|
Ảnh: BBC |
Bầu không khí yên ắng kỳ lạ. Khoảng 40 người biểu tình Palestine đối mặt với toán binh sĩ Israel có vũ trang đứng trước hàng rào kẽm gai (ảnh). Nhóm người Palestine giải thích một cách ôn hòa rằng họ muốn đặt chân lên mảnh đất mà Israel đã tịch thu để xây dựng hàng rào khu Bờ Tây. “Các anh đứng ở đây, cản ngăn chúng tôi đi lại trên lãnh thổ của mình, các anh cần suy nghĩ về những gì mình đang làm”, một thanh niên cất tiếng. “Các anh sẽ giải thích như thế nào về hành động của mình với con cái”, người khác tiếp lời. Bất chấp những gì nhóm người Palestine nói, binh lính Israel vẫn dửng dưng.
Beit Jala là một trong những ngôi làng ở Palestine thường xuyên tổ chức biểu tình phản đối Israel chiếm đóng khu Bờ Tây. Nhiều cuộc biểu tình thường kết thúc bằng màn ném đá của thanh niên Palestine và binh lính Israel đáp trả lại bằng hơi cay và đạn cao su. Tuy nhiên, những người tổ chức biểu tình ở Beit Jala, như Ahmad Lazza thuộc tổ chức Holy Land Trust phụ trách huấn luyện chiến thuật phi bạo lực cho người biểu tình, quyết tâm theo đường lối “bất động thủ” nhằm tránh gây thêm căng thẳng với binh lính Israel. “Chúng tôi không muốn họ cảm thấy bị đe dọa, bởi đó sẽ là cái cớ để họ chĩa súng vào chúng tôi”, Ahmad giải thích.
Ahmad cho rằng trước đây người Palestine từng đánh đồng hình thức kháng chiến phi bạo lực với sự nhượng bộ Tel Aviv. Tuy nhiên, gần đây, Ahmad chứng kiến “một sự thay đổi lớn”. Các quan chức chính quyền Palestine bắt đầu tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa theo mô hình “kháng chiến nhân dân” ở làng Bilin và Naalin. Xuất hiện trong các cuộc biểu tình phi bạo lực hoặc các buổi trồng cây trên khu vực bị Israel chiếm đóng, Thủ tướng Salam Fayyad thường nhắc lại cuộc chiến giành độc lập của cố lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi và phong trào đấu tranh của mục sư Martin Luther King ở Mỹ. Tuần rồi, nhiều người dân Palestine đã đến nghe buổi nói chuyện về phong trào chiến tranh phi bạo lực của Rajmoham Gandhi, cháu nội của lãnh tụ Gandhi. Dự kiến, tuần tới, con trai cả của Martin Luther King sẽ đến thăm thành phố Ramallah của Palestine.
Song song đó, chính quyền Palestine cũng mở chiến dịch kêu gọi người dân tẩy chay hàng hóa xuất xưởng từ các khu định cư Do Thái biểu tượng chiếm đóng của Israel - ở khu Bờ Tây. Bộ Truyền thông Palestine ra qui định cấm bán sim điện thoại di động Israel vì điện thoại sử dụng loại sim này hoạt động lệ thuộc vào các trạm thu phát sóng được đặt bên trong các khu định cư Do Thái. Chiến dịch tẩy chay hàng hóa sản xuất ở các khu định cư Do Thái cũng nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp Palestine. Chính quyền Palestine và các doanh nghiệp đã bắt tay thành lập Quỹ Trao quyền quốc gia Karama trị giá 2 triệu USD nhằm đưa khẩu hiệu “Lương tâm của bạn, sự chọn lựa của bạn” đi vào cuộc sống. Bộ trưởng Kinh tế Palestine Abu-Libdeh cho biết chính quyền nơi đây sắp ban hành luật cấm tiêu thụ hàng hóa sản xuất ở các khu định cư Do Thái, ước tính mỗi năm mang lại cho Israel ít nhất 200 triệu USD. Chưa hết, để thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân trong phong trào “kháng chiến ôn hòa”, một bộ phận người Palestine bắt đầu nói “không” với thẻ VIP do chính phủ Israel cấp, cho phép họ dễ dàng qua lại các chốt kiểm soát.
Bất chấp việc tuần qua Israel bắt giữ 15 người Palestine tham gia kháng chiến phi bạo lực, nhà lập pháp Palestine Mustafa Barghouthi cho rằng phong trào này đang lan tỏa khắp lãnh thổ. Theo ông, kháng chiến phi bạo lực là hình thức đấu tranh hiệu quả nhất chống lại chế độ chiếm đóng của Israel. Cùng quan điểm này, Ahmad tin rằng: “Bất bạo động mạnh mẽ hơn hành động quân sự”. Trong khi đó, Moshe Maoz, chuyên gia về vấn đề Trung Đông ở Đại học Hebrew (Israel) cho rằng, hình thức đấu tranh ôn hòa của người Palestine sẽ góp phần cải thiện cái nhìn của Israel và cộng đồng quốc tế đối với Palestine.
LONG CHÂU
(Theo BBC, PressTV, NYTimes)