09/01/2012 - 14:47

Đảo là nhà, biển là quê hương!...

Đó là lời tự tình của các cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân. Trong những ngày giáp tết Nguyên đán 2012, có dịp tháp tùng đoàn của TP Cần Thơ đến thăm, chúc Tết và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đang canh giữ vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc mới thấy tình của đất liền và biển đảo thật đằm thắm, tình quân- dân được thắt chặt nơi đảo xa…

Hành trình đến biển đảo

Đoàn Cần Thơ giao lưu với các chiến sĩ trên đảo Thổ Chu. 

Theo lịch trình, đoàn chúc Tết của TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khởi hành vào sáng ngày 2-1-2012 đến Bộ Tư lệnh vùng 5, các đảo Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc và các cấp chính quyền trên các đảo; hành trình kết thúc vào ngày 8-1... Khi tàu cặp cảng Bãi Vòng, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đồng chí Nguyễn Văn Tới, Trưởng Ban dân vận Vùng 5 hải quân, cùng cán bộ, chiến sĩ đã chờ sẵn trên cảng xe để đón các đoàn. Sự nhiệt tình, mến khách của cán bộ, chiến sĩ Hải quân làm chúng tôi quên hết cảm giác mệt nhọc sau một ngày đường xe tàu.

Sáng 3-1, các đoàn đến chúc Tết Bộ Tư lệnh Vùng 5 hải quân. Đồng chí Trần Việt Trường, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Ninh Kiều, thay mặt đoàn TP Cần Thơ chúc Bộ Tư lệnh một năm mới đạt nhiều thắng lợi mới. Đồng chí bày tỏ lòng ngưỡng mộ và gởi gắm những tình cảm của đất liền dành cho các chiến sĩ hải quân. Đại tá Nguyễn Duy Tỷ, Phó Tư lệnh Vùng 5, cho biết: “Vùng 5 Hải quân thành lập cách nay 36 năm. Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đoàn thể TP Cần Thơ, các tỉnh ĐBSCL là niềm động viên tinh thần cho những người lính hải quân. “Hậu phương” của cán bộ, chiến sĩ vùng 5 có khoảng 200 gia đình đang sinh sống ở TP Cần Thơ. Mặc dù đời sống của người lính hải quân còn nhiều khó khăn, song, cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển Tây Nam Tổ quốc”. Trong nhiều năm qua, Vùng 5 luôn được Quân chủng đánh giá cao về thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, không có chiến sĩ bị kỷ luật, Đảng bộ luôn đạt trong sạch vững mạnh. Ngoài việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, Vùng 5 còn thắt chặt quan hệ ngoại giao, hợp tác với Hoàng gia Campuchia trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển Tây...

Chúc Tết lãnh đạo Bộ Tư lệnh, 23 giờ đêm 3-1, tàu HQ 632 hải đội 512 thuộc Lữ đoàn 127 rời cảng An Thới (Phú Quốc) đưa các đoàn chúc Tết của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, TP Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp mang theo hương vị Tết đến các đảo Tây Nam. Các đoàn đã có cuộc hải hành một vòng hình cánh cung đến các đảo Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du... trên vùng biển Tây. Chị Trần Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ khi đặt chân lên các đảo Tây Nam đã nhận xét: “Có đi mới thấy đất nước mình rộng lớn, biển đẹp giàu”. Chị Trần Ngọc Thu, cán bộ Đoàn Cải lương Tây đô, tâm sự: “Đây là chuyến đi thứ 3 của tôi đến các đảo trên vùng biển Tây Nam. Tôi muốn mang món quà tinh thần qua lời ca tiếng hát của mình phục vụ các anh lính hải quân và khi cất lên lời hát về biển đảo, ca ngợi quê hương, tôi muốn được chia sẻ tình cảm của người con đất liền với biển đảo. Bởi trong tôi luôn khâm phục những người lính hải quân, họ thật kiên cường”...

Đến các đảo thấy được sự khắc nghiệt của vùng đất xa xôi, cách hàng trăm hải lý với đất liền, nước ngọt sinh hoạt rất “xa xỉ” với vùng đất này. Thêm vào đó, y tế, giáo dục gặp thách thức lớn, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Song, tình quân - dân trên các đảo thật đằm thắm. Ông Nguyễn Trường Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Đây là xã xa đất liền nhất, các cấp chính quyền địa phương xã được sự giúp đỡ của Ban Chỉ huy đảo Thổ Chu, Vùng 5 Hải quân tình cảm quân - dân bền chặt. Cùng nhau vượt khó, khắc phục thiếu thốn vật chất trên đảo”. Theo ông Vũ, Thổ Châu có lợi thế về kinh tế biển, ngư trường ngày một mở rộng, các hoạt động nghề cá của người dân trên đảo phát triển nhanh, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân. Trong tổng số 515 hộ sống trên đảo Thổ Chu chỉ có 31 hộ nghèo là nỗ lực rất lớn của địa phương.

Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối, thị trấn Sông Đốc, tỉnh Cà Mau do chiến sĩ Đồn biên phòng 704 đảm nhiệm. Chỉ có 15 đứa trẻ đi học, trong lớp học ghép 1,2,3 nhưng “thầy giáo”- Trung úy Trần Bình Phục của Đồn biên phòng 704 rất tự hào: “Dù chỉ có 15 cháu đến lớp, nhưng đã là thành công lớn trong công tác vận động dân ở đây. Bởi nhiều gia đình có con, nhưng không quan tâm đến học hành, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Để duy trì lớp học này, chúng tôi đã vận động để có tập, sách ở rất nhiều nơi để các cháu đến lớp. Hầu hết các gia đình trên đảo Hòn Chuối đều bám biển để mưu sinh, nên họ di chuyển liên tục để tránh gió, bão, việc đảm bảo sỉ số lớp học rất khó khăn”. “Cõng” chữ ra đảo là hành trình gian khó của người lính biên phòng, nhưng Trung úy Phục đã xác định “đồn là nhà, biên giới là quê hương”, anh quyết tâm đạt mục tiêu “xóa mù” cho các cháu trong độ tuổi đến trường trên đảo. Tiếng ê - a ráp vần của các cháu học sinh ở lớp học tình thương, các em không đủ quần áo mới để mặc khi ngày Tết gần kề, học trong điều kiện thiếu thốn dụng cụ học tập, nhưng theo Trung úy Phục, các cháu vẫn đến lớp đều và rất vui khi biết thêm một chữ mới..

Tết nơi “đầu sóng, ngọn gió”

Tết Nguyên đán 2012 đang gần kề, không khí chuẩn bị Tết của người dân, chiến sĩ trên đảo đã nhộn nhịp. Truyền thống của người lính hải quân Vùng 5 là “chiến đấu anh dũng giúp bạn tận tình đoàn kết hiệp đồng làm chủ vùng biển”. Những người lính hải quân xác định “đảo là nhà, biển là quê hương”, các chiến sĩ đồn biên phòng thì “đồn là nhà, biên giới là quê hương”, những hải quân trên biển thì “tàu là nhà, biển là quê hương” và cứ thế họ luôn tiến về phía trước. Trung tá Trần Hữu Cảm, Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu C3 (thuộc Ban chỉ huy đảo Thổ Chu), tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Ở đây, thuận lợi là nằm gần nguồn nước, nước bị nhiễm phèn nặng, nhiều san hô, tăng gia sản xuất lại là thế mạnh của C3. Trồng rau, nuôi bò, cá... đảm bảo bữa ăn cho các chiến sĩ những ngày Tết. Năm 2011 bữa ăn của chiến sĩ chỉ 47.000 đồng/ngày/người; năm 2012 nâng lên 52.000 đồng/ngày”. Theo Trung tá Trần Hữu Cảm, đa phần cán bộ, chiến sĩ C3 đều ăn Tết xa nhà, nhưng cái Tết rất ấm cúng với đầy đủ hương vị ngày Tết. Còn Đại úy Lê Văn Phong, Trạm trưởng trạm ra đa 595, đảo Hòn Khoai, Cà Mau cho rằng, vui xuân, nhưng các chiến sĩ của trạm sẽ không quên làm nhiệm vụ, cùng các lực lượng hải quân Vùng 5 bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Tây Nam của Tổ quốc.

Tết nơi đảo xa, cũng có mai vàng, mâm trái cây... tất cả đều được trồng tại chỗ. Ở những đảo có dân sinh sống như Hòn Chuối, Nam Du... ngày Tết lính hải quân, bộ đội biên phòng cùng dân gói bánh chưng, bánh tét. Thượng úy Nguyễn Hữu Khước, đại đội trưởng Đại đội 29, Tiểu đoàn công binh 556 (Bộ Tư lệnh Vùng 5 hải quân) quê Hải Dương, anh “lính phòng không” 30 tuổi với 12 năm là lính hải quân. Anh Khước, cho biết: “Tết lính cũng đầy đủ bánh chưng, bánh tét, đón giao thừa xong là cả đơn vị cùng hái hoa dân chủ, Tết xa quê, nhưng được ở bên đồng đội, cấp trên quan tâm là niềm động viên tinh thần rất lớn cho các chiến sĩ xa nhà”. Trung sĩ Đào Xuân Nam, ở Cụm chiến đấu 3, thuộc Ban Chỉ huy đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang, nói: “Quê tôi ở Thái Bình, 2 năm trong quân ngũ, tôi đều đón Tết xa nhà, nhưng bên cạnh đã có đồng đội, lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm, cái tết ở đây cũng đầy đủ như ở quê vậy”. Trung sĩ Đào Xuân Nam sắp hết thời hạn quân ngũ, nhưng Nam đang xin học lên đại học để tiếp tục làm lính hải quân, canh giữ vùng biển Tây Nam Tổ quốc.

Cái Tết nơi “đầu sóng, ngọn gió” dù thiếu thốn vật chất, nhưng quân- dân trên đảo đang sẵn sàng chào năm mới. Và những món quà Tết từ đất mẹ đã góp phần thổi gió xuân cho các chiến sĩ Vùng 5 Hải quân, người dân trên đảo có một cái Tết Nguyên đán 2012 thật ý nghĩa.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết