16/07/2008 - 21:44

Sau 1 năm thực hiện luật cư trú

Dân vẫn bị làm khó !

Luật Cư trú (có hiệu lực từ 1-7-2007) với những quy định “mở” về đăng ký hộ khẩu đã mở “cánh cửa pháp lý”, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ khẩu. Tuy nhiên, do việc áp dụng luật chưa thống nhất, nên khi tách, nhập, chuyển hộ khẩu, người dân vẫn còn gặp không ít khó khăn, phiền hà, nhất là những hộ dân nằm trong vùng quy hoạch, dự án.

Hộ khẩu “treo” theo quy hoạch!

Ông Phan Hồng Minh, nhà ở khu vực 5, phường An Khánh (quận Ninh Kiều) không còn nhớ nổi đã bao nhiêu lần “ôm” hồ sơ đăng ký hộ khẩu đến phường, quận đề nghị giải quyết. Ông than: “Lần nào tôi cũng nhận được câu trả lời: Nhà ở nằm trong vùng quy hoạch, không thể cho tách sổ hộ khẩu. Hiện giờ, vợ chồng, con, cháu của tôi đều phải “đậu” tên trong sổ hộ khẩu của bên ngoại. Mỗi lần có chuyện cần đến cuốn sổ hộ khẩu, phải chạy về ngoại “mượn”, mất thời gian và phiền hà quá! Đâu chỉ có thế, không có sổ hộ khẩu điện, nước đều phải câu đuôi...”.

Ông Phan Hồng Minh lập gia đình đến sinh sống, lập nghiệp ở quê vợ, tại xã An Bình (nay là phường An Khánh) từ đầu thập niên 80. Vợ chồng ông được cha mẹ vợ cho đất cất nhà, sống ổn định từ đó đến nay. 4 năm nay, nhiều lần ông lập hồ sơ xin tách hộ khẩu nhưng không được giải quyết vì nhà đất của ông bị quy hoạch vào dự án mở rộng lộ giới Quốc lộ 91B (quy hoạch này hiện nay mới triển khai chứ chưa thực hiện). Ông Minh cho biết: “Gần đây, nghe nói Luật Cư trú đã cho phép người dân có nhà đất nằm trong vùng quy hoạch nhưng chưa có thông báo thời gian di dời được tách hộ khẩu, tôi làm hồ sơ đến UBND phường xác nhận thực trạng nhà ở đất ở. UBND phường xác nhận nhà đất nằm trong dự án, thế là hồ sơ của tôi không được giải quyết”.

Cán bộ Đội hộ khẩu (Công an quận Ninh Kiều) hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ đăng ký hộ khẩu. 

Hiện nay, trên địa bàn phường An Khánh có hơn 200 hộ dân có nhà đất bị ảnh hưởng bởi dự án khu dân cư Tây Nam 91B, do Liên minh Hợp tác xã TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Các hộ này khi đăng ký hộ khẩu cũng không được giải quyết. Theo UBND phường An Khánh, từ khi dự án này triển khai (năm 2004), đến nay mới chỉ bồi thường, giải tỏa được hơn 10% tổng diện tích dự án. Dự án dây dưa nhiều năm này đã ảnh hưởng đến việc đăng ký hộ khẩu của những hộ dân chưa nhận tiền đền bù, giải tỏa. Ông Nguyễn Hồng Hải, ở khu vực 5, phường An Khánh, cho biết: “Nhà đất của tôi nghe nói là quy hoạch để thực hiện dự án khu dân cư của Liên minh Hợp tác xã TP Hồ Chí Minh nhưng nhiều năm nay không thấy đền bù, giải tỏa thu hồi đất. Mới đây, tôi gả con ra riêng, xin tách hộ nhưng UBND phường xác nhận là “nhà đất nằm trong quy hoạch đã có quyết định thu hồi đất”, nên không được xem xét tách hộ. Thật tình, nhà đất của tôi chưa hề nhận tiền đền bù hay quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền”.

Trả lời vấn đề này, ông Võ Văn Trâm, Chủ tịch UBND phường An Khánh, thừa nhận: “Mặc dù hiện nay còn nhiều hộ dân nằm trong Dự án khu dân cư Tây Nam 91B do Liên minh Hợp tác xã TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư chưa được bồi thường giải tỏa, chưa nhận quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, nhưng trước đây dự án này đã có quyết định thu hồi đất chung của cả dự án. UBND phường chỉ có xác nhận đúng thực trạng, còn việc giải quyết hộ khẩu là do ngành công an”.

Thượng tá Nguyễn Công Hảo, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính – Trật tự xã hội, Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Theo Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thực hiện, nhà ở không tranh chấp, không lấn chiếm, không nằm trong quy hoạch đã có thông báo thời gian di dời là đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu. Do đó, đối với một số hộ dân có nhà đất nằm trong quy hoạch dự án khu dân cư Tây Nam 91B, do chưa có quyết định thu hồi đất đối với từng hộ gia đình, chưa đền bù giải tỏa, ngành công an vẫn tiếp nhận giải quyết hồ sơ đăng ký hộ khẩu theo quy định. Riêng trường hợp các hộ dân nằm trong dự án mở rộng lộ giới Quốc lộ 91B, hiện tại chưa có chủ trương cấp sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, ngành công an đã chỉ đạo công an địa phương giải quyết tạm trú đối với những hộ dân sinh sống tại đây, tạo điều kiện ổn định cuộc sống”.

Nhiêu khê chuyện chuyển hộ khẩu

Nhiều tháng nay ông Phan Thiện Lộc, ở khu vực 5, phường An Khánh (quận Ninh Kiều) vất vả ngược xuôi xin chuyển khẩu từ phường An Bình sang phường An Khánh nhưng chưa được giải quyết. Do đó, hiện giờ mặc dù theo địa giới hành chính mới chia tách, nhà đất của ông thuộc phường An Khánh nhưng trong sổ hộ khẩu lại “công nhận” là phường An Bình. Việc học hành, làm chứng minh nhân dân của các con ông vẫn phải theo nơi thường trú là phường An Bình như trước khi chia tách. Ông Phan Thiện Lộc nói: “Tôi muốn chuyển hộ khẩu về phường An Khánh theo đúng thực tế địa giới hành chính hiện nay, nhưng thủ tục điều chỉnh quá rắc rối. Cán bộ nói nhà tôi nằm trong quy hoạch, không ổn định nên không chuyển khẩu được”. Theo ông Lộc trình bày, trước đây ông được Nhà nước cho ở nhờ nhà tập thể (khu vực Lợi Nguyên B, phường An Bình) và ông được cấp sổ hộ khẩu tại khu tập thể này. Sau đó, ông mua đất cất nhà và trả lại nhà tập thể cho Nhà nước. Khi phường An Bình chia tách thành phường An Bình và phường An Khánh, nhà của ông Lộc thuộc về phường An Khánh. Do nhà đất của ông Lộc hiện nay nằm trong quy hoạch mở rộng lộ giới Quốc lộ 91B nên không được xem xét giải quyết. Ông Lộc kiến nghị: “Khi chia tách địa giới hành chính, căn cứ thực tế người dân sống ở địa bàn nào thì linh động chuyển khẩu theo địa bàn đó, tạo điều kiện cho người dân sinh sống, học hành. Không thể để tình trạng: trước khi chia tách, người dân có hộ khẩu, khi chia tách rồi lại nói là “vướng” quy hoạch, không chuyển khẩu được, gây khó cho người dân”.

Liên quan đến việc chuyển khẩu, hiện nay hàng ngàn hộ dân có nhà đất bị giải tỏa được bố trí vào khu tái định cư nhưng hộ khẩu gốc vẫn còn ở nơi ở cũ, gây khó khăn trong sinh hoạt, học tập, ổn định cuộc sống của người dân; khó khăn trong quản lý nhân khẩu. Tại cuộc họp bàn kế hoạch kiểm tra toàn diện về hộ khẩu của UBND thành phố mới đây, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, đã yêu cầu ngành công an phải có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân lập thủ tục chuyển hộ khẩu về nơi tái định cư. Riêng đối với những địa bàn do chia tách địa giới hành chính, ngành công an phải tính toán điều chỉnh sổ hộ khẩu cho người dân, nhằm thống nhất quản lý hộ khẩu theo đúng nơi thường trú.

Hiện nay, mặc dù Công an thành phố đã mẫu hóa hồ sơ, thủ tục đăng ký hộ khẩu nhưng qua kiểm tra thực tế, nhiều địa phương, chính quyền và ngành công an vẫn tự ý đặt thêm thủ tục, gây phiền hà cho người dân. Cụ thể: nếu là đất cha mẹ cho thì người con phải có “giấy cho đất”. Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến tại các quận, huyện. Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Công Hảo, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính – Trật tự xã hội, Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Hồ sơ hộ khẩu đã được Công an thành phố chuẩn hóa từ năm 2007. Trong bộ hồ sơ mẫu hóa này, không có “giấy cho đất”. Do đó, các địa phương phải nghiêm túc thực hiện đúng quy định, tuyệt đối không buộc người dân phải làm “giấy cho đất” mới giải quyết hộ khẩu”.

****

Năm 2008, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan đến quyền lợi thiết thân của người dân, trong đó có vấn đề hộ khẩu. Thiết nghĩ, chính quyền và ngành công an cũng cần nhận thức đúng yêu cầu này, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người dân được dễ dàng, thuận lợi trong việc đăng ký hộ khẩu theo đúng quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết