02/08/2016 - 21:07

Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo

TP Cần Thơ đã triển khai đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu, nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất lúa gạo giữa doanh nghiệp và nông dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Bước đầu, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được vùng nguyên liệu, nhưng việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, cần có giải pháp cũng như cơ chế chính sách để mối liên kết này mang lại hiệu quả hơn...

* Doanh nghiệp tích cực xây dựng vùng nguyên liệu

Ngày 21-1-2015 Bộ Công thương có Quyết định số 606/QĐ-BCT về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Thực hiện theo quyết định này, Sở Công thương TP Cần Thơ đã chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT thành phố tổ chức triển khai đến các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu.

 Doanh nghiệp và nông dân đẩy mạnh liên kết theo hướng đôi bên cùng có lợi, đồng thời cũng góp phần nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam.
Trong ảnh: Hoạt động lau bóng gạo tại một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, năm 2015, có 15 trong tổng số 24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn TP Cần Thơ thực hiện đăng ký kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu, với tổng diện tích 32.383ha. Đến nay, đã có 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố thực hiện kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu, với tổng diện tích 52.950ha. Trong đó có 3 doanh nghiệp lựa chọn phương thức xây dựng vùng nguyên liệu theo cánh đồng lớn, tổng diện tích hơn 37.500ha. Còn lại 17 doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ với đại diện hộ nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) thông qua hợp đồng. Trong các doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất này, hiện cũng đã có 7 doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn thành phố đã được UBND thành xác nhận kế hoạch với diện tích hơn 7.293ha.

Theo đánh giá của các ngành chức năng thành phố, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thực hiện tương đối tốt lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu. Vì vậy, việc triển khai thực hiện liên kết sản xuất lúa gạo giữa doanh nghiệp và nông dân đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia, phối hợp xây dựng và phát triển cánh đồng lớn cũng như vùng nguyên liệu; các doanh nghiệp đầu tư vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng, giá tốt; còn giá thu mua lúa hàng hóa tương đối có lợi cho nông dân tham gia liên kết sản xuất. Việc xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với nhu cầu của nông dân, giải quyết những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ lúa, hầu hết nông dân tích cực tham gia; một số hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất có kỹ năng điều hành tốt, có năng lực hoạt động và tham gia thương thảo ký hợp đồng.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn vướng khó khăn nhất định nên việc triển khai thực hiện lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu còn chậm theo thời gian quy định. Đồng thời, hầu hết doanh nghiệp chỉ bao tiêu trong vụ lúa đông xuân, rất ít doanh nghiệp thực hiện cả 3 vụ lúa trong năm… Không chỉ vậy, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cũng còn gặp một số khó khăn. Đó là: nhận thức của nông dân tham gia xây dựng vùng nguyên liệu còn hạn chế do tập quán sản xuất, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chưa có sự thống nhất giữa các bên tham gia (về đầu tư vật tư, giá thu mua lúa, chưa áp dụng theo quy trình sản xuất theo yêu cầu doanh nghiệp…). Ngoài ra, việc thực hiện theo điều khoản trong hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ nên ảnh hưởng đến uy tín của các bên tham gia. Nông dân không có đủ phương tiện vận chuyển lúa đến công ty, trong khi tiến độ thu mua của doanh nghiệp chậm so với thời điểm thu hoạch. Nguồn vốn hạn chế nên một số doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vật tư đầu vào cho nông dân để tạo vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp cũng như tạo sự tin tưởng của nông dân với doanh nghiệp. Giao thông thủy, bộ chưa hoàn chỉnh cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ cơ giới hóa trong thu hoạch, thu mua và vận chuyển lúa...

*Liên kết cần đi vào thực chất

Sở Công thương TP Cần Thơ vừa đã tổ chức Hội nghị liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong liên kết sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, nhằm đánh giá lại tình hình thực hiện liên kết sản xuất lúa gạo thời gian qua, đồng thời bàn các giải pháp để việc thực hiện liên kết trong thời gian tới mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong vụ lúa thu đông 2016 và đông xuân 2016-2017. Nhiều nông dân và doanh nghiệp đã cho rằng việc liên kết cần đi vào thực chất hơn, phù hợp với tình hình của nông dân và doanh nghiệp; nông dân cần sản xuất theo yêu cầu thị trường, yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu gạo…

Ông Lâm Thành Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Vinacam, cho rằng: Doanh nghiệp đóng trên địa quận Thốt Nốt, thời gian qua đầu tư rất nhiều cho nông dân. Vinacam là một trong 5 nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu Việt Nam, doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp cho nông dân phân bón với giá bán buôn, đồng thời bao tiêu lúa ĐS1. Vụ hè thu vừa qua, Vinacam đã bao tiêu được 2.400ha, và dự kiến bao tiêu 2.000 ha ở vụ thu đông 2016. Doanh nghiệp luôn giữ uy tín, đã ký hợp đồng bao tiêu thì nông dân an tâm sản xuất. Thời gian qua, doanh nghiệp cũng rất muốn mua lúa giá cao cho nông dân, nhưng tình hình xuất khẩu gạo đang cực kỳ khó khăn, giá thị trường thế giới đang quá thấp nên không thể mua thu lúa giá cao hơn. Vinacam mong muốn nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, xây dựng thương hiệu đặt thù riêng là giống lúa ĐS1, đồng thời đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất và tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Nông dân cũng nên nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam bằng cách hạn chế trồng giống lúa IR50404, nên chuyển qua trồng các giống lúa chất lượng cao và đang bán giá tốt trên thị trường là OM 5451, ST21…

Cũng theo ông Lâm Thành Kiệt, mô hình hợp tác xã sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều trong liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, liên kết cũng mang tính bền vững hơn. Khi nông dân "ngồi lại với nhau" thành lập hợp tác xã sẽ định hướng được sản xuất ra sản phẩm doanh nghiệp cần, thị trường đang cần và dễ dàng ký hợp đồng với doanh nghiệp hơn, giả cả cũng ổn định và đảm bảo nông dân có lãi. Vừa qua, doanh nghiệp cũng đã thành lập Hợp tác xã Vinacam Tri Tôn (tỉnh An Giang), liên kết 40 nông dân lại, tổng diện tích 500ha, bước đầu doanh nghiệp thấy thuận lợi hơn trong xây dựng vùng nguyên liệu. Hiện nay, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó khăn nên ngân hàng cũng hạn chế cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo vay vốn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Do đó, Chính phủ nên xem xét ưu tiên cho doanh nghiệp vay gói ưu đãi; thông thường ở các năm trước có gói vay thu mua tạm trữ lúa gạo nhưng năm nay cũng không có. Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách đặc thù riêng cho ngành lúa gạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua hết lúa của nông dân.

Theo nông dân Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ Hợp tác Đồng Vạn (thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh), hiện nay sản xuất lúa gạo chạy theo số lượng, một năm sản xuất đến 2-3 vụ liên tiếp, điệp khúc nông dân "được mùa mất giá" thường xuyên xảy ra. Để sản xuất lúa bền vững, Nhà nước cần có giải pháp hướng nông dân và doanh nghiệp sản xuất lúa gạo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng lúa gạo. Thời gian qua, nông dân Đồng Vạn sản xuất lúa quy trình theo hướng GAP, nông dân phải thực hiện rất nhiều bước mới ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng nhưng giá lúa bao tiêu không cao hơn bao nhiêu so với bên ngoài. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cũng rất quan trọng. Đây là nền tảng để nông dân bám vào để tiêu thụ lúa hàng hóa dễ dàng. Rất cần để cho nông dân tự chọn hình thức liên kết đa dạng với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Để liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân ngày càng hiệu quả hơn, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng: Doanh nghiệp và nông dân cần thực hiện tốt các điều khoản theo hợp đồng liên kết đã ký, nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua lúa; đầu tư đồng bộ vật tư đầu vào (về giống, phân, thuốc) cho nông dân để tạo vùng nguyên liệu riêng cho doanh nghiệp cũng như tạo sự gắn kết lâu dài giữa nông dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia bao tiêu cả 3 vụ/năm để tạo sự thống nhất và đồng bộ trong sản xuất tại vùng nguyên liệu; đầu tư nhà kho, lò sấy và nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu, cũng như chuẩn bị tốt phương tiện vận chuyển để đảm bảo thu mua kịp thời và hiệu quả và tiến tới mở rộng diện tích bao tiêu…

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết