10/05/2008 - 10:20

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Việt Nam

L.T.S- Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (LHQ) 2008 tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 17-5-2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, dưới hình thức một đại lễ tập trung và trọng thể. Dự kiến sẽ có khoảng 3.500 đại biểu trong và ngoài nước là những nhà lãnh đạo Phật giáo của các tông truyền, các học giả hàng đầu, các nhân vật quan trọng, các hành giả Phật giáo thuộc 70 quốc gia trên thế giới và Việt Nam sẽ tham dự đại lễ .

Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chương trình, nội dung, ý nghĩa của Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam, Báo Cần Thơ giới thiệu tài liệu tuyên truyền về Đại lễ này, do Tiểu Ban Tuyên truyền Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam biên soạn.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Chư tôn Đức khởi công xây dựng giai đoạn II Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Khái lược về Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc

Đại lễ Tam hợp Đức Phật (Đại lễ Vesak) bắt nguồn từ tín ngưỡng Phật giáo Ấn Độ. Người Ấn Độ có tín ngưỡng Phật giáo xem tháng Vesak (tên gọi tháng thứ 4 của năm theo lịch Ấn Độ) là tháng linh thiêng, bởi vào ngày trăng tròn của tháng này đã diễn ra 3 sự kiện trùng lặp gắn với thân thế, sự nghiệp của Đức Phật (Phật đản, Phật thành Đạo, Phật nhập Niết bàn). Đại lễ Phật đản diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesak tương đương với tháng 5 dương lịch. Từ xa xưa, Đại lễ Phật đản đã được tổ chức tại một số nước Phật giáo như SriLanka, Thái Lan... Tại Việt Nam ngày rằm tháng tư (15-4 Âm lịch) Phật giáo tổ chức Đại lễ Đức Phật đản sinh (hay còn gọi là Đại lễ Phật đản).

Nhằm tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, theo đề nghị của 34 nước trên thế giới, ngày 15 tháng 12 năm 1999, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 54 đã chính thức công nhận Đại lễ Tam hợp Đức Phật hay Đại lễ Vesak là ngày lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc (LHQ), được tổ chức hàng năm tại trụ sở Liên Hợp Quốc và các trung tâm của Liên Hợp Quốc từ năm 2000 trở đi. Tới Việt Nam, theo truyền thống ta gọi là Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc.

Các kỳ Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc đã được quốc tế tổ chức

Kể từ khi được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận Đại lễ Phật đản là một lễ hội văn hóa, tôn giáo của LHQ đến nay, Quốc tế đã nhiều lần tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ:

+ Đại lễ Phật đản LHQ đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 tại Trụ sở LHQ, New York, Hoa Kỳ, với sự tham gia của các truyền thống tông môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia.

+ Đại lễ Phật đản LHQ được tổ chức tại Mumbai (Ấn Độ) vào tháng 4 năm 2005;

+ Đại lễ Phật đản LHQ được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 5 năm 2005 tại Trung tâm Phật giáo Quốc gia Buddhamonthon (Thái Lan) với đại biểu từ 42 quốc gia.

+ Đại lễ Phật đản LHQ được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 5 năm 2006 tại Trường Đại học Mahachulalongkom (Thái Lan) gắn việc lên ngôi của nhà vua Thái Lan.

+ Đại lễ Phật đản LHQ được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 5 năm 2007 tại Trường Đại học Mahachulalongkom (Thái Lan) với sự tham gia của 500 đoàn đại biểu từ 62 nước.

Chính điện Chùa PothiSamrom quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.

Các phương diện của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc được tổ chức thể hiện rõ các phương diện, đó là:

+ Phương diện tín ngưỡng: Đại lễ Phật đản chính là sự tập hợp của đông đảo những người có cùng đức tin vào Phật giáo, tin vào tương lai tốt đẹp của con người là hòa bình, hữu nghị, an lạc. Để phấn đấu vì xã hội như thế, những người có cùng niềm tin tập trung về Việt Nam dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia của Việt Nam từ 13-17/5/2008 dưới hình thức một đại lễ tập trung và trọng thể.

+ Phương diện văn hóa: Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc được thừa nhận là ngày quốc tế của Liên Hợp Quốc về tôn giáo và văn hóa nên yếu tố văn hóa của lễ hội được quan tâm đặc biệt. Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc là nơi hội tụ bản sắc văn hóa của các nước trên thế giới, cũng như phong cách và thái độ ứng xử văn hóa của các cá nhân và xã hội; bao gồm nhiều hoạt động văn hóa như triển lãm văn hóa Phật giáo, triển lãm văn hóa Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hội chợ văn hóa và ẩm thực, xe hoa diễu hành, trang hoàng cờ phướn Phật giáo, lồng đèn, hoa đăng, tạo sự hoành tráng của một lễ hội Phật giáo đa sắc màu.

+ Phương diện khoa học: Các chủ đề hội thảo khoa học Phật giáo đóng góp cho đời sống nhân loại là trọng tâm của Đại lễ Phật đản LHQ, quyết định những giá trị nội dung và những đóng góp thiết thực của Đại lễ. Chủ đề hội thảo Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008 gắn liền với truyền thống và bản sắc văn hóa của Việt Nam và đạo Phật Việt Nam nhằm khẳng định sự đóng góp của đất nước và Phật giáo Việt Nam về các giá trị Liên Hợp Quốc quan tâm.

+ Phương diện tu tập: Một trong những nội dung quan trọng của Đại lễ Phật đản LHQ là tổ chức các khóa tu. Có hai loại khóa tu: Một là, khóa tu dành cho gia đình Phật tử, một hình thái Phật giáo nhập thế, mang đậm nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam mà các quốc gia Phật giáo khác không có; Hai là, khóa tu dành cho người nước ngoài và người địa phương trước và sau Đại lễ Phật đản theo truyền thống các Đại lễ Phật đản.

+ Phương diện du lịch văn hóa tâm linh, quảng bá hình ảnh Việt Nam: Các tour du lịch chính thức trong Đại lễ và các tour du lịch trước và sau Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc là hoạt động không thể thiếu . Hoạt động này vừa đề cao giá trị Đại lễ vừa quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp và thân thiện đối với thế giới.

Mục đích và ý nghĩa của việc Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008

+ Ý nghĩa tâm linh. Thiết lập nhịp cầu tâm linh và học hỏi kinh nghiệm Phật sự của nhiều phái đoàn Phật giáo thế giới với gần 100 quốc gia; đồng thời thực hiện các nghi thức hành trì của các tông môn pháp phái Phật giáo trên khắp thế giới; tạo hiệu ứng rộng lớn về niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của Phật giáo, mang lại cho đời sống xã hội các giá trị hòa bình, an lạc và hữu nghị.

+ Ý nghĩa đối với các tổ chức Giáo hội: Là cầu nối giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới, là cơ hội để Phật giáo khắp thế giới tập hợp nhau lại, cùng nhau xây dựng cuộc sống hữu nghị, hòa bình vì hạnh phúc của con người. Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam đây là cơ hội để tỏ rõ vị thế của Phật giáo trong giai đoạn mới, qua đó khẳng định với thế giới về đoàn kết tôn giáo và đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam.

+ Ý nghĩa Văn hóa: Đại lễ Phật đản LHQ là ngày quốc tế về tôn giáo và văn hóa, cơ hội cho giao lưu, học hỏi tinh hoa văn hóa các nước; đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thế giới, trong đó bao gồm các di sản văn hóa Phật giáo cấp thế giới và quốc gia.

+ Ý nghĩa học thuật: Gắn liền với chủ trương của LHQ và mối quan tâm của quốc gia tổ chức, các chuyên đề Hội thảo Phật giáo thế giới và Tuyên bố Hà Nội là sự đóng góp vào giải pháp về các vấn đề đời sống xã hội toàn cầu.

+ Ý nghĩa chính trị, kinh tế: Tạo hình ảnh tốt đẹp đối với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hòa hợp và đoàn kết. Qua đó, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên thế giới, góp phần thiết lập bang giao và hữu nghị giữa Việt Nam với tất cả quốc gia trong khu vực và trên thế giới vì mục tiêu hòa bình và phát triển. Lấy năm 2008 làm “Năm Việt Nam” với các hoạt động phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến của quốc tế từ hình ảnh đẹp mà Việt Nam tạo được qua Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008.

(Xem tiếp kỳ 2)

Chia sẻ bài viết