Thời của điện thoại giá rẻ 17x
Kể từ tháng 10-2001, Viettel khởi đầu với việc cung cấp dịch vụ VoIP 179, gọi liên tỉnh và quốc tế giá rẻ. Theo sau đó là hàng loạt các đại gia viễn thông khác cũng nhanh chóng đưa ra dịch vụ với nhiều chính sách và quy mô triển khai rầm rộ hòng giành lấy thị phần: VNPT với lợi thế cạnh tranh của mạng lưới dịch vụ VoIP 171 rộng khắp 64 tỉnh thành trên cả nước, SPT với chiêu thức cạnh tranh về chất lượng dịch vụ cũng nhanh chóng cho ra đời dịch vụ 177, tiếp bước là EVN, VTC, Vishipel, FPT... cũng góp mặt anh hào. Tất cả tạo nên một cuộc cạnh tranh điện thoại giá rẻ chưa từng có, mà người hưởng lợi cuối cùng là các cá nhân và doanh nghiệp.
Song song với việc phát triển các dịch vụ VoIP, cuộc chiến giữa các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại Internet cũng không kém phần sôi động. Từ 1-7-2003, Bộ Bưu chính Viễn thông (MPT) cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet Phone (điện thoại Internet) dưới 2 hình thức PC to PC (từ máy tính tới máy tính) trong nước, quốc tế và từ PC to Phone (máy tính tới điện thoại) chiều đi quốc tế, lập tức hàng loạt các doanh nghiệp nhảy vào thị trường béo bở này. Cho đến thời điểm hiện tại, có hơn 20 loại thẻ gọi quốc tế khác nhau trên thị trường của gần 15 nhà cung cấp dịch vụ OSP với giá cước gọi quốc tế rẻ chưa từng có: chỉ khoảng 300 đồng/phút đi Mỹ và chất lượng cũng ngày được nâng cao. Hậu quả là doanh thu cước gọi quốc tế bằng IDD (gọi trực tiếp) của các đại gia viễn thông giảm đáng kể, còn người dùng thì tha hồ “tám” với người thân, bạn bè... của mình ở cách xa nửa vòng trái đất.
Điện thoại IP: cuộc cạnh tranh mới
Cùng với sự phát triển của dịch vụ Internet băng rộng ADSL, các dịch vụ triển khai trên nền tảng giao thức IP cũng sẽ phát triển theo, trong đó dịch vụ điện thoại IP sẽ sớm ra mắt để phục vụ các thượng đế. Và chắc rằng, đây sẽ là cuộc chiến mới của các đại gia viễn thông trong nay mai.
Khai hỏa cho cuộc chiến này có lẽ là VTC (Tổng công ty truyền thông đa phương tiện) một đại gia mới toanh trong ngành viễn thông, mới được Bộ Bưu chính Viễn thông (MPT) cấp phép dịch vụ viễn thông IP vào tháng 2-2007. Hiện tại, VTC đã được MPT cấp đầu số cố định 45xxxxx và đang gấp rút triển khai dịch vụ này cho 17 tỉnh thành trong cả nước. Phương án giá cước mới của VTC đưa ra sẽ là giảm từ 20-50% so với điện thoại truyền thống. Rất thích hợp cho các doanh nghiệp có nhu cầu gọi điện thoại quốc tế hoặc có văn phòng chi nhánh thường xuyên liên lạc với nhau.
Trong khi đó, VNPT đang hoàn thiện hệ thống mạng thế hệ mới (Next Generation Network - NGN ) trên nền tảng công nghệ IP/MPLS,với tổng giá trị đầu tư hơn 1 tỉ USD. Hệ thống mạng này cho phép họ triển khai các dịch vụ đa dạng với giá thành thấp, giảm thiểu thời gian đưa dịch vụ mới ra thị trường; nâng cao hiệu suất sử dụng truyền dẫn. Đồng thời, mạng NGN cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường khả năng kiểm soát, bảo mật thông tin của khách hàng. Bước tiếp theo là VNPT sẽ đầu tư các tổng đài SIP, theo dự kiến sẽ chính thức cung cấp điện thoại IP vào quý I-2009.
Các đại gia khác như FPT Telecom, EVN và Viettel... cũng không muốn “lỡ chuyến đò” điện thoại IP, họ đã có bước chuẩn bị về giấy phép, cơ sở hạ tầng... để sẵn sàng bước vào cuộc chơi.
Về phía người dùng, hãy khoanh tay chờ đợi, cuộc chiến này sẽ mang lại cho bạn những lợi ích to lớn về chất lượng và sự đa dạng của dịch vụ.
Ths. Trần Văn Thiện (Hội Tin học TP Cần Thơ)