoảng 40.000km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập, trong đó 90% diện tích thuộc ĐBSCL ngập hoàn toàn và khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất khoảng 10% GDP.

Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Nông nghiệp- thủy sản vẫn là chủ lực trong cơ cấu kinh tế của huyện. Thời điểm này, huyện chưa sử dụng đất lúa để làm công nghiệp, chủ yếu đất chuyển đổi là đất rừng từ đê ra sông Soài Rạp, diện tích khoảng 600- 700ha. Huyện đã qui hoạch 1.800ha chuyển sang phát triển công nghiệp và 80ha phát triển du lịch biển, an ninh lương thực vẫn đảm bảo với 12.000ha đất trồng lúa. Sản xuất nông nghiệp chịu tác động rõ nét nhất của BĐKH là con nghêu, huyện có 2.000ha nuôi nghêu, năm 2010 con số thiệt hại đã 260 tỉ đồng do nắng nóng, độ mặn cao, thời tiết diễn biến phức tạp, gió mạnh. Năm 2011 nắng nóng, dù không gay gắt, nhưng thiệt hại cũng không ít”. Theo bà Tỏ, 2 năm qua sản xuất nghêu không thuận lợi, nhưng chưa có kết luận chính thức nào về nguyên nhân, chỉ dự đoán do BĐKH. Nếu NBD sẽ ảnh hưởng đến 6 xã ven biển của huyện vì hệ thống đê biển ở đây chưa chắc chắn, nhiều công trình phụ trên đê và dưới đê chưa đầu tư đồng bộ.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, giai đoạn 1995- 2008, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại trên 672,3 tỉ đồng, 132.823 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 15.782ha lúa mất trắng và giảm năng suất, 13.700ha dừa bị rụng trái non, 8.495ha mía và 25.019ha cây ăn trái bị giảm năng suất, 360ha nuôi thủy sản giảm năng suất, thiệt hại trên 5.289 tấn tôm, cá. Riêng năm 2010, ước thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn khoảng 198 tỉ đồng, với 12.607ha dừa bị giảm năng suất, 300ha tôm sú bị chết, mất trắng 300ha hoa màu... Nếu NBD thêm 12cm vào năm 2020 thì Bến Tre có 97.890 người dân bị ảnh hưởng về sinh kế, nơi cư trú. Ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, nói: “Với 179.672ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 76% diện tích tự nhiên của tỉnh, phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên. Song, hệ thống đê Bắc Bến Tre, ngọt hóa Ba Lai, đê biển Bình Đại, Ba Tri... đầu tư chưa hoàn chỉnh, các công trình trên đê và dưới đê cần nhiều vốn, trong khi huy động vốn khó, ngân sách đầu tư thì hạn chế. Một số đê bao trên các cù lao của tỉnh (ở các cồn) chưa thể bố trí vốn đầu tư, gây bức xức rất lớn cho địa phương”. Trong khi chu kỳ mặn diễn ra ngắn hơn, trước đây 4-5 năm có một đợt mặn đi sâu vào nội đồng, hiện nay chỉ 2 năm/lần, có khi hàng năm. Trong khi hệ thống đê bao ngăn mặn, trữ ngọt của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu.

ĐBSCL có hơn 3,45 triệu ha đất sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp; quá trình canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... chưa được qui hoạch bài bản làm suy thoái đất, ô nhiễm môi trường. Theo ông Ngô Hữu Đáng, nông dân xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, điều kiện sản xuất lúa ở Tân Lộc Bắc phụ thuộc vào nước trời, đất bị nhiễm phèn nặng, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, trong khi việc sử dụng giống lúa chống chịu phèn, mặn còn nhiều hạn chế, làm hiệu quả sản xuất không cao. Đó là chưa kể đến xung đột về nguồn nước giữa trồng lúa- nuôi tôm.

Tại hội thảo về “Tác động của các đập thủy điện trên dòng chính Mekong đến cuộc sống người dân vùng ĐBSCL” ngày 26 và 27-11-2011 tại Cần Thơ, với sự tham gia của trên 50 nông dân sản xuất giỏi vùng ĐBSCL. Khi được hỏi về lưu lượng mưa trong 5 năm gần đây và xu hướng của 5 năm tới như thế nào, đa phần nông dân tham gia hội thảo đều cho biết, lượng mưa không tăng và giảm đáng kể, trong khi nước lũ tăng, làm chi phí sản xuất tăng, dịch bệnh trên tôm, lúa, cá cũng khó khống chế hơn trước. Ông Nguyễn Văn Tiên, ấp C1, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi sản xuất 4ha lúa. Chi phí sản xuất ngày một tăng, từ năm 2007 đến nay, tôi áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng, “1 phải, 5 giảm” để giảm dịch hại, giảm chi phí sản xuất. Tôi đang sử dụng giống siêu ngắn ngày MTL560 chỉ 80-82 ngày, vậy mới có thời gian cho đất nghỉ ngơi, cách ly mầm bệnh”. Theo kết quả điều tra đầu tháng 11-2011 của Tổ công tác Dự án “Nâng cao nhận thức địa phương về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong” ở 4 quận, huyện của TP Cần Thơ (Ninh Kiều, Phong Điền, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh) với 40 nông dân tham gia trả lời. Có đến 68% cho rằng xây đập trên dòng chính làm ảnh hưởng đến lượng nước về hạ nguồn, 55% cho biết sẽ tác động động xấu đến nuôi trồng thủy sản, 53% dự đoán tác động xấu đến sản xuất lúa...

Loay hoay tìm giải pháp

PGS.TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục trồng trọt, cho biết: “Sản xuất lúa ở ĐBSCL trong nhiều năm qua vẫn tập trung chủ lực vào hướng mở rộng diện tích và gia tăng năng suất. Trên thực tế, ĐBSCL chưa có quy trình sản xuất lúa cơ bản cho từng tiểu vùng sinh thái. Sự gia tăng năng suất, sản lượng vẫn bấp bênh và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thời tiết, sự phát triển của dịch hại. Trong khi đó, việc áp dụng kỹ thuật còn riêng lẻ ở từng khu vực, dù Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, bón phân theo bảng so màu, quản lý dịch hại tổng hợp”. Chẳng hạn mô hình “trồng hoa trên ruộng lúa” được đánh giá rất hiệu quả trong việc giảm chi phí sản xuất, giảm khí thải... Nhưng theo vị lãnh đạo ngành nông nghiệp ở một địa phương, mô hình rất khó triển khai đại trà, trồng hoa phải chăm sóc đầu tư, nhưng không phải lúc nào cũng bán được, nên người dân cân nhắc.

Thêm vào đó, đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống đê bao trên các sông, đê biển chưa đáp ứng yêu cầu trữ ngọt, ngăn mặn, ngăn lũ. Ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Hệ thống thủy lợi nội đồng của tỉnh khá hoàn chỉnh, thời gian qua chỉ duy tu, nạo vét, không làm mới. Các công trình thủy lợi đều gắn với giao thông nông thôn, nhưng chỉ làm được những tuyến đê, kênh lớn, còn đi sâu vô trong thì không làm được. Vừa qua ở tỉnh đầu tư nạo vét con kênh chỉ trên 2 tỉ đồng, trong khi vốn bồi hoàn công trình cho dân (đất, tài sản trên đất) hơn 40 tỉ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư lớn, trước đây huy động vốn trong dân cũng đỡ một phần, khi Chính phủ miễn thủy lợi phí, vốn từ Trung ương rót không đáp ứng nhu cầu”. Theo ông Bá, đợt triều cường cuối tháng 10, đầu tháng 11-2011 đã gây bức xúc lớn cho người dân ở khu vực cống Bảo Định (thuộc Dự án thủy lợi Bảo Định, đi qua 2 tỉnh Long An 20.212ha và Tiền Giang 43.952ha). Nhiệm vụ cống Bảo Định là điều tiết nước, xả lũ, ngăn mặn xâm nhập từ sông Tiền, ngăn ngập do triều cường khu vực Châu Thành, TP Mỹ Tho, Chợ Gạo của Tiền Giang. Nhưng qui trình vận hành cống gây không ít bức xúc cho người dân, triều cường đầu tháng 11-2011 đã làm hơn 1.636ha lúa, hoa màu, cây ăn trái trong và ngoài khu vực cống Bảo Định bị ngập do hệ thống bờ bao, cống đập ngăn triều bên ngoài cống chưa hoàn chỉnh.

Theo kịch bản nước biển dâng thêm 1m, ĐBSCL có đến 2 triệu ha trồng lúa bị mất đi. Bến Tre mất 1.131km2 (hơn 50% diện tích), Long An mất 2.169km2 (gần 50%), Trà Vinh mất 1.021km2 (gần 46%), Sóc Trăng mất 1.425km2 (gần 44%), Vĩnh Long mất 606km2 (gần 40%)... Trong vòng 50 năm tới, toàn bộ dự án Gò Công, Bảo Định, Bắc Bến Tre, Mỏ Cày, Nam Măng Thít, Tiếp Nhật,... bị mặn bao bọc và xâm nhập. Ngoài các thành phố, thị xã Bến Lức, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, sẽ thêm Mỹ Tho, Vĩnh Long và Cần Thơ bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập sâu hơn.

Tác động của BĐKH và NBD ngày càng rõ nét, trong khi nhiều địa phương vẫn loay hoay với các phương án chống đỡ. Ở TP Cần Thơ tình trạng ngập năm sau cao hơn năm trước do nằm trong vùng trũng thấp (địa hình phổ biến 0,6-1,2m, cao nhất trong nội đô khoảng 2,2m), trong khi nước triều cao nhất lên đến 2,2m. Hiện hệ thống thoát nước đô thị của thành phố vẫn là mạng lưới đường ống chung cho cả nước mưa và nước thải, nên dễ bị ngập úng khi có lũ, triều cường. Trong khi đó, Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Cần Thơ do Công ty Cấp thoát nước Cần Thơ làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 14,4 triệu EURO (trong đó, vốn đối ứng địa phương 30%) còn lại vay từ Ngân hàng tái thiết Đức. Dự án đã khởi công trong năm 2009, với hai phần gồm: xây dựng tuyến cống bao thu gom nước thải sinh hoạt, các trạm bơm, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước hiện hữu; xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2010, nhưng đến nay tiến độ vẫn ì ạch, dù lãnh đạo thành phố cùng các ngành chức năng đã họp với nhà đầu tư nhiều lần để tìm giải pháp tháo gỡ...

ĐBSCL rất phức tạp về đặc điểm thủy văn, chất lượng nước bị chi phối mạnh mẽ bởi sự xâm nhập mặn từ biển theo thủy triều, nguồn nước còn bị ảnh hưởng của phèn và ô nhiễm. BĐKH và NBD tại ĐBSCL đã hiện hữu và sẽ còn nặng nề hơn trong tương lai.n

--------------

Kỳ 3: Lãng phí nguồn tài nguyên

Chia sẻ bài viết