11/07/2020 - 18:04

Dân Singapore kỳ vọng đổi thay 

Không nằm ngoài dự đoán, đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn duy trì vị thế áp đảo trong quốc hội 93 ghế chính thức của Singapore, qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo đất nước không thể thay thế của PAP kể từ năm 1965. Tuy nhiên, kết quả cho thấy lòng tin của công chúng dành cho PAP lại xuống thấp và uy tín của đảng Công nhân (WP) đối lập tăng mạnh chưa từng có.

Thủ tướng Lý Hiển Long xuất hiện sau cuộc bầu cử hôm 10-7. Ảnh: Reuters

Cụ thể, PAP vẫn duy trì 83/93 ghế trong quốc hội, trong khi WP giành được 10 ghế, số ghế cao nhất từ trước tới nay của đảng đối lập. Kết quả này có nghĩa WP tiếp tục là đảng đối lập duy nhất có ghế trong Quốc hội Singapore. Trong khi đó, dù giành số ghế cao nhưng tỷ lệ phiếu bầu phổ thông của PAP năm nay chỉ đạt 61,24%, sụt giảm đáng kể so với mức 69,9% của năm 2015 và gần mức thấp nhất 60,1% trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011. Ðáng chú ý, có nhiều vị trí then chốt của PAP thất cử, bao gồm 2 cựu bộ trưởng. Cuộc tổng tuyển cử năm nay thu hút hơn 2,5 triệu cử tri Singapore đi bỏ phiếu, chiếm tới 95,63% tổng số cử tri đăng ký và cao hơn so với tỷ lệ 93,56% của năm 2015.

Thách thức lớn từ đại dịch COVID-19

Phát biểu trong cuộc họp báo sáng 11-7  khi kết quả bầu cử được công bố, Thủ tướng Lý Hiển Long buồn bã nói: “Chúng tôi được giao trọng trách rõ ràng nhưng tỷ lệ phần trăm của phiếu bầu phổ thông đã không cao như tôi trông đợi. Kết quả bầu cử phản ánh nỗi đau và sự không chắc chắn mà người dân Singapore cảm thấy trong cuộc khủng hoảng này... Ðây không phải là cuộc bầu cử tốt đẹp khi người dân đang đối mặt với nhiều vấn đề thật sự và cảm thấy tương lai khó khăn hơn”.

Cuộc tổng tuyển cử lần này được giới quan sát coi như một cuộc trưng cầu ý dân về cách xử lý đại dịch COVID-19 của Chính phủ Singapore. Thế nên, dù với thế đa số 2/3 trong quốc hội cho phép PAP của ông Lý hoàn toàn yên tâm và chủ động trong việc thông qua các chính sách chủ chốt, thậm chí sửa đổi hiến pháp, nhưng các nhà lãnh đạo của đảng này đứng trước áp lực phải cải thiện tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Những vấn đề chính đặt ra lúc này vẫn là cách thức Chính phủ Singapore xử lý đại dịch COVID-19 và ứng phó với tình hình suy thoái kinh tế vì dịch bệnh.

Singapore là một trong những nước bị ảnh hưởng dịch nặng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với hơn 45.000 ca COVID-19, phần lớn là người lao động nhập cư thu nhập thấp sống trong các khu ký túc xá đông đúc và chật hẹp. Nếu xét trên bình quân đầu người, đảo quốc sư tử với 5,8 triệu dân cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng dịch nặng nhất thế giới, dù số trường hợp tử vong tương đối thấp là 26 người.

Do ảnh hưởng của đại dịch, các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế của Singapore trong năm nay có thể âm 7%. Tỷ lệ thất nghiệp của công dân Singapore chỉ riêng quý I-2020 đã đạt mức cao nhất trong thập niên qua. Theo báo cáo của Bộ Nhân lực Singapore hồi trung tuần tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp của công dân nước này trong quý đầu năm nay tăng từ 3,3% lên 3,5%. Riêng tỷ lệ thất nghiệp của “thường trú dân” tăng từ 3,2% lên 3,3%.  Trước dự báo ảm đạm của nền kinh tế, Chính phủ Singapore đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ kinh tế có tổng trị giá khoảng 71,7 tỉ USD. Tuy nhiên, có những chỉ dấu mới cho thấy nền kinh tế giàu có bậc nhất thế giới này khó tránh khỏi suy thoái nghiêm trọng.

Ông Lý có thể “gánh” cả nhiệm kỳ

Các nhà bình luận cho rằng tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho đảng cầm quyền bị sứt mẻ một phần do mong muốn thay đổi của người trẻ. “Các cử tri trẻ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe theo cách có ý nghĩa hơn” - Eugene Tan, nhà phân tích chính trị và là giáo sư luật của Ðại học Quản lý Singapore, nhận định. Ông Eugene Tan cho rằng thế hệ lãnh đạo thứ 4 (hay còn gọi là 4G) mà Thủ tướng Lý Hiển Long đã chuẩn bị không có đủ thời gian để tái thiết lòng tin và sự tin tưởng của người Singapore trong bối cảnh tác động lớn của đại dịch COVID-19.

Giới lãnh đạo kế cận của Singapore mà giáo sư Eugene Tan nói đến có lẽ là ông Vương Thụy Kiệt, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính. Ông được cho là người hoạch định kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 của Singapore. Tuy nhiên, kết quả bầu cử cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho nhà lãnh đạo 57 tuổi này chỉ đạt 53%.

Vào năm 2011, khi PAP chỉ giành được hơn 60% số phiếu ủng hộ giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp cao và người nhập cư gia tăng nhanh, Thủ tướng Lý đã phải áp đặt hạn ngạch lao động chuyên gia nước ngoài trong một số lĩnh vực để bảo vệ việc làm cho lao động trong nước.

Và trong cuộc họp báo sáng 11-7, ông Lý cũng nói về nỗi lo việc làm, mất nguồn thu nhập và những bất tiện trong hơn 2 tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Ông khẳng định lại cam kết trước đây là sẽ trao lại quyền lãnh đạo đất nước cho thế hệ mới của PAP một Singapre “nguyên vẹn, có trật tự và hoạt động tốt”. Cụ thể, ông từng đánh tiếng sẽ về hưu vào tuổi 70, tức vào năm 2022.

Tuy nhiên, với tính chất khó lường hiện nay, ông bày tỏ mong muốn tiếp tục ở lại đưa đất nước vượt qua “cuộc khủng hoảng của một thế hệ” từ đại dịch. Ðây là tín hiệu cho thấy Thủ tướng Lý, người lên nắm quyền Singapore từ năm 2004, có thể “gánh” hết nhiệm kỳ 5 năm nữa.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết