23/08/2021 - 06:51

Đầu ra gặp khó, nông dân giảm diện tích trồng rau màu 

Đầu năm đến nay, nông dân sản xuất rau màu tại nhiều địa phương đã gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do thời tiết bất lợi, chi phí sản xuất tăng, giá bán sản phẩm giảm thấp. Đặc biệt, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vắng bóng thương lái thu mua rau màu và nhiều chợ truyền thống đóng cửa, nông dân đã buộc phải giảm diện tích trồng rau màu...

Giá rau giảm, tiêu thụ chậm

Thu hoạch rau muống tại HTX rau an toàn Hòa Phát ở quận Ô Môn.

Thu hoạch rau muống tại HTX rau an toàn Hòa Phát ở quận Ô Môn.

Khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn có một hợp tác xã chuyên sản xuất và cung ứng sản phẩm rau muống an toàn cho thị trường là Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Hòa Phát. HTX này thành lập từ tháng 7-2020 hiện có 10 xã viên với diện tích canh tác gần 6ha, có khả năng cung ứng ra thị trường mỗi ngày khoảng 4-5 tấn rau muống. Rau muống trồng khoảng 18 ngày là cho thu hoạch. Nông dân tại HTX có thể trồng từ 12-13 vụ rau muống/năm và năng suất có thể đạt từ 2-2,5 tấn/công/vụ. Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc  HTX rau an toàn Hòa Phát, cho biết: “Những năm qua, nhờ chuyên canh trồng rau muống theo hướng an toàn và bán được sản phẩm với giá tương đối tốt mà các xã viên tại HTX đã có thu nhập ổn định ở mức cao. Năm trước, giá bán rau muống có nhiều thời điểm lên đến 8.000-9.000 đồng/kg. Nhưng gần đây, giá đã giảm xuống mức khá thấp, chỉ 6.000 đồng/kg trở lại và khó tiêu thụ do nhiều chợ truyền thống bị đóng cửa, nhiều mối lái tạm ngừng thu mua. Hiện việc vận chuyển hàng đi tiêu thụ giữa các địa phương cũng gặp khó và tốn nhiều chi phí, nhất là khi phải thực hiện xét nghiệm bệnh COVID-19 nên nhiều xã viên của HTX tạm thời giảm khoảng 60-70% diện tích gieo trồng mới”.

Nông dân trồng hẹ tại phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Giá hẹ chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg trở lại, trong khi những tháng đầu năm và cùng kỳ năm trước có giá 10.000-12.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hẹ tới lứa cắt bán lại không có người mua hoặc không bán được hết hàng, buộc phải cắt bỏ để dưỡng gốc hẹ nhằm có sản phẩm thu hoạch những lứa tiếp theo. Ông Tô Văn Nhường, Phó Giám đốc HTX rau an toàn Phúc Thạnh ở phường Thạnh Hòa, cho biết: “Giá thành sản xuất hẹ ở mức 7.000-8.000 đồng/kg, nên với giá bán thấp như hiện nay thì hầu hết người trồng đều bị lỗ vốn và càng lỗ nặng hơn khi không tiêu thụ được hết sản phẩm. Thông qua sự hỗ trợ, kết nối của ngành chức năng, HTX đã thu hút thêm được tiểu thương và nhà từ thiện đến HTX để thu mua hẹ và đã ký được hợp đồng đưa hẹ vào bán tại một số siêu thị và cửa hàng tiện ích. Tuy nhiên, sau 2 tuần ký được hợp đồng, vẫn chưa thấy có siêu thị đến thu mua mà hẹ chủ yếu tiêu thụ qua thương lái với số lượng mỗi ngày chỉ 1-2 tấn nên còn gặp khó về đầu ra”. Theo ông Nhường, HTX rau an toàn Phúc Thạnh có 10 thành viên, với 5,3ha đất canh tác hẹ. Còn tại phường Thạnh Hòa hiện có hơn 70 hộ dân tham gia trồng hẹ, với tổng diện tích canh tác khoảng 15ha nên sản lượng hẹ rất lớn.

Thu hẹp diện tích, hạn chế rủi ro

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên giá phần lớn các loại rau củ quả đều giảm, trong đó có nhiều loại giảm mạnh từ 3.000-10.000 đồng/kg và đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL, giá các loại cải thìa, cải xanh, rau muống, mồng tơi, dưa leo, đậu đũa, mướp, củ cải trắng… chỉ ở mức từ 3.000-7.000 đồng/kg. Theo nông dân, trong những ngày đầu các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, giá một số loại rau củ quả có tăng, nhưng sau đó nhanh chóng giảm thấp do sức tiêu thụ yếu và ít có thương lái đến thu mua. Trước thực tế trên, nông dân, hợp tác xã và tổ hợp tác trồng rau màu buộc phải tạm thời thu hẹp diện tích sản xuất và có sự điều chỉnh trong các kế hoạch sản xuất, kinh doanh để đầu ra sản phẩm tốt hơn.

Theo anh Nguyễn Sơn Hà, Giám đốc HTX rau an toàn Long Tuyền ở quận Bình Thủy, với sự quan tâm hỗ trợ của ngành chức năng và nỗ lực của các xã viên, HTX đã sản xuất các loại rau màu đạt theo các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn đáp ứng yêu cầu các siêu thị, cửa hàng tự chọn và bếp ăn tập thể nên đã kết nối đưa được hàng vào bán tại các hệ thống cửa hàng của Satrafoods, Co.opfood, Bách Hóa Xanh… Đồng thời, chú ý sản xuất đa dạng nhiều loại rau màu để đáp ứng nhu cầu thị trường, chứ không tập trung sản xuất một vài loại rau màu như những năm trước đây và hiện có thể sản xuất, cung ứng ra thị trương hơn 30 loại rau củ quả. Anh Hà cho biết thêm: “Gần đây dù giá cả đầu ra sản phẩm có bị giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng nhìn chung phần lớn các loại rau màu tại HTX đều tiêu thụ kịp thời, không bị tồn đọng. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, HTX cũng phải xem xét, điều chỉnh giảm diện tích sản xuất một số loại rau màu nhằm tránh rủi ro về đầu ra trong thời gian tới”.

Thông qua đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tạo điều kiện cho người dân trong lưu thông và tiêu thụ các loại nông sản trong điều kiện dịch COVID-19, từ ngày 21-7 đến 10-8-2021, thành phố đã hỗ trợ người dân tiêu thụ được hơn 4.727 tấn nông - thủy sản các loại, trong đó có hơn 873 tấn rau củ quả. Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, Sở tiếp tục quan tâm phối hợp chặt với các địa phương để rà soát, cập nhật hằng ngày sản lượng các vùng nguyên liệu sản xuất, thường xuyên cập nhật thông tin về diện tích, sản lượng các loại nông sản đến kỳ thu hoạch để có phương án tiêu thụ. Kịp thời tổng hợp gửi Sở Công Thương và Tổ công tác tiền phương của Bộ NN&PTNT thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19 để chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tham mưu UBND thành phố có phương án đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền. Sở NN&PTNT thành phố cũng đã hỗ trợ nông dân tại các HTX trồng rau màu và cây ăn trái lấy mẫu xét nghiệm sản phẩm và hoàn thiện các hồ sơ thủ tục nhằm khẳng định sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn để thuận lợi đưa hàng vào bán tại các siêu thị và kênh bán hàng hiện đại.

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã và đang tiếp tục tích cực phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động tập huấn, hỗ trợ xây dựng mô hình và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm cho các HTX, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất rau. Hướng dẫn nông dân ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, thiết bị, công nghệ mới như màng phủ, nhà lưới, bón phân hữu cơ… để sản xuất rau an toàn. Đồng thời, tăng cường liên kết thành lập các HTX và tổ hợp tác để thuận lợi trong kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ. Đến nay, thành phố đã xây dựng, mở rộng 18 vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại các quận, huyện đạt tổng diện tích 229ha, với sản lượng hơn 28.390 tấn/năm.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết