16/01/2015 - 19:46

Đặc sắc “The Grand Budapest Hotel”

Bộ phim “The Grand Budapest Hotel” (tựa Việt: “Khách sạn Đế Vương”) của đạo diễn Wes Anderson vừa được vinh danh tại Quả Cầu Vàng 2015 với hạng mục: “Phim hài/ nhạc kịch hay nhất”.

Phim phát sóng lúc 20 giờ, thứ bảy, ngày 17-1-2015 trên kênh Star Movies.

Đạo diễn Wes Anderson vốn nổi tiếng với những tác phẩm giàu màu sắc và thơ mộng. Với “The Grand Budapest Hotel”, ông có những thử nghiệm mới và đã gặt hái nhiều thành công, được giới chuyên môn và khán giả bình chọn là một trong những phim hay nhất năm 2014…

Phim lấy bối cảnh ở một đất nước hư cấu tên Zubrowka, nơi có khách sạn Grand Budapest lừng danh với qui mô đồ sộ và nét đẹp cổ kính, diễm lệ. Nhưng đến năm 1968, khách sạn chỉ còn là một “thiên đường” vắng khách. Đó cũng là lúc một nhà văn nổi tiếng gặp Zero Moustafa, ông chủ khách sạn, và được ông kể cho nghe chuyện quá khứ thăng trầm của khách sạn.

 Quản lý Gustave và Zero trong phim.

Năm 1932, Zero Moustafa mới chỉ là một lobby boy (nhân viên phục vụ tiền sảnh). Với sự chịu khó, thật thà và trung thành, Zero được ngài Gustave H, quản lý khách sạn chiếu cố và trở thành người thân cận của ông. Gustave H là một quản lý giỏi, tỉ mỉ, nghiêm khắc, rất được lòng khách hàng. Ngày kia, phu nhân Madame D – một người có mối thân tình lâu năm với Gustave - đột ngột qua đời. Trong di chúc, bà để lại bức tranh quí giá “Cậu bé và quả táo” cho Gustave và điều đó khiến con trai bà thù ghét, hãm hại ông bằng cách vu khống tội giết mẹ mình. Bị bắt giam, Gustave đã vượt ngục và cùng với Zero điều tra sự thật, minh oan cho mình và buộc tội người con trai mới chính là hung thủ. Bất ngờ là phu nhân Madame D đã để lại di chúc thứ 2, có hiệu lực khi bà bị sát hại. Theo di chúc, toàn bộ tài sản của bà, bao gồm cả khách sạn Grand Budapest đều để lại cho Gustave. Khi Gustave chết, Zero là người thừa kế…

So với những bộ phim trước, đạo diễn Wes Anderson đã khai thác chủ đề và thể loại mà ông chưa từng làm. Do đó, “The Grand Budapest Hotel” lạ từ nội dung đến kỹ thuật dựng phim.

Thay vì đi thẳng vào câu chuyện như thường lệ, đạo diễn lại kể bằng thủ pháp “truyện lồng trong truyện”. Không chỉ một, mà có đến ba câu chuyện được lồng vào nhau, như một tòa khách sạn nhiều tầng. Tương ứng với mỗi “tầng” là một khung hình khác biệt, đại diện cho một giai đoạn lịch sử nhất định. Từ khung hình chuẩn của hiện tại, theo từng mốc thời gian, khung hình bị thu nhỏ dần, cho đến phần về cuộc đời của Zero và Gustave thì được quay ở chế độ 4:3 – tỷ lệ chuẩn của các bộ phim câm trắng đen thời xưa. Bên cạnh đó, mạch phim được phân làm 4 phần rõ rệt theo kết cấu chương hồi càng tô đậm dấu ấn hoài cổ. Sự sáng tạo trong các góc quay cũng góp phần làm nên những thước phim độc đáo.

Phim lôi cuốn nhờ diễn biến nhanh, các tình tiết gãy gọn, nhiều kịch tính. Ngoài yếu tố hài hước, phim còn pha trộn cả thể loại tình cảm tâm lý lẫn trinh thám, hành động nên phong phú, sinh động.

Sau những giây phút phiêu lưu, vui buồn, người xem cảm nhận được mối quan hệ ấm áp, chân tình của hai nhân vật chính. Vì Gustave đối xử quá tốt với Zero, thậm chí hy sinh tính mạng để bảo vệ anh nên dù thời cuộc xoay chuyển ra sao, Zero vẫn cố giữ khách sạn đến cùng bởi đó là tâm huyết cả đời của Gustave.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết