19/10/2016 - 20:39

Day dứt “Thác hoa”

Đỗ Phấn- một họa sĩ kiêm nhà văn, đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên văn đàn qua hàng loạt tác phẩm đặc sắc viết về Hà Nội. Nhưng với "Thác hoa", tập truyện ngắn do NXB Trẻ ấn hành quí III-2016, độc giả còn nhận ra Đỗ Phấn đầy day dứt về những người phụ nữ bất hạnh và những ai trót đam mê nghiệp vẽ.

18 truyện ngắn trong tập truyện "Thác hoa" khắc họa sự chán chường, mệt mỏi của con người nơi phố thị khi luôn phải gồng mình bon chen, cùng quá nhiều toan tính, lọc lừa, giả dối. Nhịp sống xô bồ, phức tạp của xã hội hiện đại khiến con người dần đánh mất mình, bỏ quên ước mơ, hoài bão và đánh rơi cả giá trị đạo đức truyền thống. Chủ đề này được Đỗ Phấn đưa vào tác phẩm của mình dày đặc, có lẽ sẽ khiến người đọc nản. Nhưng khi đọc kỹ, văn của ông có sức hấp dẫn riêng, níu kéo người đọc đến trang cuối cùng dù biết cái kết chẳng bao giờ đẹp.

 

Tác giả đi sâu vào mặt trái trong mối quan hệ giữa người với người, giữa tình yêu và vật chất, giữa bán mua và đổi chác, giữa bản năng và lý trí. Trung tâm mỗi câu chuyện là hình ảnh của người phụ nữ- đại diện cho cái đẹp và cả khổ đau, bất hạnh. Đó là những cô sinh viên nghèo trọ học giữa Hà Nội, là gái làng chơi có số phận long đong, là người vợ khổ sở vì chồng trăng hoa, là phụ nữ thành đạt nhưng cô đơn, là cô thôn nữ biết toan tính mà lập nên cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, là cô giáo vùng cao hay thiếu phụ miền biển cá tính… Mỗi người một số phận, một tính cách nhưng lại giống nhau trong chuyện tình cảm là yêu theo bản năng, theo cảm xúc nên thường gánh chịu thiệt thòi. Thủy trong "Trời xanh thăm thẳm", Vi trong "Ở trọ", cô giáo trong "Nửa đường", Hiên trong "Vừa mưa, vừa nắng"… là những điển hình. Trong những truyện này, mối quan hệ yêu thương ngày càng hời hợt, thực dụng; chuyện đổi trao thân xác, tình- tiền ngày càng dễ dàng, phổ biến, con người ngày càng tha hóa...

Đỗ Phấn càng xót xa nói hộ nỗi lòng của người họa sĩ khi họ "khao khát được chứng tỏ mình luôn là nỗi dằn vặt, ám ảnh…" (Hóa Thân – trang 115). Nhân vật "hắn" và Nhuận trong "Hóa thân" đã phải gác bỏ tấm bằng đại học mỹ thuật, chấp nhận làm công việc nhàm chán bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Khi "hắn" quyết tâm từ bỏ tất cả chỉ để sống với nghiệp vẽ thì tạo hóa lại quá trớ trêu… Còn người họa sĩ trong "Không tắm biển", "Tác phẩm để đời" đã rũ bỏ phố phường tìm về núi cao, biển rộng; để được đắm mình tạo ra những bức tranh mơ ước. Nhưng cái họ có cuối cùng là sự trống rỗng, là mất mát không dễ gì tìm lại được. Cũng như Long, luôn thấy mình chỉ là "hạt bụi li ti rơi thăm thẳm vô định vào khoảng không nhờ nhợ trắng đen" (Rơi – trang 203). Khoảng cách giữa ước mơ và thực tế, giữa năng lực và đam mê, giữa sao chép và sáng tạo trong mỹ thuật lúc nào cũng rõ ràng và phũ phàng.

"Thác hoa" không chỉ có những câu chuyện mà còn có những bức tranh về tĩnh vật, phố phường và thiếu nữ của họa sĩ Đỗ Phấn. Những bức tranh được in xen kẽ giữa các truyện, mang đến cho độc giả một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết