Kỳ cuối: Chiến lược chống Taliban mới của Mỹ
|
Mỹ đang nỗ lực tăng cường binh lực nhằm giành lợi thế tốt nhất khi rút quân. Ảnh: roadtorevival |
Trước sức ép lịch trình rút quân đang cận kề (tháng 7-2011) và vì muốn tránh bẽ mặt khi rời khỏi chiến trường Afghanistan, Washington đã quyết tâm tăng cường nhân lực và khí tài để triệt hạ Taliban, đồng thời “đánh cược” vào sự hợp tác với quân nổi dậy. Đó là việc Tổng thống Barack Obama hồi tháng 3 năm nay, cho biết Mỹ sẽ xem xét chiến lược đàm phán hòa giải với một số phần tử ôn hòa thuộc Taliban, sau khi chính quyền Tổng thống Hamid Karzai tổ chức một vài cuộc tiếp xúc với đại diện Taliban thông qua sự hỗ trợ của Arabie Séoudite.
Tổng thống Karzai cho rằng ý tưởng đối thoại với một số phần tử Taliban được Chính phủ của ông đưa ra từ lâu và khẳng định chỉ đối thoại với những phần tử không dính tới mạng lưới khủng bố al-Qaeda hoặc không nằm trong bất kỳ tổ chức khủng bố nào. Tuy nhiên, để thành công, tiến trình đàm phán hòa bình này dường như cần sự hiện diện của tất cả các phe phái nổi dậy, chứ không thể chỉ với Taliban ôn hòa. Hơn nữa, tiến trình đó sẽ diễn ra thế nào khi mà mối quan hệ chưa rõ ràng giữa Taliban và al-Qaeda vẫn còn là vấn đề chờ giải đáp. Bên cạnh đó, Taliban cũng tuyên bố thẳng thừng rằng chúng chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi không một binh sĩ nước ngoài nào còn ở lại Afghanistan. Thế nên, rất ít nhà phân tích lạc quan về những cuộc đàm phán như vậy, dù việc tham gia làm trung gian hòa giải của Arabie Séoudite được kỳ vọng nhiều.
Ngay khi lên nắm quyền đầu năm 2009, Tổng thống Obama đã đưa ra chiến lược mới về Afghanistan và Pakistan (thường được gọi là chiến lược Afpak). Ngoài việc tăng cường chiến đấu chống Taliban ở hai nước này, chiến lược trên còn tập trung vào các vấn đề hẹp hơn ở Afghanistan như: sự kém năng lực của chính quyền Kabul, buôn lậu thuốc phiện và ma túy, cũng như việc quân đội Afghanistan trang bị kém và thiếu sự huấn luyện. Tổng thống Obama đã đưa ngay 4.000 quân tới Afghanistan, trong số 30.000 quân cam kết tăng viện năm ngoái, để làm công tác huấn luyện và cố vấn cho quân đội Afghanistan. Cùng với đó, hàng trăm quan chức dân sự và ngoại giao Mỹ cũng tới Kabul giúp nâng cao công tác điều hành và quản lý kinh tế đất nước. Theo kế hoạch tăng viện, tổng số lính Mỹ tại Afghanistan sẽ vượt qua mốc 100.000 người vào tháng 10 năm nay (hiện nay là 95.000 binh sĩ). Trong khi đó, với 6,7 tỉ USD/tháng, số tiền hàng tháng Mỹ “bơm” vào Afghanistan đã vượt qua Iraq (5,5 tỉ USD). Song song đó, Tổng thống Obama cho rằng tình hình Pakistan có liên quan chặt chẽ tới sự thành bại ở Afghanistan. Vì vậy, ông cam kết gói viện trợ mới trị giá 7,5 tỉ USD cho Pakistan, kèm theo trang thiết bị quân sự mới để chống lực lượng nổi dậy và al-Qaeda.
Từ khi Mỹ tiến hành chiến lược Afpak, các lực lượng Taliban chẳng những không giảm bạo lực, mà chúng còn tăng cường phản công quy mô lớn, dẫn tới thiệt hại nặng hơn cho quân đội Mỹ và liên quân. Tính từ năm 2001 đến nay, binh sĩ Mỹ chết tại Afghanistan đã lên hơn 1.000 người, và cũng có gần một ngàn quân NATO tử vong.
(TTXVN)- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ngày 16-9 cho rằng chiến lược mới của Washington đối với Afghanistan dường như đã bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, ông Gates cũng tỏ ra thận trọng khi đánh giá những tiến triển trên chiến trường và cho rằng cần phải đợi nhiều tháng nữa mới có thể khẳng định thành công của chiến lược này.
|
Thực ra, từ năm 2007, các quan chức Mỹ và NATO đã thừa nhận rằng cuộc xung đột sẽ không thể được giải quyết bằng quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nói sự tái hòa hợp giữa các phe phái không chỉ cần thiết mà còn giúp hình thành “chiến lược rút lui rõ ràng” của NATO. Đến đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố một chiến lược phi quân sự lâu dài nhằm bình ổn Afghanistan và Pakistan. Và mới đây, Tướng David Petraeus được điều đến thay thế Tướng Stanley McChrystal làm Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Afghanistan, cũng là nhằm đánh giá lại chiến lược chiến tranh ở đây. Theo Tướng Petraeus, phương pháp tăng quân có khả năng thất bại. Thay vào đó, ông cho rằng ba trụ cột quyết định thành công của liên quân là một chính phủ ổn định tại Kabul, quân Taliban bị suy yếu và một sự hợp tác chặt chẽ với Pakistan. Đây là một thách thức lớn cho Mỹ và liên quân khi thời điểm rút quân đang đến gần.
N. MINH (Tổng hợp)