21/04/2020 - 09:39

Đa dạng hình thức dạy học 

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chưa xác định ngày học sinh trở lại trường. Vì thế, nhiều trường trung học trên địa bàn TP Cần Thơ đã nỗ lực đa dạng hình thức dạy học cho học sinh các cấp học, nhất là cuối cấp, giúp các em chuẩn bị tâm thế tốt khi trở lại trường.

Em Lê Thị Bảo Nghi đang học qua truyền hình.

Đúng 9 giờ sáng 17-4, em Lê Thị Bảo Nghi, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Lê Bình (quận Cái Răng) đã ngồi ngay ngắn trước tivi tham gia tiết học môn Ngữ văn, bài nghị luận về một bài thơ/đoạn thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Tiết học do cô Hồ Nguyễn Tuyết Hằng, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Ninh Kiều) phụ trách giảng dạy, được phát trên kênh của Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ. Tuy giờ học phát trên sóng truyền hình, nhưng nội dung bài học được cô Hằng diễn giải súc tích, dễ hiễu. Bảo Nghi cho biết: “Em thích tham gia tiết học trên đài, vì thầy cô chủ yếu hệ thống lại kiến thức, giúp em không quên bài đã học. Chỗ nào không rõ, em sẽ ghi vào tập, sau đó xem lại bài giảng trên mạng internet”.

Hơn một tháng nay, trừ ngày Chủ nhật, các ngày còn lại trong tuần, Nghi đều tranh thủ thời gian để xem chương trình học 3 môn (Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh) qua truyền hình. Ngoài ra, em còn tham gia tiết học theo thời khóa biểu ở trường qua hình thức trực tuyến, tham khảo bài tập trên mạng… Bảo Nghi bộc bạch: “Năm học 2020-2021, em định thi vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Việt Dũng. Em cũng hơi lo nên cố gắng học để ứng thí tốt kỳ thi sắp tới”.

Em Nguyễn Hồ Phương Hà, học sinh lớp 9A2, Trường THCS An Thới (quận Bình Thủy) lại chịu khó tìm tài liệu, đề thi trên các website học thuật chính thống. Sau giờ học trực tuyến, Phương Hà thường tra cứu, tải bài tập trên mạng internet để giải thêm. Những câu hỏi khó, em cố gắng tự tìm cách giải hoặc hỏi bạn, hỏi thầy cô qua mạng xã hội. Hôm chúng tôi đến nhà Phương Hà (đường Đồng Văn Cống, quận Bình Thủy), em đang tự giải bài tập môn Vật Lý. Phương Hà cho biết: “Trong thời gian nghỉ học, thầy cô gửi bài tập, bài học đến học sinh. Em tham khảo thêm sách, tải đề thi năm trước trên mạng để giải, củng cố kiến thức cho kỳ thi lớp 10 năm học 2020-2021”.

Em Nguyễn Hồ Phương Hà thường tự học ở nhà cùng mẹ.

Trong khi đó, học sinh khối lớp 12 đang trong tâm thế học tập để chuẩn bị cho việc quan trọng, đó là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Em Nguyễn Thị Hồng Đào, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Đại Nghĩa, luôn sắp xếp thời khóa biểu phù hợp, để tham gia đủ tiết học chính khóa của trường, vừa dành thời gian tự học. Theo Hồng Đào, tự tìm tòi bài học, giải thêm bài tập giúp rèn kỹ năng học, làm bài và bổ trợ kiến thức. Còn Võ Văn Hiền, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết: “Hiện em học theo thời khóa biểu online của trường. Trưa, em nghỉ ngơi đến 14 giờ rồi tiếp tục học, viết bài đầy đủ. Tối, em giải thêm bài tập các môn học để củng cố kiến thức”. Học lực thuộc loại Khá nhưng Hiền không chủ quan: thường xuyên củng cố kiến thức qua sách, internet; nhất là môn Ngữ văn, em tìm đọc tác phẩm văn học để rèn kỹ năng làm bài.

***

Tiếp sức cho các em, Ban Giám hiệu, thầy cô giáo ở các trường cũng nỗ lực đa dạng các hình thức dạy học. Đơn cử ở Trường THCS Lê Bình, tất cả 79 cán bộ, giáo viên đã tham gia quản lý, giảng dạy qua hình thức trực tuyến; khoảng 70% học sinh tham gia lớp học trực tuyến. Cô Nguyễn Thị Tuyết Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A3 của trường, nói: “Những em chưa có điều kiện tham gia lớp học trực tuyến, tôi cùng ban cán sự lớp tìm cách gửi bài học cho các em qua zalo, facebook để không bỏ lỡ bài học”. Thầy Phạm Văn Bé, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Bình, cho biết: “Đối với học sinh lớp 9, trường bố trí thời khóa biểu phù hợp, tránh khung giờ học phát sóng trên kênh truyền hình Cần Thơ, kênh VTV7. Điều này giúp các em xem đầy đủ tiết dạy, ôn lại kiến thức môn học, chuẩn bị tâm thế tốt khi dự tuyển lớp 10”. Theo Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Thới Nguyễn Thị Nga, sau 3 tuần triển khai dạy trực tuyến, nhà trường chọn phần mềm Google Classroom để tổ chức dạy học vì phù hợp với học sinh. Cô Nga chia sẻ: “Do điều kiện riêng nên một số học sinh không tham gia đầy đủ lớp học online, trường sẽ tổ chức phụ đạo ôn tập lại, đảm bảo đầy đủ kiến thức để học sinh học tốt khi trở về trường”. Một số trường THPT khác như trường Trần Đại Nghĩa, ngoài sử dụng phần mềm học tập, giáo viên quay video bài giảng đưa lên website của trường để học sinh tham khảo trước, dễ học, thảo luận với giáo viên...

Toàn thành phố hiện có 278 trường từ tiểu học đến THPT, với 194.000 học sinh. Từ đầu tháng 3-2020 đến nay, tất cả các trường đều tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh bằng nhiều hình thức dạy học phù hợp, dạy học sinh kiến thức mới, ôn lại kiến thức cũ. Việc đa dạng hóa hình thức dạy học, nhất là dạy trực tuyến, qua truyền hình được xem là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Quan trọng hơn còn giúp học sinh nói chung, học sinh cuối cấp nói riêng được thụ hưởng kiến thức bổ ích, thiết thực, chuẩn bị tốt tâm và thế khi trở lại trường.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết