15/01/2012 - 20:56

Đặc sản Tết hút hàng

Gói bánh tét lá cẩm tại lò bánh Minh Tân.
Ảnh: N.HƯƠNG

Những ngày này, tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt), lò bánh tét Minh Tân (quận Cái Răng)... hối hả chuẩn bị hàng cung ứng cho kịp ngày Tết. Không chỉ có vậy những cửa hàng kinh doanh đặc sản miền Bắc cũng đang tấp nập kẻ mua người bán.

Đặc sắc đặc sản Cần Thơ

Từ giữa tháng 11 âm lịch, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt đã “vào mùa”, những ngày cận Tết này không khí càng khẩn trương. Ông Nguyễn Sỹ Dũng, chủ một lò bánh tráng ở đây, cho biết: “Nghề này ở đây đã có từ rất lâu, nhưng phát triển mạnh khoảng 10 năm nay. Bánh tráng Thuận Hưng không chỉ cung ứng thị trường tại chỗ mà còn có mặt hầu hết các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Do sức tiêu thụ đang tăng mạnh nên hầu hết các lò đều phải hoạt động hết công suất mới đủ hàng cung ứng”. Theo ông Dũng, mặt hàng cung ứng cho thị trường Tết chủ yếu là bánh tráng lạt, gia đình ông tráng mỗi ngày khoảng 100kg gạo, cung cấp ra thị trường 3-4 thiên bánh (tương đương 3.000-4.000 cái).

Năm nay, giá các loại nguyên liệu đầu vào tăng cao cùng với thời tiết bất thường gây khó khăn không ít cho các lò bánh tráng ở Thuận Hưng. Theo tính toán của chị Nguyễn Thị Thanh, năm ngoái giá gạo không biến động nhiều, giá trấu đốt khoảng 12.000 đồng/gánh, nay tăng gấp đôi lên 24.000 đồng/gánh. Vào mùa Tết, để đảm bảo nguồn hàng, chị huy động thành viên gia đình và phải mướn thêm 2 thợ tráng và phơi bánh, tiền công 80.000 đồng/ngày/người. Tuy nhiên, giá bán bánh chỉ tăng so với năm ngoái 2.000 đồng/kg, lên mức 28.000-30.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Thu Ba, chủ một lò bánh, cho biết: “Lượng đơn đặt hàng năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái. Mỗi ngày, từ 1 giờ sáng đã “đỏ lửa” tráng bánh đến tận 4-5 giờ chiều. Hàng làm ra bao nhiêu bạn hàng đến lấy hết. Đây là niềm vui lớn cho những người làm bánh”...

Với người dân Nam bộ, trong mâm cỗ ngày Tết, cùng với củ kiệu, thịt kho trứng, thì món bánh tráng, bánh tét được coi là những món ăn không thể thiếu. Chị Nguyễn Thị Minh Huyền, đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều, cho biết: “Ngày ngày Tết nhất định phải chuẩn bị tươm tất, có các món ăn truyền thống như bánh tét, củ kiệu, chả... Tôi thường đặt mua sẵn từ các lò bánh và cửa hàng, nhưng vẫn đầy đủ hương vị ngày Tết”... Bánh tét lá cẩm Minh Tân, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ (điểm bán lẻ tại số 44 Tân Trào, quận Ninh Kiều)- thương hiệu gia truyền hơn 100 năm nay được du khách chọn mua làm quà biếu mỗi khi đến TP Cần Thơ. Chị Nguyễn Thị Bình, chủ lò bánh, cho biết: “Hiện nay bánh tét lá cẩm Minh Tân đã có mặt ở các tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, nhiều người còn mua mang đi các tỉnh phía Bắc và ra nước ngoài. Bánh tét Minh Tân được “chế” thêm với màu nếp tím lá cẩm, nhân bánh với đậu xanh, thịt nạc, lạp xưởng, hột vịt muối... hòa quyện tạo một hương vị rất đặc trưng, khi cắt ra mỗi khoanh bánh có đủ màu sắc và sự vuông tròn của đất trời như lời mong ước may mắn trong năm mới”. Cũng như nhiều mặt hàng thực phẩm khác, do giá nguyên liệu đầu vào như thịt heo, lá chuối, đậu xanh, lạp xưởng... tăng mạnh nên so với ngày thường, giá bánh cũng tăng thêm khoảng 5.000 - 6.000 đồng/đòn, khoảng 75.000 - 80.000 đồng/đòn 800gram. Dịp Tết này, lò dự tính cung ứng ra thị trường khoảng 7.000 đòn bánh. Vào những ngày này khách còn có thể tìm mua đặc sản bánh tét Nam bộ tại hầu hết các khu chợ truyền thống.

Đa dạng đặc sản phương Bắc

Những ngày qua, hàng đặc sản miền Bắc cũng thu hút đông khách hàng đến mua sắm trong dịp Tết. Tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đặc sản phía Bắc trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, khu vực chợ An Hòa (đường Trần Việt Châu)... bày bán rất nhiều hàng đặc sản của các tỉnh, thành: Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn, Hà Nội, Thái Bình... với các món hàng như: nhang trầm, nhang quế giá trung bình 4.000 - 7.000 đồng/bó; trà Tân Cương Thái Nguyên 120.000 - 250.000 đồng/kg; nếp cái hoa vàng 30.000 đồng/kg; măng khô (lưỡi lợn, nứa, vầu) 200.000 - 400.000 đồng/kg; củ hành khô 30.000 -35.000 đồng/kg; bánh đậu xanh Hải Dương trên dưới 45.000 đồng/hộp; ngoài ra còn có nhiều loại rau, củ đặc sản khác như: su hào, bắp cải, khoai tây, lá dong, lạt giang, các loại ô mai Hà Nội (mơ, sấu, mận)... cũng được bày bán rất nhiều.

Ông Đặng Hùng Trường, chủ cửa kinh doanh đồ Bắc Trường Thạch, số 88A Xô Viết Nghệ Tĩnh, cho biết: “Không chỉ phục vụ cho những bà con miền Bắc, mà rất nhiều khách hàng đến đây mua là người dân địa phương. Những món hàng được ưa chuộng như rau củ tươi, trà Thái Nguyên, các loại mứt, bánh chưng, chả lụa...”. Ngoài các sản phẩm “tươi”, tại hầu hết các cửa hàng kinh doanh còn bán nhiều sản phẩm chế biến sẵn với đúng hương vị miền Bắc. Khách hàng có thể mua các loại như: bánh chưng khoảng 150.000 - 160.000 đồng/cặp (1,5kg/cái); dưa hành muối 30.000 đồng/hũ (350gram); chả lụa, chả bò 120.000 - 130.000 đồng/kg; ngoài ra còn có các mặt hàng như bánh lá gai, bánh cốm, bánh phu thê... Cũng như nhiều loại thực phẩm khác, hầu hết các mặt hàng đặc sản năm nay cũng điều chỉnh tăng khoảng 10-20%. Theo các cửa hàng kinh doanh, giá hàng ngày Tết tăng chủ yếu là bù đắp chi phí chuyên chở và thuê thêm nhân viên bán hàng, chứ giá hàng hóa không biến động nhiều.

KHÁNH NAM - TUYẾT TRINH

Gói bánh tét lá cẩm tại lò bánh Minh Tân. Ảnh: N.HƯƠNG

Chia sẻ bài viết