11/06/2024 - 21:19

Cứu kịp bệnh nhi ở Bạc Liêu bị đuối nước 

(CTO) - Bé T.T.T (14 tuổi, ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đi tắm ao bị vọp bẻ không bơi được, chìm xuống nước. Khi được vớt lên bờ, bé T đã bất tỉnh, được sơ cấp cứu tại chỗ, rồi đưa đến cơ sở y tế địa phương sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.

Bác sĩ xem xét hình ảnh X-quang phổi của bệnh nhi. Ảnh: BV.

Qua kết quả X-quang phổi, các bác sĩ ghi nhận phổi có hình thâm nhiễm đáy phổi 2 bên. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi viêm phổi do ngạt nước, chỉ định cho bệnh nhi thở oxy. Sau 36 giờ, bé hết thở mệt, không còn đau ngực, chỉ số SpO2= 98% và được ngưng thở oxy.

Sau điều trị 5 ngày, bệnh nhi tiến triển tốt, không sốt, không thở mệt, không đau ngực, ăn uống tốt. Bé được chụp X-quang ngực lần 2: Kết quả hình ảnh thâm nhiễm đáy phổi đã hết.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi trước khi xuất viện.

Theo BS CKII Phạm Nguyễn Yến Trang, Phó trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, khi phát hiện trẻ bị đuối nước, chúng ta cần phải bình tĩnh, hô to tìm người trợ giúp, đồng thời tìm bất cứ vật gì như phao, cây xào… thả xuống nhằm giúp trẻ bám vào đó để không bị chìm xuống nước. Khi vớt trẻ lên khỏi mặt nước, chúng ta phải tiến hành sơ cứu ngay và nhờ người gọi báo đến cơ sở y tế gần nhất đến hỗ trợ. Thời gian trẻ chìm trong nước càng lâu thì tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh càng cao. Tùy thuộc vào môi trường nước, trẻ bị ngạt có thể bị biến chứng viêm phổi. Nguồn nước càng bẩn tỷ lệ viêm phổi càng cao, có thể dẫn đến viêm phổi nặng, tử vong.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ bị đuối nước. Để phòng chống đuối nước, hãy tuân thủ những nguyên tắc sau: Tuyệt đối không rời mắt khỏi trẻ em ở những nơi gần sông nước. Hãy bơi cùng với một người khác hoặc bơi gần nơi có cứu hộ. Không uống đồ có cồn trước khi bơi. Khi di chuyển bằng các phương tiện trên mặt nước, hãy mặc áo phao.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết