23/05/2022 - 08:59

Đa dạng hình thức đưa pháp luật đến người dân 

Nhằm tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành tốt các quy định pháp luật trong  nhân dân, các địa phương ở quận Thốt Nốt đã tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến tận khu dân cư.

Bà Huỳnh Thị Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng (bên trái) thường xuyên lồng ghép các quy định pháp luật trong tuyên truyền công tác Hội.

Bà Huỳnh Thị Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng (bên trái) thường xuyên lồng ghép các quy định pháp luật trong tuyên truyền công tác Hội.

Nhiều năm gắn bó với công tác ở khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, bà Huỳnh Thị Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực đã khéo léo lồng ghép tuyên truyền quy định pháp luật đến hội viên. Nội dung tuyên truyền của bà ngắn gọn, súc tích, giúp chị em dễ tiếp thu và thực hiện. Bà Nguyễn Thị Hai, ở khu vực Tân Lợi 2, cho biết: “Bà Hiệp sống giản dị, chan hòa với bà con lối xóm. Đặc biệt, bà Hiệp nói chuyện rất có duyên. Mỗi khi bà tuyên truyền quy định pháp luật, tôi và bà con dễ tiếp thu, từ đó nâng cao hiểu biết về pháp luật”.

Các quy định pháp luật được bà Hiệp chọn tuyên truyền thường có liên quan đến đời sống hằng ngày, như: quy định về đăng ký kết hôn, khai sinh hay quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế... Bà thường nghiên cứu, cập nhật quy định pháp luật mới. Bà Hiệp bộc bạch: “Trước đây, tôi hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Mỗi khi muốn làm thủ tục nào cũng lo lắng, cứ ngại khó. Sau đó, tôi được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về quy định pháp luật do địa phương tổ chức nên dần dần biết nhiều hơn về các quy định pháp luật. Những gì hiểu biết được, tôi tuyên truyền cho người thân, bà con, hội viên phụ nữ”.   

Bà Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, cho biết: “Từ năm 2021 đến nay, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, UBND các phường và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận vẫn nỗ lực tuyên truyền, PBGDPL cho các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm, như: các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng; khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường; phòng, chống tác hại của rượu, bia; an toàn giao thông…". 

PBGDPL là khâu đầu tiên để đưa pháp luật vào cuộc sống. Do đó, quận Thốt Nốt rất quan tâm việc hoàn thiện các Hội đồng phối hợp PBGDPL và nâng cao chất lượng tuyên truyền viên, báo cáo viên. Hiện nay, trên địa bàn quận có 10 Hội đồng PBGDPL, với 203 thành viên, được thành lập ở quận và các phường. Quận còn có 35 báo cáo viên pháp luật cấp quận và 177 tuyên truyền viên pháp luật ở các phường; 11 đội tuyên truyền pháp luật ở trường học. Đây là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Năm 2021, toàn quận đã tổ chức tuyên truyền PBGDPL được 1.277 cuộc, trong đó, có 409 cuộc nội bộ, với 15.034 lượt người dự; 868 cuộc tuyên truyền ra dân, với 28.903 lượt người dự.

Phòng Tư pháp quận còn phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố và ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền pháp luật về đất đai, hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, giao thông... tại các phường. Ông Huỳnh Văn Tâm ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Tôi đã nhiều lần tham gia buổi tuyên truyền PBGDPL do địa phương tổ chức. Qua đây, tôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Đơn giản như đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm; việc bạo hành, gây thương tích cho vợ con hay bất cứ ai đều là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, các buổi tuyên truyền pháp luật còn giúp bản thân tôi hiểu rõ hơn các chính sách của Nhà nước”. 

Quận Thốt Nốt còn chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình câu lạc bộ pháp luật. Một số mô hình tiêu biểu: Phụ nữ với pháp luật; Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; Không sinh con thứ ba... Bà Phạm Thu Hương cho biết: “Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân trên địa bàn được các địa phương và ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả, nội dung tuyên truyền rất phong phú và đa dạng. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho bà con”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết