03/07/2015 - 20:04

Đa dạng các mô hình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Thời gian qua, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn TP Cần Thơ đã mang lại nhiều hiệu quả. Các cơ quan ban ngành, đoàn thể và các cấp thực hiện công tác PBGDPL bằng nhiều hình thức phong phú, từng địa phương có mô hình, cách làm hay. Vừa qua, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Cần Thơ đã tổ chức buổi tọa đàm "giải pháp đổi mới, đa dạng hóa các mô hình PBGDPL" nhằm để các đơn vị có mô hình tuyên truyền PBGDPL hay chia sẻ kinh nghiệm cũng như những khó khăn còn gặp phải để mô hình tiếp tục phát huy nhân rộng.

Theo Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố, công tác PBGDPL hiện nay được các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện. 6 tháng năm 2015, thông qua hình thức tuyên truyền miệng, các cơ quan, địa phương đã tổ chức tuyên truyền được 3.214 cuộc với 121.342 lượt người tham dự. Việc tuyên truyền thông qua câu lạc bộ pháp luật, sinh hoạt chuyên đề đã tổ chức 628 cuộc, thu hút 618.000 lượt người tham dự; còn hoạt động "Ngày pháp luật nước công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trong năm 2014 đã PBGDPL được 1.154 cuộc với 48.049 lượt người dự.

 Người dân đọc sách tại “Quán cà phê pháp luật” trên địa bàn huyện Cờ Đỏ.

Để công tác PBGDPL được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, Hội đồng đã tạo nhiều thuận lợi trong cơ chế phối hợp PBGDPL giữa các sở ngành liên quan, xây dựng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên. Tính đến nay toàn thành phố có 129 báo cáo viên cấp thành phố, 247 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.207 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ này đã giúp công tác PBGDPL ngày càng mang lại hiệu quả. Bà Huỳnh Thái Như Ngọc, Trưởng phòng PBGDPL Sở Tư pháp, cho biết: "Nhiều năm nay, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL, đã phối hợp với cơ quan truyền thông thực hiện chuyên trang PBGDPL, xây dựng chương trình "gặp gỡ và đối thoại" để giải đáp những thắc mắc, những vấn đề bức xúc của tổ chức, cá nhân xoay quanh các lĩnh vực pháp luật. Đồng thời, hoạt động PBGDPL còn được thực hiện thông qua hình thức panô, áp phích, băng rôn đã được các Sở, ban ngành, quận, huyện thực hiện tốt trong các đợt cao điểm tuyên truyền theo chủ đề, đặc biệt là các hội thi, hội diễn, văn nghệ quần chúng đã thu hút đông đảo người xem".

Tại buổi tọa đàm, nhiều mô hình pháp luật đã được đưa ra để trao đổi, chia sẻ. Điển hình như mô hình "Quán cà phê pháp luật" của huyện Cờ Đỏ, được triển khai trong nhiều năm, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân ở nông thôn. Ông Nguyễn Văn Bá, Trưởng phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ, nói: "Địa phương luôn xem việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng. Qua thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền thì địa phương nhận thấy việc tuyên truyền bằng mô hình "Quán cà phê pháp luật" mang lại hiệu quả cao nhất. Mô hình này, địa phương xây dựng từ năm 2011 với khởi điểm là 8 quán, với kinh phí đầu tư khoảng 600.000 đồng/quán. Đến nay, địa phương đã nhân rộng được 82 quán/79 ấp và kinh phí cũng nâng lên 900.000 đồng/quán. Đồng thời, để các quán hoạt động tốt, hàng năm UBND huyện cấp thêm cho mỗi quán 500.000 đồng để trang bị thêm sách pháp luật. Và phòng Tư pháp còn phối hợp với Chi nhánh trợ giúp pháp lý và câu lạc bộ trợ giúp pháp lý sinh hoạt định kỳ hàng tháng tại quán cà phê pháp luật để tạo điều kiện cho chủ quán bán nước có thêm thu nhập. Các buổi sinh hoạt tại quán cà phê người dân tham gia rất đông, họ trình bày các vấn đề liên quan đến pháp luật đang thắc mắc, cần tìm hiểu để được hướng dẫn, giải đáp. Tính bình quân mỗi ngày tại một quán có 4 người mượn, đọc sách thì mỗi năm địa phương đã có hơn 118 ngàn người tìm hiểu pháp luật".

Đại tá Lê Văn Chì, Trưởng phòng pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Công an TP Cần Thơ, chia sẻ: "3 năm qua, mô hình giáo dục ý thức công dân "Khi tôi 18" được công an thành phố thực hiện đã góp phần kéo giảm tỷ lệ các vụ vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên. Nếu như trong năm 2011 toàn thành phố xảy ra 134 vụ, 134 đối tượng học sinh sinh viên vi phạm pháp luật thì đến năm 2013 giảm còn 77 vụ, 94 đối tượng và năm 2014 chỉ còn 58 vụ, 81 đối tượng. Trong 3 năm, chúng tôi đã thực hiện được 6 chương trình giao lưu "Khi tôi 18" và sinh hoạt ngày pháp luật tại các trường THPT, cao đẳng, đại học. Nội dung của chương trình thường xuyên thay đổi để phù hợp với từng đối tượng và lồng ghép hình thức sân khấu hóa. Từ đó tạo được không khí sôi nổi, thu hút các em tham gia đặt câu hỏi cho các diễn giả trả lời. Mục đích mà mô hình này hướng đến chính là nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân các em học sinh, sinh viên khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời với những trách nhiệm và khó khăn trước mắt của một công dân". Ngoài hai mô hình trên thì còn nhiều mô hình khác đem lại hiệu quả tuyên truyền pháp luật cho người dân, được các đại biểu chia sẻ như: mô hình sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật trên địa bàn quận Cái Răng; mô hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư của Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố. Tuy nhiên, công tác PBGDPL cũng còn gặp những khó khăn như: đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra; địa điểm tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật còn chật hẹp; kinh phí sử dụng cho công tác PBGDPL còn hạn chế...

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh, sắp tới thành phố sẽ có giải pháp nhân rộng những mô hình PBGDPL có hiệu quả để đưa pháp luật đến người dân, cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước về PBGDPL. Tuy nhiên, để làm tốt công tác PBGDPL thì lực lượng đảm nhiệm công tác này phải nắm rõ Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí Thư trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân về Luật PBGDPL để vừa làm tốt tuyên truyền pháp luật, vừa kịp thời tham mưu cho lãnh đạo trong ban hành các văn bản về PBGDPL. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng, nội dung tuyên truyền phải cô đọng, súc tích, các điều luật gần gũi với đời sống người dân; tiếp tục phát huy các mô hình PBGDPL có hiệu quả...

Bài,ảnh: Phi Yến

Chia sẻ bài viết