29/09/2008 - 22:10

Tiến sĩ Đỗ Văn Xê- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ:

Đào tạo theo học chế tín chỉ nhằm nâng cao tính tự quyết và trách nhiệm của sinh viên

 

Từ năm học 2007-2008, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ một cách triệt để. Theo đó, sinh viên được tự quyết định chương trình học của mình dựa theo chương trình khung do trường đưa ra.Việc đánh giá, quản lý sinh viên cũng có những thay đổi tương ứng. Xung quanh việc chuyển đổi sang học chế tín chỉ, vẫn còn một số ý kiến thắc mắc về những qui định, cách thức quản lý sinh viên.... Phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, về những vấn đề nêu trên.

* Hơn 1 năm qua, Trường ĐHCT đã chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ một cách triệt để. Tuy nhiên, một số sinh viên vẫn còn thắc mắc về quản lý đào tạo và cho rằng học theo học chế tín chỉ rất phức tạp. Ông có thể cho biết những điểm mới trong qui định của trường?

- Mục đích của đào tạo theo học chế tín chỉ là lấy người học làm trung tâm. Theo đó, giảng viên chỉ định hướng tổng quát để sinh viên tự chọn, tự xây dựng kế hoạch học tập. Để phục vụ cho công tác quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ, trường đã xây dựng chương trình đào tạo, ban hành qui định về công tác học vụ.

Theo học chế niên chế, kiến thức của mỗi học phần và toàn khóa học được đo lường theo đơn vị học trình. Còn theo học chế tín chỉ, đơn vị tính là tín chỉ. Mỗi tín chỉ tương đương với 15 tiết học lý thuyết trên lớp; 30 đến 45 tiết thực hành, thí nghiệm, thảo luận, seminar...; 45 đến 60 giờ làm tiểu luận, đồ án...; 60 đến 90 giờ thực tế ở cơ sở. 1 đơn vị học trình hay 1 tín chỉ đều tương đương với 15 tiết học lý thuyết trên lớp. Tuy nhiên, học theo học chế tín chỉ, sinh viên phải tự học nhiều hơn. Để tiếp thu được 1 tín chỉ, sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ tự học.

Học chế niên chế xác định rõ ở học kỳ nào, năm học nào, sinh viên phải học những môn gì. Còn chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ không xác định từng học phần cụ thể ở từng học kỳ mà liệt kê tất cả những học phần cần học; trong đó, có qui định học phần tự chọn, học phần bắt buộc và xác định học phần tiên quyết để quy định trình tự học, tức là sinh viên phải hoàn thành học phần đó mới được đăng ký học phần tiếp theo. Dựa trên khung chương trình chung và tư vấn của cố vấn học tập, mỗi sinh viên sẽ tự xây dựng một chương trình học tập phù hợp cho riêng mình. Tùy theo khả năng và điều kiện, sinh viên có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập. Thời gian được phép kéo dài của chương trình đại học là 4 năm, tức tổng thời gian được phép của khóa học đại học là 8 năm. Để đảm bảo tiến độ thời gian hoàn thành khóa học và đảm bảo chất lượng học tập, trường quy định sinh viên chỉ được đăng ký tối thiểu 15 tín chỉ và tối đa 20 tín chỉ ở học kỳ chính; đăng ký tối thiểu 6 tín chỉ và tối đa 8 tín chỉ ở học kỳ hè.

* Thưa ông, như vậy, khi mỗi sinh viên có một chương trình đào tạo riêng, tức không còn học theo lớp truyền thống trước đây, thì việc quản lý sinh viên được thực hiện như thế nào?

- Theo học chế tín chỉ, ngoài lớp- học phần (lớp mà sinh viên đăng ký theo học cùng học phần trong một học kỳ- PV) còn có lớp chuyên ngành. Lớp chuyên ngành được hình thành từ đầu khóa học cho đến cuối khóa học. Lớp chuyên ngành được tổ chức để duy trì những sinh hoạt đoàn thể, lao động, xét kết quả rèn luyện, xét khen thưởng, phổ biến những thông tin của trường, của khoa đến sinh viên...

Khi nhà trường để sinh viên có quyền tự xây dựng chương trình đào tạo cho riêng mình thì các em phải tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Trong Quy định Công tác học vụ của Trường ĐHCT, có phần cảnh báo học vụ. Đây là hình thức cảnh báo cho sinh viên về kết quả học tập yếu kém của bản thân. Sinh viên bị cảnh báo học vụ khi: có điểm trung bình chung học kỳ dưới 0,8 (tính theo thang điểm 4) đối với học kỳ đầu khóa học và dưới 1,0 đối với các học kỳ tiếp theo; hoặc điểm trung bình chung của hai học kỳ liên tiếp dưới 1,1; có điểm trung bình chung tích lũy dưới 1,2 đối với sinh viên năm thứ nhất, dưới 1,4 đối với sinh viên năm thứ hai, dưới 1,6 đối với sinh viên năm thứ ba, dưới 1,8 đối với sinh viên năm cuối khóa. Sinh viên đã bị cảnh báo học vụ nếu không cải thiện được kết quả học tập, tiếp tục vi phạm cảnh báo học vụ ở lần xử lý học vụ của học kỳ tiếp theo, sẽ bị buộc thôi học. Học kỳ vừa qua, Trường ĐHCT đã cảnh báo học vụ trên 920 sinh viên. Nhờ vậy, đã giảm bớt tình trạng sinh viên ỷ lại, ham chơi, giúp các em học tập tốt hơn.

* Theo học chế tín chỉ, sinh viên có còn thi tốt nghiệp hay chỉ học đủ số tín chỉ là được công nhận tốt nghiệp, thưa ông?

- Sinh viên đã hoàn thành các học phần điều kiện, tích lũy đủ số học phần quy định của chương trình đào tạo và có điểm trung bình chung tích lũy toàn khóa đạt từ 2,0 trở lên thì sẽ được cấp bằng tốt nghiệp. Tùy theo tính chất của ngành đào tạo và quy định của khoa, cuối khóa học, sinh viên sẽ được hướng dẫn để thực hiện luận văn tốt nghiệp hoặc khóa luận tốt nghiệp, hoặc học các học phần thay thế sao cho đạt 10 tín chỉ. Luận văn tốt nghiệp có khối lượng 10 tín chỉ; tiểu luận tốt nghiệp có khối lượng 4 tín chỉ. Nếu làm tiểu luận tốt nghiệp, sinh viên phải học thêm một số học phần trong các học phần quy định sao cho tổng số tín chỉ của các học phần và số tín chỉ tiểu luận tốt nghiệp đạt 10 tín chỉ.

* Thưa ông, song song với việc chuyển đổi về phương pháp đào tạo, việc đánh giá sinh viên có những thay đổi như thế nào cho phù hợp?

- Trước đây, theo học chế niên chế, điểm của sinh viên chỉ có duy nhất điểm thi học kỳ. Thi lần 1 rớt, sinh viên có thể thi lại lần 2. Còn bây giờ, theo học chế tín chỉ, điểm của sinh viên là điểm đánh giá liên tục, đánh giá tích lũy. Đối với học phần lý thuyết hoặc lý thuyết kết hợp thực hành, điểm học phần được tính căn cứ vào một phần hoặc tất cả các điểm thành phần, gồm: điểm kiểm tra trong quá trình học, điểm phần thực hành, điểm đánh giá nhận thức, điểm tham gia thảo luận, điểm chuyên cần, điểm kiểm tra giữa kỳ, điểm đồ án, điểm thi kết thúc học phần. Trong đó, điểm thi kết thúc học bắt buộc phải có và chiếm không dưới 50% tổng số điểm. Đối với học phần thực hành, điểm học phần được tính bằng điểm trung bình của các bài thực hành. Cách đánh giá như thế bắt buộc sinh viên phải “văn ôn, võ luyện”, phấn đấu liên tục chứ không phải chờ đến thi mới học đối phó.

Khi đánh giá sinh viên, giảng viên sẽ đánh giá theo thang điểm 4. Trong đó, điểm A tương đương với 4,0 điểm, xếp loại Giỏi; điểm B tương đương với 3,0 điểm, xếp loại Khá; điểm C tương đương với 2,0 điểm, xếp loại Trung bình; điểm D tương đương với 1,0 điểm, xếp loại Trung bình yếu; điểm F tương đương 0 điểm, xếp loại Kém. Sinh viên được đánh giá điểm A, B, C, D là đạt và được tích lũy; sinh viên bị điểm F là không đạt và không được tích lũy.

* Có ý kiến thắc mắc tại sao Trường ĐHCT lại bắt đầu năm học vào học kỳ II. Ông có thể giải thích về vấn đề này?

- Đồng thời với việc áp dụng học chế tín chỉ, Trường ĐHCT đã chuyển đổi kế hoạch công tác của trường theo năm dương lịch. Theo đó, trong năm, trường sẽ triển khai công tác giảng dạy theo 3 học kỳ, không trùng với các học kỳ cũ tính theo niên khóa. Học kỳ I kéo dài từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 5; học kỳ Hè kéo dài từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 8; học kỳ II kéo dài từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 12. Toàn quốc khai giảng năm học vào tháng 9, rơi vào thời điểm của học kỳ II của trường. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến cách tổ chức năm học.

* Thời gian qua, Trường ĐHCT triển khai cho sinh viên đánh giá giảng viên. Công việc này nhằm mục đích gì và sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Sinh viên đánh giá giảng viên là công đoạn của qui trình kiểm định chất lượng. Ở mỗi môn học đều phải lấy ý kiến nhận xét của sinh viên về giảng viên. Trường phát phiếu đánh giá- giống như phiếu trả lời trắc nghiệm- cho sinh viên, sinh viên trả lời bằng cách đánh dấu vào phiếu; sau đó, trường sẽ thu về và đưa vào máy đọc. Sau khi có kết quả, trường sẽ gởi đến giảng viên. Phiếu đánh giá đã được soạn rất kỹ và qua góp ý nhiều lần. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo Trường ĐHCT là những dữ liệu thu thập được chỉ mang tính tương đối, chủ yếu để lãnh đạo tham khảo và cán bộ giảng dạy nắm bắt thông tin chứ không phải sử dụng kết quả này để đánh giá hay kỷ luật, gây áp lực đối với giảng viên.

Sinh viên đánh giá giảng viên là công việc thường xuyên, vì vậy, công việc này vẫn sẽ được thực hiện trong năm nay và những năm sau.

* Xin cảm ơn ông!

SỸ HUIÊN (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết