14/12/2021 - 07:26

Đằng sau chuyến công du UAE của Thủ tướng Israel 

Với việc có mặt tại Abu Dhabi trong 2 ngày 12 và 13-12, Thủ tướng Naftali Bennett trở thành nhà lãnh đạo Israel đầu tiên thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), thúc đẩy mối quan hệ đang chớm nở giữa Tel Aviv và vùng Vịnh.

Tính toán của Israel

Thủ tướng Bennett gặp gỡ Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Bennett gặp gỡ Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed. Ảnh: Getty Images

Thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, ông Bennett hôm 13-12 đã hội kiến Thái tử Abu Dhabi, Mohammed bin Zayed Al-Nahyan - người thực tế đang lãnh đạo UAE, để thảo luận cách thức làm sâu sắc thêm quan hệ song phương. Sự kiện này là cơ hội giúp Tel Aviv “củng cố và mở rộng” quan hệ hòa bình giữa hai dân tộc, Thủ tướng Bennett khẳng định.

Đây là chuyến công du cấp cao nhất kể từ khi Nhà nước Do Thái và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2020, dựa trên khuôn khổ Thỏa thuận Abraham do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. Đáng chú ý, sự kiện này diễn ra trong lúc tiến trình đàm phán hạt nhân giữa phương Tây với Iran đang gặp khó khăn.

Tuy không phải bên tham gia các cuộc đối thoại tại Vienna (Áo), Israel liên tục cử đội ngũ ngoại giao, quan chức quốc phòng và tình báo cấp cao đến gặp các đồng minh ở Mỹ, châu Âu để vận động các nhà đàm phán tìm cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Riêng ở khu vực, giới quan sát cho rằng chuyến đi của ông Bennett cho thấy tầm quan trọng của UAE trong sách lược của Tel Aviv thúc đẩy thế giới Arab có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Tehran.

Nếu thuận lợi, thành công về mặt ngoại giao có thể giúp Thủ tướng Bennett dập tắt nghi ngờ của phe đối lập đối với tính hợp pháp của ông trong vai trò nhà lãnh đạo mới của Israel. Động lực này đồng thời giúp ông Bennett xoa dịu chỉ trích trong nước sau chuyến đi của gia đình ra nước ngoài khi Israel hạn chế việc đi lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chiến lược của UAE

UAE là quốc gia đầu tiên ở vùng Vịnh và nước Arab thứ 3 ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel, sau Jordan và Ai Cập. Quyết định trên cũng loại bỏ nguyên tắc được tôn trọng lâu nay trong thế giới Arab, đó là các nước sẽ không công nhận Nhà nước Do Thái cho đến khi cuộc cũng đột Israel - Palestine được giải quyết.

Trước đó, UAE và Israel có nhiều năm liên lạc trong thận trọng. Kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ, hai bên chính thức mở rộng hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực như kinh tế, công nghệ, học thuật... Quân đội hai nước cũng tiến hành tập trận chung. Vào tháng 6, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đã có chuyến thăm lịch sử tới UAE, mở Đại sứ quán tại Abu Dhabi và Lãnh sự quán tại Dubai, trong khi UAE mở Đại sứ quán ở Tel Aviv.

Nhưng đến chuyến thăm của Thủ tướng Bennett, theo các nhà phân tích, lời mời của Thái tử Al-Nahyan phần nào tiết lộ sự chuyển dịch về chính sách của UAE nói riêng và các nước vùng Vịnh nói chung, đó là lo ngại về mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Iran lớn hơn nhiều so với cuộc xung đột Israel - Palestine.

Trong đó, dự đoán thu hút quan tâm nhiều nhất chính là Saudi Arabia, được ví như “anh cả” vủa khối Arab, sẽ tiếp bước UAE, Bahrain, Maroc và Sudan trở thành quốc gia thứ 5 tham gia thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel. Tuy nhiên, Riyadh đã nhiều lần khẳng định sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel cho tới khi Tel Aviv ký với Palestine một thỏa thuận hòa bình được quốc tế công nhận.

MAI QUYÊN (Theo AP, NYT)

Chia sẻ bài viết