*HOÀI THU - KIỀU CHINH - QUỐC THÁI
Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người là vấn đề thuộc bản chất của chế độ XHCN, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Từ khi đổi mới đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị núp bóng dưới ngọn cờ “dân chủ, nhân quyền” lại cố tình xuyên tạc, vu cáo, phủ nhận thành tựu, ra sức chống phá chế độ XHCN ở nước ta. Vì thế, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, đặc biệt là các vấn đề liên quan quyền con người trên không gian mạng là vô cùng quan trọng, là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Bài 1: Vạch trần các hoạt động lợi dụng vấn đề quyền con người của các thế lực thù địch trên môi trường không gian mạng
Trong xu thế phát triển của thế giới hiện nay cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ, với ưu thế tốc độ lan truyền thông tin nhanh, diện thông tin rộng, internet, mạng xã hội dần trở thành nhu cầu trong đời sống của con người. Tuy nhiên, đây cũng là công cụ mà các thế lực thù địch, phản động tận dụng tối đa để gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và các vấn đề liên quan đến quyền con người mà bọn phản động đang thực hiện.
Lãnh đạo Bộ Công an và Trung ương Ðoàn trao Bằng khen các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2018-2023. Ảnh: Quốc Thái
* Lập các trang web, blog nhằm xuyên tạc, nói xấu chế độ
Tính tới tháng 9-2022, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng Internet, chiếm tỷ lệ 73,2% dân số. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới. Việt Nam hiện có hàng trăm mạng xã hội khác nhau. Hầu hết các mạng xã hội lớn tại Việt Nam đều là các mạng xã hội của các công ty nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào nước ta. Facebook vẫn là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.
Lợi dụng internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch đã lập hàng nghìn trang web, blog để xuyên tạc, nói xấu chế độ. Luận điệu các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận thành tựu, thực tiễn về các giá trị lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng về dân chủ, nhân quyền; lợi dụng các hiệp định, dự án hợp tác với nước ngoài, nhằm phá hoại và làm chệch định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Chúng núp dưới chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ”, “dân oan”, “dân tộc”, “tôn giáo”, “chủ quyền lãnh thổ”, cổ xúy đa nguyên, đa đảng... để xúi giục, kích động, gây nghi ngờ, tâm lý bất mãn, bức xúc trong dân chúng, làm mất ổn định xã hội, tiến tới bạo loạn, lật đổ chính quyền.
Trước đây, nhóm “Báo Sạch” đã lợi dụng mạng xã hội, tự do báo chí, tự do ngôn luận để viết nhiều bài viết xúc phạm, xâm phạm đến nhiều cá nhân là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương và địa phương; xâm phạm đến các quyền tự do dân chủ, qua đó xâm phạm đến nhiều cá nhân, cơ quan tổ chức… Trương Châu Hữu Danh (ngụ tỉnh Long An) viết nhiều bài cùng hình ảnh minh họa và phát trực tiếp trên trên Facebook cá nhân chỉ trích chủ trương phát triển kinh tế, công tác bố trí cán bộ, thực thi pháp luật của TP Cần Thơ; cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như bôi nhọ xúc phạm đến các cá nhân, một số lãnh đạo trên địa bàn Cần Thơ. Ngoài ra, còn nhiều bài liên quan các địa phương khác. Các thành viên trong nhóm cũng đăng, chia sẻ nhiều bài viết với tính chất tương tự, quy chụp, thiếu kiểm chứng thông tin, gây dư luận xấu. Cuối tháng 10-2021, Toà án Nhân dân huyện Thới Lai tuyên phạt các bị cáo là thành viên nhóm ‘Báo Sạch’ về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo thống kê, đã có hàng nghìn hội nhóm phản động mới xuất hiện trên mạng xã hội, đáng chú ý là: “Việt Tân”, “Dân Luận”, “Pháp luân công”, “Việt Nam Cộng hòa”; các trang phản động, như: “Người Việt Online”, “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”… Trung bình 1 tháng, các thế lực thù địch phát tán hơn 130.000 bài viết, video xuyên tạc lên internet, mạng xã hội.
Các thế lực thù địch còn tìm cách đưa thông tin về “Việt Nam vi phạm quyền con người” lên báo chí, truyền thông quốc tế. Dựa trên những tài liệu sai sự thật, nhiều phương tiện thông tin đại chúng phương Tây và báo chí của một số người Việt ở nước ngoài đưa tin, xuyên tạc nhằm gây tác động xấu đến dư luận quốc tế về Việt Nam, kích động các phần tử chống đối trong nước ráo riết hoạt động.
* Phủ nhận các kết quả, thành tựu đạt được của đất nước
Các thế lực thù địch, chống phá còn dùng các luận điệu xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, tập trung khoét sâu vào chính sách liên quan về tôn giáo; vấn đề dân chủ, nhân quyền, vấn đề về dân tộc; lợi dụng một số sai sót trong quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước để khoét sâu, thổi phồng rồi phủ định sạch trơn đường lối, chính sách của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước; giả mạo các tài khoản của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tung tin xấu độc, tạo khoảng trống niềm tin trong dư luận; bịa đặt, tung tin giả gây chia rẽ nội bộ, mất ổn định xã hội.
Cụ thể, như trường hợp anh em Lê Minh Thể và Lê Thị Bình, cùng ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, từng bị Tòa án Nhân dân quận Bình Thủy xử phạt mỗi bị cáo 2 năm tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thể bị tuyên án vào năm 2019, Bình vào năm 2021. Từ tháng 3 đến tháng 8-2018, Thể sử dụng tài khoản facebook tên “Le Minh The” phát trực tiếp những nội dung vi phạm pháp luật, đăng tải thông tin tuyên truyền phản động, làm cho mọi người hiểu sai về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thể còn vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một số cá nhân là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kêu gọi, xúi giục người dân biểu tình, lật đổ chính quyền, tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá cách mạng.
Bình tham gia mạng xã hội với nhiều tài khoản khác nhau. Từ tháng 10-2019 đến tháng 11-2020, Bình thường xuyên sử dụng các tài khoản facebook để phát trực tiếp, đăng bài và chia sẻ các bài viết có nội dung nhằm mục đích thể hiện quan điểm cá nhân của mình để mọi người cùng đóng góp và chia sẻ. Qua giám định, các file livestream và các file bài viết thể hiện rõ thông tin tuyên truyền tư tưởng, quan điểm xấu, phản động nhằm chống đối, chống phá, nói xấu, xúc phạm, xuyên tạc lãnh đạo Đảng và Nhà nước… Bên cạnh đó, Bình xuyên tạc các chính sách, pháp luật, quy định của nhà nước, phủ nhận hết mọi kết quả, thành tựu đạt được từ trước đến nay của đất nước, chỉ khai thác các vấn đề thiếu sót, tiêu cực trong bộ máy, ngoài xã hội, nêu các vấn đề không chính xác, đầy đủ, rõ ràng nhằm lôi kéo, kích động, gây hoang mang trong dư luận xã hội, phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế, đoàn kết toàn dân. Những bài viết xuyên tạc của Bình gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đã tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động chống phá đất nước…Điều đáng nói là sau khi ra tù, Bình không sửa đổi, tiếp tục vi phạm. Cuối tháng 8-2023, Bình bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi đăng tải bài viết trên mạng xã hội, có nội dung xuyên tạc, sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của Công an xã Giai Xuân, huyện Phong Điền.
Công an TP Cần Thơ tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ảnh: Công an TP Cần Thơ.
Đặc biệt, các đợt dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, diễn biến vô cùng phức tạp, khó kiểm soát. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh cuộc chiến phòng chống dịch, vừa thực hiện giãn cách, cách ly, liên tục cải tiến phác đồ điều trị để giành giật từng mạng sống cho người bệnh, vừa bảo đảm sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến từng người dân... Lợi dụng thời điểm khó khăn này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lại ra sức đăng tải, phát tán tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội. Những thông tin có nội dung sai lệch, bịa đặt, kèm theo là những hình ảnh, clip không rõ nguồn gốc, được lắp ghép từ những sự kiện rời rạc, chỉnh sửa có chủ ý xuyên tạc, xúc phạm lực lượng phòng, chống dịch và các chính sách phòng, chống dịch Việt Nam. Những thông tin này được nhiều người thiếu hiểu biết đăng tải hoặc chia sẻ trên mạng xã hội, khiến lan truyền rất nhanh trên phạm vi rộng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Điển hình phải kể đến vụ kích động công nhân đình công, đòi yêu sách... Hậu quả, đã làm hơn 1.600 công nhân tại cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (Thăng Bình, Quảng Nam); hơn 5.000 công nhân Công ty TNHH JY Hà Nam tại Thanh Liêm (Hà Nam)… đình công tập thể.
Tại Cần Thơ, thời gian qua, nhiều trường hợp đã đăng tải thông tin trên mạng xã hội và bình luận không đúng sự thật liên quan dịch bệnh COVID-19, xúc phạm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch. Như trường hợp T.N (36 tuổi, ở quận Ninh Kiều), chỉ vì không mua được hàng hóa trong siêu thị mà bực tức, vào một bài viết trên fanpage “Hóng hớt Cần Thơ”, bình luận với những từ ngữ thô tục về công tác phòng, chống dịch của chính quyền địa phương.
Rõ ràng, ngày nay, không gian mạng đã trở thành một không gian xã hội mới, nơi con người có thể thực hiện các hành vi mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích to lớn, không gian mạng đang tạo ra các nguy cơ, thách thức; đồng thời là môi trường các thế lực thù địch thường lợi dụng để tiến hành các âm mưu, thủ đoạn chống phá nước ta.
Bài 2: Công tác đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam trên môi trường không gian mạng