02/07/2009 - 20:15

Chỉ số giá tiêu dùng của TP Cần Thơ tăng

Dấu hiệu kinh tế đang dần phục hồi?

Khách hàng chọn lựa hàng hóa tại cửa hàng của Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C).

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, phần lớn 10 nhóm hàng hóa - dịch vụ trong “rổ” hàng hóa- dịch vụ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều dương trong tháng 6-2009 và tăng 0,67% so với tháng 5-2009. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh chính sách kích cầu của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

CPI tháng 6-2009 tăng 0,67% so với tháng 5-2009 và tăng 1,8% so với cùng kỳ. Trong 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ cơ bản để tính CPI, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất so với tháng trước 1,63%; kế đến là nhóm hàng giao thông- bưu chính viễn thông tăng 1,27%... Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm non nửa “rổ” hàng hóa tính CPI tăng nhẹ so với tháng trước 0,54%, riêng nhóm lương thực giảm 0,68%, thực phẩm tăng 1,24%... Ngoài ra, chỉ số vàng tăng 5,67% và tăng 14,67% so cùng kỳ; đô -la Mỹ tăng 0,1% và tăng 8,77% so cùng kỳ... Những con số tăng trong CPI chứng tỏ sức mua trên thị trường đang phục hồi, thị trường nhà đất ở TP Cần Thơ đang ấm dần, nhu cầu thực phẩm, hàng gia dụng tăng so với trước.

Các chuyên gia nhận định, có nhiều yếu tố thuận lợi làm chỉ số CPI tăng nhẹ so tháng trước là do gói kích cầu của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, đến ngày 22-6-2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất từ gói kích cầu của Chính phủ đạt khoảng 9.629 tỉ đồng (chiếm 38,2% tổng dư nợ toàn thành phố). Chính sách hỗ trợ lãi suất đã tác động thiết thực đối với các tổ chức, cá nhân giúp cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp (DN) giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất, đồng thời ngăn chặn suy giảm kinh tế. Ngoài ra, cùng với các chương trình khuyến mãi của các DN đã thu hút một lượng lớn khách hàng trong và ngoài thành phố.

Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu nhiều biến động, nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào và DN xuất khẩu quay trở lại thị trường nội địa cũng góp phần hạ nhiệt chỉ số CPI tháng qua. Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn thành phố tăng 21,24% so cùng kỳ (đạt trên 10.946 tỉ đồng). Trong đó, thành phần kinh tế cá thể chiếm tỷ trọng cao nhất là 58,51%; đây là kênh phân phối bán lẻ hàng hóa chủ yếu trên thị trường, thành phần kinh tế tư nhân chiếm 37,4%. Về mặt giá trị, kinh tế cá thể tăng 22,7% so cùng kỳ, thành phần kinh tế tư nhân tăng 20,58%; kinh tế nhà nước tăng 8,1% chủ yếu là doanh thu của Công ty Thương mại Sài Gòn- Cần Thơ. Với gần 50% người tiêu dùng tại TP Cần Thơ mua hàng qua hệ thống siêu thị trên địa bàn, lượng lưu chuyển hàng hóa (nhất là đồ gia dụng và lương thực) chiếm tỷ trọng đáng kể trong toàn bộ tổng mức bán lẻ.

Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C Cần Thơ), cho biết: “Sức mua tháng qua ổn định và tăng khoảng 10% so với trước. Hàng tiêu dùng, chủ yếu là thực phẩm, cá thịt sức mua tăng đều và được chọn lựa nhiều nhất, còn các mặt hàng gia dụng, hàng điện máy có phần chậm lại”. Theo ông Hồng, sức mua hiện đã cải thiện, nhưng rất khó dự đoán những tháng tới biến động giá cả ra sao do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, trong tháng 6, giá lúa gạo đã giảm trở lại, giá lúa thường ở mức 4.400-4.600 đồng/kg, lúa hạt dài và thơm 4.800- 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa ký thêm hợp đồng mới và Hiệp hội Lương thực Việt Nam yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu gạo đến hết tháng 6-2009. Tuy nhiên, hiện nông dân đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu và vụ cá tra năm 2009. Giá lúa đang nhích lên từ cuối tháng 6-2009 do một số nước châu Á như Philippines đã nhập khẩu trở lại gạo Việt Nam, nhiều DN kinh doanh lương thực dự báo sẽ khả quan trong xuất khẩu thời gian tới. Nếu Chính phủ có điều chỉnh linh hoạt và cho DN vay ưu đãi vốn để mua lúa gạo cho nông dân. Mặt khác, thị trường Nga, EU đang mở cửa trở lại cho con cá tra của Việt Nam, cùng với việc thành lập ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mở ra triển vọng mới.

Nông dân được mùa, trúng giá sẽ kích thích sức tiêu dùng trên thị trường, nhưng giá cả có khả năng biến động trong những tháng tới. Tháng qua, giá rau cải đã bắt đầu tăng, giá ga và giá xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng; giá vật liệu xây dựng: xi măng 65.000 - 70.000 đồng/bao (50 kg), giá sắt thép tăng 500- 1.000 đồng/kg tùy loại (11.500- 12.000 đồng/kg), giá gạch ống giảm, nhưng giá cát và đá vẫn ở mức cao... CPI dương trong tháng 6-2009 cũng phản ánh việc giá cả thị trường đang nhích dần lên, tác động chính là việc tăng giá xăng và điều chỉnh lương căn bản. Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới và trong nước những tháng cuối năm được dự báo còn diễn biến phức tạp, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều khó và tác động trực tiếp lên sức mua trên thị trường. Tổng Giám đốc C.T.C Cần Thơ La Minh Hồng, cho biết: “Việc điều chỉnh lương căn bản, cùng với việc tăng giá xăng dầu gần đây có tác động nhất định đến giá cả hàng hóa và sức mua trên thị trường, do phải chịu thêm chi phí vận chuyển. Nhưng tác động này sẽ rõ rệt hơn sau 1 tháng điều chỉnh giá xăng, sức mua có thể bị tác động, do người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng”. Theo ông Hồng, giá cả tăng, người tiêu dùng lựa chọn phương án tiêu dùng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào nguồn cung hàng hóa trên thị trường, nếu nguồn cung dồi dào, giá cả sẽ bình ổn trở lại.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Lê Văn Hừng, nhận định: “Hiện nay, giá cả trên thị trường chưa biến động lớn. Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn và xử phạt những trường hợp kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không niêm yết giá bán”. Theo ông Hừng, việc điều chỉnh giá xăng làm tăng chi phí sản xuất của DN, nhưng không vì thế mà DN tùy tiện nâng giá bán, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của DN. Hiện nay, một số DN kinh doanh hàng lương thực- thực phẩm đang giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng. Trong điều kiện hiện nay, DN cần tính toán lại cơ cấu giá bán của các mặt hàng nhằm kích cầu và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết