25/03/2015 - 13:43

Cuộc chiến giữa Iran và Arabie Séoudite tại Yemen

Các phe phái hàng đầu của Yemen đang chuẩn bị phát động một cuộc chiến tổng lực sau nhiều tháng đụng độ, đồng thời lần lượt tìm kiếm sự giúp đỡ của nước láng giềng Arabie Séoudite cũng như đối thủ Iran trong bối cảnh Mỹ rút đặc nhiệm hỗ trợ chống khủng bố về nước.

Chiến lược chống khủng bố của Mỹ sụp đổ

Hãng tin AP ngày 24-3 dẫn lời các quan chức Mỹ và Yemen nhận định rằng chiến lược chống khủng bố của Washington tại Yemen, từng được coi là hình mẫu chống chủ nghĩa cực đoan của Tổng thống Barack Obama, đã hoàn toàn sụp đổ khi nước này lâm vào hỗn loạn.

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Obama đã chi hàng triệu USD cho các nỗ lực ổn định chính phủ và tăng cường khả năng cho lực lượng an ninh Yemen. Binh sĩ Yemen do Mỹ đào tạo thường xuyên đột kích tiêu diệt và bắt sống nhiều phiến quân thân al-Qaeda. Các cuộc không kích bằng máy bay không người lái do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thực hiện cũng triệt hạ nhiều thủ lĩnh thánh chiến.

Biểu tình chống Houthi tại thành phố Taiz hôm 23-3. Ảnh: Reuters

 

 

Tuy nhiên, chiến dịch chống khủng bố của Tổng thống Obama đã bắt đầu chuyển hướng trọng tâm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syrie cách đây 6 tháng. Các chuyên gia chỉ trích ông chủ Nhà Trắng không lường trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền Yemen trong tình thế lực lượng an ninh yếu kém của nước này được giao trọng trách dẫn dắt cuộc chiến chống khủng bố chứ không phải quân đội Mỹ. Kết quả là hồi tháng 9 năm ngoái, nhóm nổi dậy Houthi của người Hồi giáo dòng Shiite có liên hệ với Iran đã phế truất Tổng thống Mansour Hadi và giải tán quốc hội. Và đến tháng 2 vừa qua, Mỹ đã đóng cửa đại sứ quán tại Thủ đô Saana, trước khi rút tất cả nhân viên quân sự tại Yemen về nước hồi tuần qua.

Hôm 23-3, chính phủ Anh đã "theo chân" Mỹ cho rút lực lượng đặc nhiệm không quân (SAS) khỏi Yemen. Trước đó, một số ít binh sĩ SAS đã được điều đến nước này để giữ liên lạc với các chỉ huy địa phương và các lực lượng Mỹ cũng như bảo vệ an toàn cho các nhân viên ngoại giao.

Khả năng can dự của Arabie Séoudite và Iran

Trong bối cảnh Yemen lâm vào khủng hoảng chính trị và hỗn loạn an ninh, nhóm Al-Qaeda trên bán đảo A-rập (AQAP) và IS đã bắt đầu khai thác những gì mà nhiều người lo ngại sẽ trở thành cuộc xung đột tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến hồi năm 1994. "Trong nhiều năm qua, Yemen đã bác bỏ những lời đồn thổi và bằng mọi cách để chứng minh các đồn đoán rằng nước này đang bên bờ vực của cuộc nội chiến và sắp sụp đổ là sai. Tuy nhiên, hiện điều đó đang diễn ra" - Farea al-Muslimi, chuyên gia tại Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Liban, cho biết.

Trong khi đó, chính quyền các nước trong khu vực đang "dòm ngó" Yemen, mà đặc biệt là cuộc cạnh tranh có thể đầy khốc liệt giữa Arabie Séoudite và đối thủ Iran khi mà hai nước này đang nỗ lực tìm kiếm đồng minh trong khu vực. Trong khi Arabie Séoudite hậu thuẫn ông Hadi và cung cấp "tất cả các nỗ lực" nhằm giữ gìn sự ổn định của nước này, nhiều nguồn tin phương Tây cho biết Tehran không những hỗ trợ tài chính mà cả quân sự cho Houthi trước và sau khi lực lượng Hồi giáo này giành quyền kiểm Sanaa hồi tháng 9-2014. Nhóm Houthi vừa tổ chức tập trận tại biên giới giáp Arabie Séoudite, khiến chính quyền Riyadh thông báo sẽ lập căn cứ quân sự gần Yemen.

Yemen cầu cứu quốc tế

Ngoại trưởng Yemen Riyadh Yaseen hôm 23-3 kêu gọi sự giúp đỡ từ các quốc gia vùng Vịnh nhằm ngăn chặn việc Houthi kiểm soát luôn phần không phận. "Chúng tôi đã gửi đến Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế lời yêu cầu thiết lập một khu vực cấm bay cũng như triển khai các máy bay quân sự tại các sân bay do Houthi kiểm soát" - Ngoại trưởng Yaseen phát biểu với tờ al-Sharq al-Awsat. Tuy nhiên, hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia vùng Vịnh A-rập hoặc các cường quốc phương Tây từng hậu thuẫn Yemen chuẩn bị can thiệp quân sự.

Đại sứ Mỹ tại Yemen Mathew Tueller hôm 23-3 bày tỏ hy vọng rằng các phe phái tại Yemen có thể đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực nếu đại diện của họ gặp nhau tại nước ngoài mà không có các đồng minh khu vực can dự. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Yemen cho biết cơ quan này sẽ làm trung gian cho cuộc đàm phán như vậy tại Qatar, nhưng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải được ký kết tại Arabie Séoudite.

TRÍ VĂN (Theo Reuters, Telegraph)

Chia sẻ bài viết