30/10/2019 - 04:13

Đảm bảo hiệu quả bền vững của đào tạo nghề 

Năm 2019, huyện ngoại thành Vĩnh Thạnh nỗ lực triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án ĐTN). Phát huy hiệu quả các năm qua, huyện tập trung kết hợp các ngành, đơn vị tạo việc làm cho lao động sau học nghề, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo, ổn định an sinh xã hội địa phương...

Lao động xã Thạnh Thắng tham gia học nghề nấu ăn.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Vĩnh Thạnh, căn cứ kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, huyện tổ chức khai giảng 8 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp (nuôi và phòng trị bệnh gia cầm, nuôi và phòng trị bệnh gia súc, nhân lúa giống, trồng hoa kiểng; nấu ăn, đan dây nhựa, lái xe B2) cho 264 lao động các xã, thị trấn. Huyện đã cơ bản hoàn thành kế hoạch Đề án ĐTN năm 2019. Song song đó, huyện tiếp tục duy trì 8 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm: cơ sở may gia công, trang điểm, nấu ăn (thị trấn Thạnh An); chằm nón (xã Thạnh Tiến và thị trấn Thạnh An); đan dây nhựa (xã Thạnh Lộc, xã Thạnh Quới); đan lục bình (xã Thạnh Thắng); nhân lúa giống chất lượng cao, chăn nuôi (xã Thạnh An, xã Thạnh Thắng). Riêng mô hình may công nghiệp khẳng định hiệu quả bền vững, đã cung ứng 595 lao động qua ĐTN cho Nhà máy may Vinatex hoạt động trên địa bàn huyện. Hiện nhà máy ổn định hoạt động 14 chuyền may với 930 công nhân, mức lương bình quân 3,651 triệu đồng/người/tháng.

Mới đây, huyện phối hợp UBND xã Thạnh Thắng bế giảng lớp nghề nấu ăn, UBND xã Thạnh An bế giảng lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh gia cầm; trao Chứng chỉ sơ cấp cho 70 học viên. Chị Nguyễn Thị Ánh Sen, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Thắng, phấn khởi nói: “Do nghề nấu ăn đáp ứng nhu cầu nên lớp học đảm bảo giờ giấc, sĩ số, học viên chuyên cần, chịu khó. Kết quả kiểm tra cuối khóa khả quan, với 5 học viên đạt loại Giỏi, 30 học viên đạt Khá”.

Dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức ra mắt và đưa vào hoạt động Tổ liên kết dịch vụ nấu ăn gồm 12 thành viên là học viên lớp nghề nấu ăn, do anh Nguyễn Phi Long làm bếp trưởng. Bên cạnh sự hỗ trợ giới thiệu của Hội, đoàn thể, Tổ chủ động quảng bá, tìm nguồn khách hàng để ổn định hoạt động, không chỉ tạo việc làm, thu nhập, còn giúp thành viên nâng cao tay nghề. Chị Ánh Sen cho biết thêm, các năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp mở các lớp nghề: may công nghiệp, làm móng, đan lục bình, giúp chị em có việc làm, thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, quá trình dạy nghề còn một số hạn chế nhất định, như: một vài địa phương chưa thật sự quan tâm công tác ĐTN, giải quyết việc làm; chưa tích cực vận động lao động học nghề cũng như tìm giải pháp tạo việc làm…, ảnh hưởng chất lượng và hiệu quả công tác. Các tháng cuối năm 2019, huyện tập trung khai giảng các lớp nghề còn lại; kiểm tra, giám sát công tác dạy nghề, nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức lao động về tầm quan trọng của học nghề, việc làm giai đoạn mới. Đồng thời, tăng cường phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để giới thiệu việc làm, gắn với bao tiêu sản phẩm cho lao động, đảm bảo tính bền vững và hiệu quả công tác ĐTN.

Bài, ảnh: MAI THY

 

Chia sẻ bài viết