09/06/2010 - 22:11

Cứu lấy thương hiệu bưởi Năm Roi

Nhiều người cảnh báo nguy cơ thương hiệu bưởi Năm Roi (Bình Minh, Vĩnh Long) bị đánh mất khi xảy ra những “bất đồng” giữa nhà vườn, doanh nghiệp và hợp tác xã... Rồi nhà vườn hiện không còn mặn mà với ứng dụng qui trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên vườn bưởi của mình. Nguy cơ mai một của một thương hiệu sau nhiều năm xây dựng và phát triển đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành chức năng, nhà vườn; đồng thời là bài học đắt giá cho việc xây dựng thương hiệu nông sản sau này.

NHÀ VƯỜN HỜI HỢT VỚI GlobalGAP

Nói đến quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhiều nhà vườn trồng bưởi Năm Roi ở Bình Minh-Vĩnh Long tỏ ra không mấy mặn mà sau nhiều năm thực hiện. Một lý do đơn giản, quy trình này tốn nhiều công sức nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, do thị trường vẫn đánh đồng giá bưởi thường với bưởi sản xuất theo quy trình GlobalGAP. Hiện nay, nhiều xã viên Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa lần lượt xin không tham gia quy trình GlobalGAP nữa.

Xử lý bưởi Năm Roi tại Mỹ Hòa để cung cấp cho siêu thị và xuất khẩu. 

Cuối năm 2007, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam đã tài trợ cho 26 hộ ở xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh) thực hiện qui trình GlobalGAP trên 23,5 ha bưởi Năm Roi. Đến ngày 18-11-2008, các hộ này được tổ chức SGS New Zealand Limited cấp Quyết định số NZ082242 chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy trình GlobalGAP, nhưng sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ nội địa qua hệ thống siêu thị này. Năm 2009, các hộ này cung cấp khoảng 600 tấn bưởi GlobalGAP cho thị trường, chỉ bằng 1,38% sản lượng bưởi ở xã Mỹ Hòa. Cũng trong năm 2009, Công ty TNHH The Fruit Republic tài trợ thực hiện quy trình này trên diện tích 18 ha (tại 18 hộ ở Mỹ Hòa). Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Bình Minh, đến tháng 6-2010, chỉ còn 33 hộ ở xã Mỹ Hòa thực hiện sản xuất bưởi Năm Roi theo quy trình này với diện tích 30,4 ha, tức chưa bằng 3% diện tích bưởi của xã. Trong đó, chỉ 15 xã viên Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa tham gia với diện tích 12,44 ha.

Ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, cho biết: “HTX không có kinh phí để tái công nhận GlobalGAP, nên đã phải xin gia hạn thêm 6 tháng, rồi gia hạn thêm 3 tháng nữa, đến nay, thời hạn trên đã gần hết. Chi phí để tái công nhận cho các hộ trong HTX khoảng 7.700 USD là một khoản tiền lớn... Nếu không kịp thời tái xác nhận, các công đoạn này lại phải làm lại từ đầu rất tốn kém”. Huyện Bình Minh hiện có 2.033 ha trồng bưởi Năm Roi; trong đó, khoảng 1.870 ha đang cho trái, sản lượng khoảng 2-2,5 tấn/ha/năm. Riêng xã Mỹ Hòa là địa phương có diện tích bưởi Năm Roi lớn nhất huyện, với 1.240 ha; trong đó, 1.225 ha đang cho trái; kế đến là xã Đông Thành 412 ha, xã Thuận An 201 ha.

Tuy nhiên, trước sức ép đô thị hóa và sự chuyển đổi cây trồng, diện tích bưởi Năm Roi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong một thời gian dài, nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ xóa sổ loại trái cây này. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã nhanh chóng vào cuộc và chỉ đạo bảo vệ vùng nguyên liệu này kết hợp nâng cao chất lượng trái, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ thị trường cao cấp, xuất khẩu. Các chuyên gia đánh giá rất cao tiềm năng của loại bưởi này... Song, hiện tại, qui trình sản xuất khắt khe trong khi giá cả thị trường được đánh đồng với bưởi sản xuất truyền thống làm nhà vườn ngán ngại và không còn mặn mà với GlobalGAP. Quy trình quản lý, điều hành HTX của Ban chủ nhiệm cũng chưa thực sự phù hợp và chưa gắn kết được quyền lợi của các xã viên với HTX.

GIỮ THƯƠNG HIỆU - CÁCH NÀO?

Là trái cây đặc sản được ưa chuộng nhưng phần lớn nhà vườn vẫn còn thói quen mua bán với thương lái chứ không muốn làm ăn với HTX, công ty. Ông Nguyễn Văn Nhị, một hộ trồng bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, cho biết: “Đến mùa thu hoạch, thương lái vô tận vườn và ra giá bao nguyên vườn. Nông dân bán được hết trái cây, lấy tiền liền. Trong khi đó, bán bưởi cho HTX hoặc công ty phải chở tới nơi và bị phân loại trái. Nhiều trường hợp ép loại I xuống loại II. Thu mua kiểu này, bưởi dạt không biết bán cho ai? Đã vậy, nhà vườn còn bị nợ tiền kéo dài”. Bán cho thương lái không cần tuân theo bất cứ tiêu chuẩn nào, thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Vì thế, nhà vườn vẫn chuộng cách làm ăn này. Nhiều lúc thị trường hút hàng, nhất là lúc vào dịp lễ, Tết..., thương lái bất chấp, hái trái non miễn là trái to, cuống dài... để bán. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bưởi Năm Roi trên thị trường.

Trong khi đó, HTX lại không đủ năng lực hoạt động, nhất là về vốn. Ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX, cho biết: “Rất nhiều công ty đặt hàng với số lượng lớn, nhưng không ứng vốn, nên HTX không tổ chức thu mua được vì năng lực tài chính có hạn. Trước đây, một công ty ở Lâm Đồng đặt hàng 1.000 tấn bưởi sơ chế trong vòng 3 tháng, nhưng nợ kéo dài 3-6 tháng thì HTX không có vốn ứng trước để thu mua. Hơn nữa, muốn xuất khẩu được, bưởi Năm Roi phải đạt chuẩn GlobalGAP, mà giá cả thị trường không cao, HTX rất khó vận động xã viên ứng dụng quy trình này”. Còn HTX bưởi Năm Roi Đông Thành dù đã được một công ty đầu tư hệ thống kho lạnh, nhưng cũng đang vào tình trạng thiếu vốn, không đủ năng lực thu mua. Trong khi đó, Công ty TNHH The Fruit Republic đặt trạm thu mua tại vùng nguyên liệu này với kế hoạch xuất khẩu khoảng 17 container, sản lượng 1.700 tấn trong năm 2010. Công ty này cam kết thu mua với giá cao hơn thị trường và mua trực tiếp trong dân chứ không thông qua HTX. Vì thế, việc sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi bị manh mún, không đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Trong buổi làm việc với nông dân và chính quyền huyện Bình Minh vào ngày 2-6-2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trương Văn Sáu, tỏ ra lo lắng với phương thức sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi hiện nay. Ông Trương Văn Sáu cho biết: “Rõ ràng thời gian qua, HTX và doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến lợi ích của nhà vườn. Điều đó dễ thấy khi chưa ai quan tâm đến nâng cao chất lượng, ứng dụng các quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... mà chỉ tranh mua- tranh bán”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trương Văn Sáu cho rằng, đã đến lúc HTX, doanh nghiệp và nhà vườn phải liên kết lại, đổi mới phương thức làm ăn để sản xuất ra sản lượng lớn, an toàn. Đồng thời, công khai giá mua, bán để tạo lòng tin cho nhà vườn. Phải duy trì qui trình sản xuất GlobalGAP và phát triển trên toàn bộ diện tích bưởi Năm Roi ở huyện Bình Minh. UBND tỉnh Vĩnh Long sẽ hỗ trợ 50% kinh phí để tái công nhận GlobalGAP. Đây là tín hiệu tích cực để cứu lấy thương hiệu nông sản mà các ngành chức năng, nhà vườn đã dày công xây dựng. Hy vọng cũng là bài học đắt giá trong quá trình triển khai, thực hiện cho một số loại nông sản khác.

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết