28/04/2009 - 08:59

Cướp biển Somalie - cuộc chiến đến bao giờ?

Một toán cướp biển ở ngoài khơi thị trấn Eyl. Ảnh: linktv.org

Bất chấp sự hiện diện dày đặc của tàu chiến nhiều nước, hải tặc hoạt động ở ngoài khơi bờ biển Somalie và Vịnh Aden những ngày qua vẫn tiếp tục thách thức thế giới với số vụ tấn công gia tăng từng ngày. Theo báo cáo công bố hôm 21-4 của Trung tâm Báo cáo Hải tặc thuộc Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMB), trong 3 tháng đầu năm nay trên thế giới xảy ra tổng cộng 102 vụ cướp biển, tăng hơn 50% so với quí 1-2008 và 20% so với 3 tháng cuối năm ngoái. Trong đó, có 61 vụ (60%) do hải tặc ở Somalie ra tay - tăng gấp 10 lần cùng kỳ năm trước (6 vụ). Cũng như cuộc chiến chống khủng bố, cuộc đối đầu với hải tặc ở ngoài khơi Somalie đang rất nóng bỏng khi mà chúng tỏ ra không hề suy suyển mà còn trở nên táo tợn hơn sau nhiều phen hao binh tổn tướng.

Kỳ 1: Có một “thủ đô” hải tặc ở Somalie

Nằm ở vị trí địa chiến lược - dọc bờ biển Ấn Độ Dương, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới, thị trấn cảng Eyl ở phía Bắc Somalie gần đây được mệnh danh là “tổng hành dinh” của phần đông cướp biểp ở Somalie.

Tọa lạc dưới chân rặng núi hướng ra Ấn Độ Dương, thị trấn nhỏ Eyl nằm cách Garowe, thủ phủ của tỉnh bán tự trị Puntland, khoảng 240 km. Đường từ Garowe đến Eyl khá trắc trở, chỉ có 80 km đường nhựa và phải đi qua sa mạc hiểm nguy luôn rình rập và nóng như thiêu như đốt. Vài năm trước, cuộc sống ở Eyl cũng nghèo khó như phần còn lại của đất nước Somalie với gần một nửa dân số sống nhờ vào nguồn cứu trợ của quốc tế và tuổi thọ trung bình 46. Nhưng hai năm qua, những mái nhà tranh lợp thiếc dần được thay bằng biệt thự, nhà hàng và khách sạn sang trọng. Nhiều ngư dân một thời đánh bắt không đủ ăn nay ra đường lái Land Cruiser, Mercedes-Benz, xài toàn hàng hiệu, tay xách laptop, liên lạc và giải trí bằng điện thoại, truyền hình vệ tinh...

Thị trấn vỏn vẹn 19.000 dân này phất lên là nhờ nhiều người dân theo nghề cướp bóc trên biển “ăn nên làm ra”. Nói cách khác, chính nghề cướp biển đã thổi luồng sinh khí mới vào thị trấn Eyl, nơi thanh niên thất nghiệp đầy đường và ngư dân không có lấy một phương tiện giải trí công cộng sau những giờ đánh bắt trên biển. Theo IMB, sở dĩ hải tặc Somalie ngày càng lộng hành là do chúng khai thác triệt để lợi thế địa chiến lược của Eyl. Hơn 30% sản lượng dầu mỏ khai thác trên thế giới được vận chuyển qua Vịnh Eden nhỏ hẹp ở ngoài khơi bờ biển Eyl. Đó là chưa kể 20.000 tàu chở hàng đi và đến kênh đào Suez đều phải quá cảnh qua khu vực này. Ngoài ra, tình trạng không pháp luật, kỷ cương ở toàn vùng Puntland nói riêng và của đất nước Somalie nói chung (từ năm 1991 tới nay, Somalie trải qua 14 đời chính phủ lâm thời mà chưa hề có chính phủ chính thức) cũng là nguyên nhân khiến lực lượng cướp giật trên biển “coi trời bằng vung”.

Nhờ biết cách “làm ăn” trên một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới nên cướp biển Eyl đã trở thành những người giàu có bậc nhất ở Somalie. Nhiều người dân nơi đây xem cướp biển là sự lựa chọn nghề nghiệp duy nhất. Trong khi thu nhập trung bình của một gia đình ở Somalie chưa tới 1 USD/ngày, đội quân cướp biển và bắt cóc đòi tiền chuộc tại Eyl năm 2008 bỏ túi 50 triệu USD (có nguồn tin cho biết tới 125 triệu USD) - hơn gấp 2 lần nguồn thu ngân sách của toàn tỉnh Puntland. Với điều kiện tài chính dư dả như vậy nên hải tặc Somalie không khó hiện đại hóa vũ khí và phương tiện phục vụ “sự nghiệp” cướp giật.

Trước giờ, hầu hết tàu thuyền qua lại ngoài khơi bờ biển Somalie đều không trang bị vũ khí hoặc nếu có thì cũng là những loại nhỏ, đơn giản. Khi đối mặt với bọn cướp lăm lăm vũ khí hạng nặng, hầu hết thuyền trưởng đều phất cờ trắng đầu hàng hòng bảo toàn tính mạng của thủy thủ đoàn cũng như hàng hóa trên tàu. Cướp biển Somalie thường ra tay vào ban đêm trên những chiếc thuyền cao tốc không mở đèn. Toán đầu tiên tiếp cận tàu thường khoảng 7 tới 10 tên. Một khi khống chế được những người trên tàu, bọn chúng điều thêm khoảng 50 tên canh giữ tàu và con tin, trong khi 50 tên khác thì trực chiến ở bờ biển để sẵn sàng tiếp ứng.

Ngoài đội quân trực tiếp tham gia đánh cướp, ngành công nghiệp hải tặc ở Eyl có lực lượng hậu cần qui mô, qui tụ đủ mọi thành phần, từ đội quân chăm sóc con tin, nhóm thương lượng tiền chuộc, y tá, vệ sĩ, gái mại dâm, lực lượng sản xuất và cung ứng thuốc phiện cho các bố già hải tặc... Thị trấn Eyl còn nổi tiếng với nhiều nhà hàng đặc sản phục vụ thủy thủ đoàn của những con tàu bị cướp. Do chỉ muốn có tiền chuộc nên cướp biển luôn chăm sóc chu đáo bữa ăn và giấc ngủ của các con tin (hiện còn khoảng 220 con tin đang bị cầm giữ ở Eyl). Hải tặc vì thế đã trở thành “xương sống” của nền kinh tế không những của Eyl mà cả vùng Puntland.

VIỆT QUỐC
(Theo Flcourier, ICC-CCS.org, BBC)

(Kỳ tới: Con đường trở thành hải tặc)

Với mức tiền chuộc dao động từ 300.000 -1,5 triệu USD, cả hải tặc lẫn các chủ tàu và hãng bảo hiểm đều dư biết rằng trả tiền chuộc là sự lựa chọn “tối ưu” so với việc bỏ ra tiền để đóng mới tàu. Đó là chưa kể lượng hàng hóa trên tàu thường trị giá gấp hàng chục lần so với khoản tiền chuộc. Do hải tặc ngày càng làm mưa làm gió nên 1 năm trở lại đây, các hãng bảo hiểm đã nâng mức bảo hiểm cho tàu thuyền qua lại Vịnh Eden và Ấn Độ Dương lên gấp 10 lần so với trước. 


Một toán cướp biển ở ngoài khơi thị trấn Eyl. Ảnh: linktv.org

Chia sẻ bài viết