14/09/2010 - 08:44

Cuộc chiến Afghanistan với sự trỗi dậy của Taliban

Kỳ 2: Có hay không mối quan hệ Taliban và al-Qaeda?

Vụ đánh bom xe làm 9 người chết ở Lakki Marwat, Tây Bắc Pakistan, hôm 6-9, dấy lên lo ngại về làn sóng tấn công mới của các phần tử liên hệ với al-Qaeda. Ảnh: Reuters

Khi còn nắm quyền, Taliban thiết lập chính quyền không dung thứ mọi hành động chống đối các chính sách theo Hồi giáo cứng rắn. Taliban áp đặt nhiều luật hà khắc như: cấm truyền hình, âm nhạc và phim ảnh, cấm bé gái từ 10 tuổi trở lên tới trường, phụ nữ tuổi lao động bị buộc phải ở nhà và phải mang mạng che toàn thân, còn đàn ông phải để râu... Cảnh sát Taliban khi đó bị tai tiếng vì nỗ lực thực hiện những cấm đoán, còn cộng đồng quốc tế thì bất bình, nhất là khi Taliban phá hủy các tượng phật lớn trên vách núi ở Trung Afghanistan. Tuy nhiên, điều khiến Taliban xung đột mạnh với thế giới bên ngoài là dung túng trùm khủng bố Osama Bin Laden và mạng lưới al-Qaeda.

Các vụ đánh bom vào Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania tháng 8-1998, làm hơn 225 người chết, buộc Washington phải cân nhắc đưa ra hành động đối với Taliban. Washington yêu cầu Taliban trục xuất Bin Laden, hoặc sẽ gánh lấy hậu quả. Khi Taliban từ chối giao Bin Laden, Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó đã ra lệnh tấn công tên lửa vào sào huyệt Bin Laden ở Nam Afghanistan. Năm 1999, Mỹ thuyết phục HĐBA LHQ áp lệnh trừng phạt Afghanistan. LHQ tăng cường các biện pháp trừng phạt mạnh hơn vào năm 2001 và từ chối ghế tại LHQ của Afghanistan, khiến chế độ Taliban ngày càng bị cô lập về ngoại giao và chính trị.

Sự kiện ngày 11-9-2001 là khởi đầu đoạn kết thời kỳ nắm quyền của Taliban. Mỹ lặp lại yêu cầu Taliban trao ra Bin Laden với cáo buộc y thiết kế vụ tấn công nước Mỹ. Tuy nhiên, một lần nữa Taliban bảo vệ Bin Laden và từ chối trục xuất nhân vật này. Ngày 7-10-2001, liên quân do Mỹ dẫn đầu chính thức can thiệp quân sự vào Afghanistan và trong tuần đầu tiên tháng 12 năm đó, chế độ Taliban sụp đổ. Mullah Omar và hầu hết các thủ lĩnh chủ chốt của Taliban , cùng với Bin Laden và một số thân tín, trốn khỏi vòng vây của Mỹ. Việc thoái lui của Taliban có thể giúp chúng hạn chế thiệt hại về vật chất và nhân mạng. Tuy nhiên, sự khác biệt về chiến lược và phong cách cầm quyền của chính quyền Mullah Omar đã khiến một số phần tử Taliban rút khỏi phong trào này hoặc trở nên thiếu chủ động.

Mỹ đã hủy diệt hầu hết các cơ sở hạ tầng của al-Qaeda và tiêu diệt hay bắt giữ hàng chục chiến lược gia và các tay súng kinh nghiệm của chúng. Hy vọng duy nhất của al-Qaeda là Taliban sẽ nhanh chóng tống Mỹ và các đồng minh ra khỏi Afghanistan để giúp chúng khôi phục sức mạnh. Vì Taliban bảo trợ al-Qaeda nhiều năm trước và sau ngày 11-9-2001, nên nhiều người Mỹ xem 2 tổ chức này là không thể chia cắt.

Tuy nhiên, hai tổ chức này có những khác biệt rõ ràng. Al-Qaeda và các tổ chức liên hệ với chúng kêu gọi thánh chiến nhằm vào các thành phố phương Tây và các lực lượng Mỹ khắp thế giới. Trong khi đó, Taliban của Mullah Omar đã thông qua thuyết về cuộc chiến giải phóng dân tộc, đánh đuổi các lực lượng nước ngoài và khôi phục luật Hồi giáo tại Afghanistan. Thực tế, al-Qaeda là tổ chức nhỏ trong số các lực lượng nổi dậy A-rập, còn Taliban là một phong trào chính trị bản địa vốn thu hút lòng tin của người Pashtun sống ở biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Có thể so sánh Taliban như Hezbollah ở Liban, một phong trào chính trị và xã hội sử dụng bạo lực cũng như tuyên truyền để đạt mục đích. Ngược lại, al-Qaeda không có gốc rễ thực sự và dĩ nhiên không thể hoạt động “tự cung tự cấp”. Al-Qaeda là tổ chức Hồi giáo không thừa nhận biên giới giữa các nước đạo Hồi, còn Taliban luôn tập trung vào Afghanistan và tránh chủ nghĩa Hồi giáo mở rộng.

Taliban và al-Qaeda hợp tác chặt chẽ trong quá khứ, còn hiện tại thì Taliban đã trỗi dậy mạnh mẽ, trong khi al-Qaeda suy yếu. Chỉ 3 năm sau sau ngày 11-9-2001, hơn 3.400 phần tử al-Qaeda đã bị bắt với hơn 70% thủ lĩnh hàng đầu của chúng bị tiêu diệt hoặc xộ khám. Vấn đề là tuy thiệt hại nặng, nhưng cơ cấu chỉ huy của al-Qaeda vẫn không bị ảnh hưởng. Bin Laden và phó tướng Ayman al-Zawahiri vẫn biệt vô âm tín khiến người ta lo ngại khả năng hồi sinh của al-Qaeda vẫn là rất thực.

N. KIỆT (Tổng hợp)

Kỳ tới: Ai hậu thuẫn Taliban?

Chia sẻ bài viết