22/12/2016 - 10:41

Dân Madagascar tẩy chay Trung Quốc

Khu mỏ chưa đi vào hoạt động nhưng người dân Madagascar đã nổi giận, khiến công ty khai thác vàng của Trung Quốc phải rời khỏi đây.

Lý do là vì trong những tháng gần đây, thành phố Soamahamanina (miền Trung Madagascar) chìm trong các cuộc biểu tình bởi cứ thứ năm hàng tuần người dân lại xuống đường phản đối công ty khai thác vàng Jiuxing. Trước đó, Jiuxing đã được cấp phép khai thác vàng trên diện tích 7.500 héc-ta trong 40 năm. Đối với những người biểu tình, hoạt động khai thác của Jiuxing có nguy cơ tàn phá các cánh đồng của họ- yếu tố dẫn đến tâm lý chống các nhà đầu tư Trung Quốc trên đảo quốc thuộc Ấn Độ Dương này, theo Straitstimes.

Người dân Soamahamanina biểu tình phản đối công ty Jiuxing hồi đầu tháng 10. Ảnh: AFP

Không chỉ ở Soamahamanina mà trên khắp cả nước người dân cũng đã công khai bày tỏ thái độ "căm ghét" sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc- đối tác thương mại số một của Madagascar, theo AFP. Nhiều nông dân từng háo hức sẽ hưởng lợi từ hoạt động khai thác vàng của Jiuxing và đã đồng ý bán đất cho chủ khai thác người Trung Quốc thì nay lại tiếc nuối. "Dân chúng giận dữ và cáo buộc chúng tôi bán nước"- nông dân Perline Razafiarisoa nói về việc ông bán quyền sử dụng đất lên đến 40 năm.

Trước làn sóng phản đối không ngớt, các công nhân khai thác của Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc "cuốn gói" khỏi Madagascar hồi tháng 10-2016. "Là một công ty, chúng tôi có quyền ở lại, song vì nhân nhượng xã hội, chúng tôi chọn cách rút lui. Chúng tôi hy vọng sẽ trở lại với những điều khoản mới và sửa chữa những lỗi lầm trước đó"- phát ngôn viên Stella Andriamamonjy của Jiuxing nói.

Với hơn 800 công ty hiện hoạt động ở Madagascar, Trung Quốc đã nhanh chóng tạo dựng hình ảnh là đối tác thương mại lớn nhất của đảo quốc châu Phi 22 triệu dân này. Ở quốc gia mà 90% dân số sống dưới mức nghèo đói, sự đầu tư như thế đã tạo nên lực đẩy bất ngờ cho sự phát triển cơ sở hạ tầng nơi đây. Đại sứ quán Trung Quốc tại Madagascar cho rằng các công ty của họ hòa nhập tốt với cộng đồng địa phương khi có đến 90% trong số 17.000 việc làm được tạo ra dành cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt đổ về Madagascar khai thác tài nguyên thiên nhiên và làm thị trường tràn ngập hàng hóa Trung Quốc đã tạo ra những căng thẳng cùng tâm lý bài ngoại. Năm 2011, cảnh sát Madagascar đã phải mạnh tay ngăn chặn các cuộc bạo loạn tại khu phố Tàu ở Thủ đô Antananarivo sau khi một thương nhân châu Á đánh đập 2 nhân viên người bản xứ. Ba năm sau đó, các cuộc đụng độ tại một công ty đường của Trung Quốc ở thị trấn Morondava (miền Tây Madagascar) về chuyện lương bổng đã khiến 6 người thiệt mạng.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết