13/07/2013 - 20:27

“Giọng hát Việt nhí”:

Đánh mất sự hồn nhiên của trẻ thơ

Bé gái Nguyễn Miccah hát ca khúc kinh điển “Monster” với trang phục rách loang lổ rất phản cảm. Ảnh: vnexpress.vn

“Giọng hát Việt nhí” là cuộc thi hát dành cho thiếu nhi do Đài Truyền hình Việt Nam và công ty Cát Tiên Sa tổ chức, mua bản quyền từ chương trình “The Voice Kids” của Hà Lan, phát sóng lúc 21 giờ thứ bảy hằng tuần trên kênh VTV3. Sau hơn 1 tháng phát sóng, nhiều người băn khoăn vì những chiêu trò của người lớn nay cũng nhan nhản trong một chương trình dành cho tuổi thơ.

Mùa đầu tiên của chương trình “The Voice Kids” được tổ chức thành công ở Hà Lan với những giọng hát nhí tiềm năng, thu hút đông đảo người xem bởi sự ngây thơ, đáng yêu của các thí sinh. Chương trình được nhiều nước mua bản quyền sản xuất và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Kết cấu của “Giọng hát Việt nhí” không khác so với cuộc thi “Giọng hát Việt” dành cho người lớn, chỉ khác là thí sinh trong độ tuổi từ 9 đến 15.

Công bằng mà nói, chương trình cũng đã tìm được một số thí sinh có giọng hát và khả năng trình diễn tốt, tự nhiên, dễ thương. Nhiều hoàn cảnh thí sinh bất hạnh hoặc chọn những bài hát phù hợp khiến người xem xúc động. Tuy nhiên, càng về sau, chương trình càng bộc lộ bàn tay dàn dựng, biến các em thành những “ca sĩ kiêm kịch sĩ chuyên nghiệp”, nặng nề cả về trình diễn và kỹ thuật ca, đánh mất sự hồn nhiên, đáng yêu vốn có của tuổi thơ.

Điều khiến khán giả băn khoăn nhất là các thí sinh được trang điểm đậm, khoác lên người những trang phục “nóng bỏng” không kém gì các ngôi sao người lớn. Thật khó chấp nhận các bé trai mặc bộ đồ jean rách te tua hay vá nhíu quái gở; các bé gái mặc đồ xuyên thấu, quần ngắn cũn cỡn nhảy múa, lắc hông sành điệu trên sân khấu. Có bé trai mặc đồ và đội nón cao bồi trình diễn thiểu não, ủy mị như gã si tình.

Việc chọn bài cho các thí sinh cũng là một vấn đề đáng bàn. Bên cạnh những thí sinh hát về tuổi học trò, mái trường, tình cảm gia đình thì rất đông thí sinh hát các khúc dành cho người lớn với sự u uất, giằng xé, cần chiều sâu về nội tâm cũng như sự từng trải. Tuổi nhỏ của các em sao đủ trải nghiệm để hát “Biển nhớ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay ủy mị, sướt mướt kiểu: “Vì sao nỡ vội nói chia ly. Vì sao nỡ vội vã ra đi...”  trong bài “Và ta đã thấy mặt trời”. Ca khúc Việt hay dành cho tuổi thiếu niên không ít, lại có thêm một kho tàng dân ca, hò vè vui nhộn, nhưng có hơn nửa thí sinh chọn hát ca khúc tiếng Anh, cá biệt có chương trình 8/12 tiết mục là ca khúc tiếng Anh! Các em vô tư hát những ca khúc sướt mướt về tình yêu bằng tiếng nước ngoài dù chưa hiểu hết ý nghĩa của ca khúc ấy. Có trường hợp đổi cả lời hát để nội dung ca khúc nước ngoài “bớt phản cảm”.

Nghe 4 huấn luyện viên nhận xét về các thí sinh khiến nhiều người khó chịu. Tiết mục nào cũng được họ tâng bốc là: “Con có giọng hát cao đến không ngờ”, “Con làm chú phải ngã mũ vì giọng hát quá đỉnh”… Có huấn luyện viên còn khóc lóc khi nghe thí sinh hát. Để mời thí sinh về đội của mình, nhiều huấn luyện viên dụ ngọt bằng lời có cánh, lấy sự nổi tiếng, tiền bạc làm “mồi nhử”. Làm thế có khác nào tạo cho các em sự ảo tưởng.

Đáng nói hơn, chính những huấn luyện viên đã từng tâng bốc các em lên tận mây xanh ở vòng đầu và nhận nhiệm vụ hướng dẫn các em trình diễn cũng là người đưa ra quyết định loại các em ở vòng tiếp theo. Điều này khiến sân khấu “Giọng hát Việt nhí” tràn ngập nước mắt và tổn thương bởi các em còn quá nhỏ để hiểu hết sự khắc nghiệt của một trò chơi truyền hình được vay mượn từ chương trình dành cho người lớn, vốn chỉ chú trọng kịch tính để đạt mục tiêu về tỷ suất người xem.

Có quá nhiều sức ép lẫn chiêu trò không dành cho tuổi thơ lại được đặt trên vai các thí sinh “Giọng hát Việt nhí”.

     ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết