05/10/2022 - 08:57

Đảo chính tăng trở lại ở châu Phi 

Châu Phi đã trải qua nhiều cuộc đảo chính kể từ khi giành độc lập vào những năm 1950, đáng lo ngại là các vụ chính biến đang xuất hiện thường xuyên hơn ở lục địa này trong những năm gần đây.

Đại úy Traore vừa tiến hành đảo chính tại Burkina Faso. Ảnh: Getty Images

Đại úy Traore vừa tiến hành đảo chính tại Burkina Faso. Ảnh: Getty Images

Trong giai đoạn 1956-2001, châu Phi chứng kiến 80 cuộc đảo chính thành công và 108 vụ bất hành, tức trung bình 4 cuộc/năm. Từ năm 2002-2019, con số này giảm xuống một nửa khi lục địa đen bắt đầu quá trình dân chủ hóa. Năm 2020, chỉ có một cuộc đảo chính được báo cáo ở Mali nhưng sang năm 2021, 4 vụ lật đổ chính phủ thành công ở Cộng hòa Chad, Mali, Guinea, Sudan và 2 vụ thất bại ở Niger cùng Sudan. Tính từ đầu năm nay, châu Phi có 2 vụ chính biến ở Burkina Faso và một vụ bất thành ở Guinea Bissau.

Là quốc gia có nhiều cuộc đảo chính cũng như nỗ lực giải tán chính phủ nhất, Sudan đã diễn ra 17 vụ chính biến với 6 trong số đó thành công. Gần nhất là năm 2019 khi nhà lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir bị tước quyền lực sau nhiều tháng biểu tình trong nước. Bản thân ông Bashir cũng tự mình tiếp quản chính phủ trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1989. Tiếp trong danh sách là Burundi khi lịch sử nước này được đánh dấu bằng 11 cuộc đảo chính, chủ yếu do căng thẳng giữa cộng đồng Hutu và Tutsi.

Về mật độ, Sierra Leone trải qua 3 cuộc đảo chính giai đoạn năm 1967-1968 và một cuộc đảo chính khác vào năm 1971. Từ năm 1992-1997,  quốc gia này có 5 lần đảo chính nữa. Tương tự, Ghana có 8 cuộc đảo chính quân sự trong 20 năm. Nigeria cũng nổi tiếng với các cuộc đảo chính quân sự trong những năm sau độc lập với 8 vụ từ năm 1966 cho đến khi Tướng Sani Abacha  tiếp quản vào năm 1993. Burkina Faso là nơi có nhiều cuộc đảo chính thành công nhất khi có 9 cuộc tiếp quản thuận lợi và 1 vụ thất bại. Mới đây vào ngày 1-10, Đại úy Ibrahim Traore thông báo lật đổ nhà lãnh đạo quân đội là Trung tá Paul-Henri Damila vì không có khả năng đối phó các cuộc tấn công của lực lượng Hồi giáo. Hồi tháng 1, quân đội của Trung tá Damila cũng lật đổ chính phủ được bầu với lý do tương tự .

Nhìn chung, châu Phi đã trải qua nhiều cuộc đảo chính hơn bất kỳ châu lục nào khác. Trong số 14 cuộc đảo chính được ghi nhận trên toàn cầu kể từ năm 2017, tất cả trừ sự kiện ở Myanmar vào năm 2021, đều ở châu Phi. Theo nhà nghiên cứu Mỹ Jonathan Powell, nỗ lực đảo chính ở châu Phi gần như “ổn định” với “nghèo đói, tham nhũng, hoạt động kinh tế kém” được lấy làm điều kiện chung. 

Gần đây, quan chức cấp cao của Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat đã bày tỏ lo ngại về “sự trỗi dậy của những hành động vi hiến lật đổ chính phủ”. Theo Ndubuisi Christian Ani từ Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi), các cuộc nổi dậy phổ biến chống lại các nhà độc tài lâu năm đã tạo cơ hội cho sự quay trở lại của đảo chính ở châu Phi. Trong khi đó, Judd Devermont thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Mỹ, tin rằng cách tiếp cận “khoan dung” của nhiều cơ quan ở khu vực và quốc tế khiến các nhà lãnh đạo đảo chính trở nên ít nhượng bộ và chuẩn bị cho việc nắm quyền lâu hơn.

MAI QUYÊN (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết