26/06/2021 - 13:35

Dâu là con 

Ðó là sự đúc kết từ thực tiễn cuộc sống gia đình gồm nhiều mối quan hệ đan xen. Trong đó, quan hệ mẹ chồng - con dâu với những sắc thái cảm xúc chan chứa yêu thương, cùng chăm lo vun đắp hạnh phúc gia đình nhiều thế hệ trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm…

Thời sinh viên, vì là con út nên chị Minh Tuyền (quận Ninh Kiều) không phải mó tay việc nhà cửa, bếp núc. Mọi chuyện đã có mẹ và chị Hai chu toàn. Chị Tuyền tập trung học “lấy” 2 bằng đại học, rồi bằng thạc sĩ, bằng ngoại ngữ, tin học; rảnh rang thì chị tham gia hoạt động thiện nguyện, giải tỏa áp lực học hành, thi cử. Nhờ tham gia các hoạt động thiện nguyện, chị Tuyền gặp và yêu anh Lâm - chồng chị. Chuẩn bị về nhà chồng, chị Tuyền cũng muốn vào bếp nhờ mẹ chỉ dẫn vài món “ruột” làm hành trang. Chị luôn tự trấn an “Làm bếp dễ ẹt. Ngoại ngữ, vi tính mình còn “chinh phục” được!”. Ngày chị Tuyền về nhà chồng, ai cũng lo lắng vì “hổng biết làm dâu ra sao, mẹ chồng ngó bộ khó khăn”...

Chị Tuyền nhớ như in, một tháng sau kết hôn, mẹ chồng huấn luyện chị Tuyền cắt đặt mọi việc, hướng dẫn chị vén khéo nhà cửa, bếp núc, nói nấu ăn ngon là bí quyết giữ chồng không “ngán cơm thèm… phở”. Chị Tuyền say sưa kể bao chuyện vui trong gian bếp. Khi mẹ chồng bảo tự nấu nồi canh chua, chị Tuyền đứng canh, nêm hết chua, rồi mặn, cuối cùng… ngọt như đường và rau, cá eo xèo, nhừ tử. Mẹ chồng dặn mua ếch xào lăn, chị hăm hở ra chợ “gom” thịt chuột; kêu kho cá bống kèo, chị miệt mài hơn nửa giờ cạo sạch nhớt làm mớ cá… ngay đơ. Lần nào mẹ chồng cũng giúp chị sửa sai. Từng bước một, mẹ hướng dẫn chị chọn thịt, cá ngon, lựa rau, củ, quả tươi, nấu món ngon, bày biện bàn ăn. Chị Tuyền bày tỏ: “Mẹ chồng tôi hiền khô hà. Tôi vụng về lắm nhưng mẹ hổng la, còn nói hồi đó mẹ cũng y chang, chỉ cần chịu khó học hỏi là được hết”.

Nhờ vậy, chị Tuyền trở thành dâu đảm, vén khéo mọi bề, hay cùng mẹ nấu nhiều món ngon cho cả nhà. Chị Tuyền sắp xếp công việc, thời gian tháp tùng mẹ chồng tham gia các hoạt động từ thiện khắp nơi, vừa quan tâm sức khỏe mẹ chồng, vừa có dịp trải nghiệm, tích lũy kỹ năng sống. Chị Tuyền nói: “Qua các chuyến đi, tôi học hỏi mẹ chồng trong ứng xử, giao tiếp khéo léo, hòa đồng...”. Lúc chị Tuyền mang bầu con trai đầu lòng, sinh khó, mẹ chồng túc trực trong bệnh viện để động viên, tiếp sức chị “mẹ tròn con vuông” và đồng hành chăm sóc cháu nội đích tôn khôn lớn, trưởng thành. Bất cứ chuyện gì mẹ cũng trao đổi, góp ý với chị, chớ không áp đặt theo cách của mình. Mẹ thương con trai nhưng phản đối chị chăm sóc thái quá khiến anh thụ động; quý cháu nội nhưng bất đồng việc con sai mà chị không trách phạt, cứ xuê xoa cho qua, còn nuông chiều theo sở thích…

***

“Chuyện này chờ hỏi ý kiến vợ út Vĩnh rồi quyết định”. “Giao vợ út Vĩnh giải quyết vụ này. Nó nhanh nhẹn, hoạt bát, làm cái gì cũng suôn sẻ, gọn gàng”.

Ðó là sự tin tưởng của mẹ chồng và các chị chồng dành cho chị Hồng Loan ở quận Cái Răng, khi cần xử lý mọi việc trong gia đình. Anh Thuận Vĩnh, chồng chị Loan, là con trai út duy nhất trong gia đình có 8 chị em nên được mẹ và các chị rất mực yêu thương. Không phải vì thế mà anh Vĩnh ỷ lại, ham chơi; ngược lại, anh rất siêng năng, chịu khó, hết lòng khuếch trương sản nghiệp gia đình.

Khi tuổi mới lớn, mỗi lần nghe mọi người kể những câu chuyện xoay quanh mối quan hệ mẹ chồng - con dâu, chị Loan đều nghĩ, rắc rối, phiền phức vậy, vướng vào làm gì. Chị tự nhủ lòng, nếu lập gia đình, nhất quyết không làm dâu, không sống chung với nhà chồng. Cả nhà chị Loan nói “ghét của nào trời trao của đó” khi chị Loan lấy anh Vĩnh, bạn học thời phổ thông và yêu nhau 4 năm đại học. Ai cũng chung nỗi lo chị Loan không yên thân với 7 “bà cô” bên chồng... Chị Loan kể, do gia đình anh Vĩnh khá giả, kinh doanh nhà hàng, khách sạn nên khi chị Loan vừa “chân ướt chân ráo” vào nhà đã có điều tiếng “nhìn ra ngó vào” và chị còn đối diện 2 “bà cô” chưa chồng trạc tuổi. Ðúng lúc chị Loan bối rối, chính mẹ chồng ra tay “tề gia”, động viên và giao việc cho chị.

Chị Loan bắt đầu tham gia quán xuyến việc làm ăn của nhà chồng, theo dõi doanh thu và đề xuất ý tưởng mở rộng kinh doanh, nâng cao lợi nhuận. Với sự khích lệ, hỗ trợ của mẹ chồng, chị Loan dần tự tin, mạnh dạn hơn trong mở rộng giao tiếp, tìm kiếm đối tác làm ăn. Chị Loan từng “hiến kế” và cùng mẹ chồng mở rộng kinh doanh khách sạn ở Ðà Lạt, đến khi hoạt động vào nền nếp thì giao chị chồng quản lý. Chị Loan bộc bạch: “Tôi và các chị chồng có mối giao hảo thuận hòa là nhờ mẹ chồng tâm lý, bao dung”. Ðôi khi chị Loan và anh Vĩnh bất đồng trong việc làm ăn, dạy dỗ các con, mẹ chồng luôn đứng ra hòa giải và bênh vực chị. Sau đó, mẹ chồng dặn riêng chị, nên kiềm chế cơn giận, lựa lời nhỏ nhẹ, sẽ tác động hiệu quả hơn với chồng, còn làm gương cho các con nữa. Khi tuổi cao, mẹ chồng giao hẳn việc quản lý kinh doanh cho vợ chồng chị và luôn là “cố vấn” đắc lực. Thỉnh thoảng, chị Loan dành thời gian cùng mẹ ruột và mẹ chồng đi du lịch. Chồng chị Loan hay trêu: “Lúc trước, ai từng nói nhất quyết không làm dâu, giờ thì bứt chẳng rời…”.

***

Trên thực tế, mối quan hệ mẹ chồng - con dâu không có “công thức chung”, càng không giống nhau trên mọi phương diện, không thể học tập kinh nghiệm của nhau. Thế nên, cứ hiểu theo cách của chị Tuyền, chị Loan và nhiều chị em khác là giữa hai người cần lắm sự yêu thương, thấu hiểu, bao dung…

Mai Thy

Chia sẻ bài viết