19/03/2019 - 21:26

Đại học Mỹ “tẩy chay” Huawei và Viện Khổng Tử  

Các trường đại học lớn của Mỹ đang hạn chế, thậm chí dừng hợp tác với tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei và đóng cửa Viện Khổng Tử giữa lúc quan hệ Washington-Bắc Kinh lạnh nhạt.

Trong 30 năm qua, các trường đại học Mỹ đã ký hàng trăm bản ghi nhớ với nhiều tổ chức Trung Quốc mà không bị kiểm soát. Nhưng giờ đây, đảng Dân chủ và phe Cộng hòa tuy bất đồng nhưng lại cùng quan điểm về chính sách đối phó Bắc Kinh. Trong đó, Huawei và Viện Khổng Tử đặc biệt nằm trong “tầm ngắm” khi Washington tin rằng hai tổ chức này đang làm suy yếu lợi ích quốc gia.

Đại học Minnesota vừa đóng cửa Viện Khổng Tử. Ảnh: SCMP

Nổi lên như đối thủ cạnh tranh toàn cầu với các “đại gia công nghệ” Mỹ gồm Cisco Systems và Apple, Huawei thiết lập quan hệ chặt chẽ với hệ thống đại học Mỹ dựa trên Chương trình Nghiên cứu Sáng tạo Huawei (HIRP). Đây là sáng kiến tài trợ hàng đầu của hãng viễn thông Trung Quốc, đầu tư cho các trường đại học và viện nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ truyền thông, khoa học máy tính, kỹ thuật và các ngành liên quan. Ước tính giai đoạn 2012-2018, Huawei chi khoảng 10,6 triệu USD cho 9 trường ở Mỹ. Nhiều người thậm chí hy vọng hãng này trở thành nhà tài trợ chính như Google hay Microsoft. Trong khi đó, Viện Khổng Tử, hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo dục Trung Quốc, là nhà cung cấp tài chính và nhiều nguồn lực khác cho hơn 100 trường đại học và phổ thông dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc ở Mỹ.

Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ ngày càng bất an về nguy cơ gián điệp từ Huawei trong khi sự hiện diện của các Viện Khổng Tử bị cho là công cụ “quyền lực mềm” giúp cường quốc châu Á giám sát những vấn đề đe dọa vị thế của Bắc Kinh. Trước quan ngại và sức ép chính trị, ít nhất 7 trường đại học Mỹ đã đóng cửa Viện Khổng Tử từ năm 2017. Gần đây nhất là Đại học Minnesota sau tuyên bố cắt đứt quan hệ với Huawei và Viện Khổng Tử  hồi tháng rồi. 

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, Đại học Stanford, Đại học California-Berkeley cùng hàng loạt cơ sở uy tín khác ở Mỹ đang âm thầm chấm dứt quan hệ với Huawei. Trong số 10 trường đại học Mỹ liên quan chương trình HIRP năm 2017, 7 cơ sở lớn gồm Yale, Harvard, Carnegie Mellon, Đại học Illinois, Đại học Chicago, Đại học California-Los Angeles, Viện Công nghệ Massachusetts không thông tin chi tiết về vai trò của họ hoặc các mối quan hệ với Huawei. Còn lại, Đại học Cornell, Stanford và Princeton hoặc đang xem xét lại các dự án, ban lệnh cấm đối với hỗ trợ từ Huawei hoặc “mạnh tay” hơn là ngừng hợp tác với hãng công nghệ này.

Theo các nhà phân tích, sự sự rút lui của hàng loạt trường đại học Mỹ gần đây cho thấy áp lực xung quanh Huawei đang âm thầm ảnh hưởng các tổ chức nghiên cứu khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục nỗ lực hạn chế quan hệ giữa hãng công nghệ Trung Quốc và giới hàn lâm trong nước.

Theo điều khoản ngân sách quốc phòng Mỹ mới đây, sẽ không có tổ chức nào nhận tài trợ từ Lầu Năm Góc được phép mở Viện Khổng Tử. Trong khi đó, một đạo luật bảo vệ các trường đại học kêu gọi thành lập lực lượng đặc nhiệm do Bộ Giáo dục Mỹ đứng đầu để giám sát sự tham gia của sinh viên nước ngoài trong những dự án nghiên cứu nhạy cảm do Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng hoặc tình báo Mỹ bảo trợ. Đặc biệt, sinh viên quốc tịch Trung Quốc không được truy cập mà không có sự cho phép của giám đốc tình báo quốc gia. Đạo luật còn đề xuất lập danh sách những thực thể nước ngoài có nguy cơ hoạt động gián điệp với quy định phải bao gồm Huawei.

 MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết