19/02/2008 - 21:51

Lãi suất ngân hàng tăng mạnh

Đau đầu tìm cách giải bài toán chi phí

Lạm phát tăng cao, nhiều người cân nhắc khi gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: Anh Khoa

Trung tuần tháng 2-2008, nhiều ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất, mức tăng khá mạnh, khoảng từ 0,12-0,6%/năm. Một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ hai kể từ đầu năm đến nay. Lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh tăng khoảng từ 0,6-2,4%/năm. Không chỉ có doanh nghiệp, nhiều ngân hàng cũng đang đối mặt với tình trạng chi phí tăng do lãi suất tăng.

* LÃI SUẤT “LEO THANG”

Ngày 18-2-2008, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên đến 0,675%/tháng; kỳ hạn 3 tháng 0,78%/tháng, kỳ hạn 12 tháng 0,82%/tháng. Ngoài ra, Sacombank còn áp dụng lãi suất cộng thêm cho khách hàng gửi tiền từ 50 triệu đồng trở lên với mức cọng thêm từ 0,005-0,025%/tháng. Ngân hàng Nam Việt cũng điều chỉnh lãi suất tăng rất mạnh với lãi suất (có áp dụng bậc thang) kỳ hạn 3 tháng lên đến khoảng 0,821-0,825%/tháng; kỳ hạn 24-36 tháng lãi suất khoảng từ 0,87-0,9%/tháng. Đặc biệt, lãi suất kỳ hạn 60 tháng mức cao nhất lên đến 1%/tháng.

Trước đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam tăng từ 0,36-0,6%/năm. Ngoài ra, khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ 100 triệu đồng trở lên vẫn được áp dụng mức lãi suất thưởng hấp dẫn. Các ngân hàng: Kỹ thương, Sài Gòn Hà Nội (SHB)... cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam. Trong đó, SHB tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng tại khu vực ĐBSCL lên đến 0,795%/tháng. Ông Lê Văn Tám, Giám đốc chi nhánh Cần Thơ Ngân hàng Việt Á, cho biết: “Mức độ lạm phát đã tăng cao trong năm 2007 và còn diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm nay. Vì vậy, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và giữ thị phần. Tháng 1-2008, Ngân hàng Việt Á đã có 1 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiết kiệm. Do mặt bằng lãi suất chung đã tăng cao nên có khả năng ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất trong tuần này hoặc tuần sau. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không nhiều mà kèm theo các hình thức khuyến mãi”.

Theo nhiều ngân hàng, đợt tăng lãi suất lần này đã được dự đoán trước do những tác động từ chính sách của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam áp dụng từ ngày 1-2-2008 như: tăng lãi suất cơ bản, lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn; tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng thêm 1% và mở rộng thực hiện đối với tiền gửi trên 24 tháng. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định phát hành 20.300 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng để hút thêm tiền ra khỏi lưu thông nhằm kềm chế lạm phát. Thời điểm phát hành là ngày 17-3-2008. Các tổ chức tín dụng không được sử dụng tín phiếu này để giao dịch tái cấp vốn.

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: “Khối ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn hầu như chưa có biến động về lãi suất huy động. Sắp tới, trước áp lực cạnh tranh thu hút nguồn vốn với các ngân hàng thương mại cổ phần, khối ngân hàng quốc doanh có khả năng sẽ đề nghị tăng lãi suất huy động”.

Nhu cầu vốn tăng cao, trong khi nguồn cung vốn tiền đồng trên thị trường đang thiếu hụt nên ngoài việc tăng lãi suất huy động đầu vào, nhiều ngân hàng trên địa bàn đã tăng lãi suất cho vay thêm từ 0,05-0,2%/tháng.

* GIẢI BÀI TOÁN CHI PHÍ

Với nhiều doanh nghiệp, lãi suất cho vay tăng tác động khá mạnh đến chi phí sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, những diễn biến trên thị trường tài chính ngân hàng đã được các doanh nghiệp theo dõi sát và không bị bất ngờ. Ngoài ra, các ngân hàng cũng hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp như: tăng lãi suất từng bước, tư vấn lập kế hoạch tài chính, hỗ trợ bằng các công cụ phòng ngừa rủi ro...

Anh Nguyễn Minh Thiện, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Vật tư Hậu Giang, cho biết: Hiện công ty đang vay vốn ngắn hạn với lãi suất 0,83%/tháng. Gần đây, có ngân hàng đã thông báo tăng lãi suất cho vay từ 0,83% lên 0,9%/tháng, và có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn mức này trong thời gian tới. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi hiểu rằng ngân hàng phải tăng lãi suất để bù đắp chi phí. Vì nguồn vốn huy động tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu, nên các ngân hàng trên địa bàn phải vay thêm vốn từ hội sở mà lãi suất vay nội bộ có nơi đã lên đến khoảng 0,9%/tháng. Trong khi đó doanh nghiệp thương nghiệp như chúng tôi không thể tăng giá bán hàng vì còn phụ thuộc vào thị trường. Do đó, bắt buộc phải tìm cách cắt giảm các chi phí không hợp lý đến mức có thể; đồng thời tổ chức thu hồi vốn nhanh sau bán hàng để có thể tăng vòng quay của đồng vốn.

Với các ngân hàng, những áp lực tăng chi phí, thiếu hụt nguồn vốn cũng nặng nề không kém và đã tác động đến chính sách của nhiều ngân hàng. Ông Lê Văn Tám, Giám đốc chi nhánh Cần Thơ Ngân hàng Việt Á, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, huy động vốn và dư nợ cho vay của ngân hàng tăng. Nhưng nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được 41% dư nợ cho vay trong khi lãi suất vay nội bộ trong hệ thống ngân hàng đã được điều chỉnh tăng từ 0,73%/tháng lên 0,83%/tháng. Ngân hàng cũng chưa điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, vẫn giữ mức từ 0,95-1,1%/tháng (vay ngắn hạn), từ 1,1-1,3%/tháng (trung và dài hạn). Còn nguồn vốn huy động vàng khoảng 50 tỉ đồng nhưng chi nhánh ngân hàng không dám đưa vào kinh doanh mà phải gửi hội sở do giá vàng biến động thất thường”.

Do nguồn vốn trung và dài hạn đã hết nên ngân hàng này đã ngừng xét cho vay mua bất động sản từ năm nay. Dù năm 2007, Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ đã kết hợp với các công ty địa ốc phát triển rất mạnh sản phẩm cho vay mua bất động sản. Hiện tại, ngân hàng này chỉ tập trung cho vay tiêu dùng, hộ sản xuất kinh doanh cá thể và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo nhiều ngân hàng, với tình hình chi phí lãi suất đầu vào tăng cao như hiện nay, ngân hàng nào thu hút càng nhiều khách hàng doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút tiền gửi thanh toán sẽ giảm được áp lực chi phí.

Ông Vũ Hoàng Nam, Giám đốc ACB chi nhánh Cần Thơ, tỏ ra khá lạc quan dù chỉ tiêu kế hoạch năm 2008 của chi nhánh ngân hàng này rất cao: tất cả các chỉ tiêu huy động, dư nợ và lợi nhuận đều tăng 100%. Theo ông Nam, những diễn biến trên thị trường tài chính ngân hàng từ đầu năm đến nay không nằm ngoài dự đoán của lãnh đạo ACB. Ngân hàng này đã có bước chuẩn bị trước nên không gặp khó khăn về vốn. Năm 2008, ACB chi nhánh Cần Thơ sẽ tập trung vào các đối tượng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu thuộc các lĩnh vực: thức ăn chăn nuôi, dược phẩm, may mặc... Đồng thời, tập trung vào các sản phẩm cho vay tiêu dùng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, người bán lẻ...

•Xuyến Chi

 

•Xuyến Chi

Chia sẻ bài viết