Năm 2009, tình hình kinh tế được dự báo sẽ còn khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tình trạng thất nghiệp, thu hẹp sản xuất, kinh doanh sẽ diễn ra và sức ép cạnh tranh của hàng hóa từ nước ngoài đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp (DN) trong nước. Làm gì để duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thành phố? Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhận định:
Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ đạt hơn 15.160 tỉ đồng, vượt kế hoạch năm và tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh đạt hơn 10.569 tỉ đồng (tăng 25% so với năm 2007). Công nghiệp chế biến vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố với 14.673 tỉ đồng, gồm các mặt hàng chủ lực như: thủy hải sản đông lạnh, gạo...
Giữa năm 2008, tình hình lạm phát làm cho giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, tác động dây chuyền đến hoạt động và mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN, đời sống của công nhân khó khăn. Các DN phải tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ đầu ra ở hầu hết các lĩnh vực. Nhiều DN không chịu được sức ép của giá cả đầu vào đã tạm ngừng một số dự án mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời hạn chế mua sắm các phương tiện, trang thiết bị và cam kết xem xét tăng lương để ổn định đời sống công nhân. Do vậy, giá trị sản xuất công nghiệp có tăng, nhưng không đáng kể. Hiện nay, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao chi tiêu lại diễn ra song hành cùng với cơn suy thoái kinh tế toàn cầu đã tạo nên sức ép mới cho DN, trong khi nhiều DN chưa kiện toàn lại tổ chức sau đợt lạm phát vừa rồi. Đây sẽ là thử thách lớn trong năm 2009 đối với DN và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thành phố.
* Như vậy, Ngành công thương đã đề ra chương trình hành động như thế nào để trong năm 2009 đảm bảo tốc độ tăng trưởng, thưa ông?
- Năm 2009, thành phố đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp 18.100 tỉ đồng, tăng hơn 19% so với năm 2008. Nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thành phố trong năm 2009, Sở Công Thương sẽ triển khai 6 chương trình hành động cụ thể, gồm: xây dựng và phát triển khu-cụm công nghiệp (K-CCN), khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển ngành cơ khí, phát triển ngành chế biến nông- thủy sản, điện lực và triển khai chương trình sản xuất sạch hơn. Trong đó, tập trung nguồn lực để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào K-CCN và đầu tư mở rộng các KCN Trà Nóc, Hưng Phú; quy hoạch KCN nặng Ô Môn (250 ha), đôn đốc chủ đầu tư Nhà máy lọc dầu khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực nhà máy. Tiếp tục mở rộng CCN Thốt Nốt 150 ha và tiến hành các thủ tục cần thiết để chuyển đổi mô hình quản lý KCN Thốt Nốt, đến năm 2020 sẽ mở rộng lên khoảng 1.000 ha. Mặt khác, phối hợp với các quận, huyện nhanh chóng đầu tư xây dựng các CCN đã được phê duyệt, tiến hành quy hoạch các CCN ở những quận, huyện còn lại.
Thêm vào đó, ngành triển khai có hiệu quả chương trình phát triển DN công nghiệp nông thôn giai đoạn 2008-2012. Tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công thành phố khoảng 1 tỉ đồng/năm để hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, khôi phục các làng nghề. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, quản trị DN, đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho DN tham gia hội chợ, các hiệp hội ngành nghề. Khuyến khích DN phát triển ngành sản xuất linh kiện, công nghiệp phụ trợ, lắp ráp điện- điện tử, đồng thời hỗ trợ DN cơ khí chế tạo phụ tùng, cơ khí gia công hàng xuất khẩu và cơ khí nông nghiệp theo hướng tự động hóa.
Theo định hướng đến năm 2020, thành phố hình thành ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ cho chế biến nông- thủy sản. Do đó, thời gian tới sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành sản xuất thiết bị chế biến nông, thủy sản; đồng thời, khuyến khích DN chế biến thủy sản đổi mới công nghệ, đầu tư các sản phẩm tinh chế nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Ngành công thương sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp đề xuất các cơ chế hỗ trợ các cá nhân, tổ chức đầu tư nuôi, trồng để cung cấp nguyên liệu sạch cho các nhà máy chế biến, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững...
* Thành phố đã phát động chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH) trong các cơ sở CN-TTCN trên địa bàn để giúp DN giảm chi phí sản xuất ngay từ đầu vào. Thưa ông, đây có được xem là một trong những giải pháp giúp DN tháo gỡ khó khăn trước mắt?
 |
Một số sản phẩm cơ khí của DNTN Cơ khí Sông Hậu hiện đã xuất khẩu sang một số nước trong khu vực.
Ảnh: THU HÀ |
- Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng SXSH không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cả về mặt môi trường. Chương trình SXSH giúp DN cải thiện sản xuất, sử dụng nguyên liệu đầu vào có hiệu quả hơn, giảm ô nhiễm môi trường và chi phí xử lý môi trường, cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động, đồng thời tạo dựng hình ảnh tốt cho DN. Hiện nay, DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn có trình độ công nghệ lạc hậu, thiết bị không đồng bộ, sản phẩm có tính cạnh tranh yếu. Trong quá trình sản xuất, DN đã thải ra môi trường chất thải không được xử lý vừa gây lãng phí, vừa tác động xấu đến môi trường. Trong điều kiện DN đang khó khăn về vốn, chưa có khả năng đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, việc tư vấn DN áp dụng SXSH, bố trí lại quy trình sản xuất cho phù hợp là điều rất cần thiết. Thực tế cho thấy số DN trên địa bàn TP Cần Thơ áp dụng SXSH đều có thể giảm lượng nguyên liệu tiêu thụ từ 10- 15% như: Công ty CP Xi măng Tây Đô, Công ty CP thuốc sát trùng Cần Thơ, Công ty LD thép Tây Đô, Công ty TNHH thực phẩm xuất khẩu Nam Hải, Công ty CP thủy sản Mekong...
Cuối năm 2008, qua khảo sát hiện trạng sản xuất của một số DN chế biến thủy sản trên địa bàn, đây là ngành tạo ra kim ngạch xuất khẩu lớn cho thành phố và cũng thải chất thải ra môi trường nhiều nhất. Thành phố đã phát động chương trình SXSH trong các cơ sở CN-TTCN trên địa bàn. Trước mắt, năm 2009 ngành công thương sẽ hỗ trợ cho 2 DN (Công ty TNHH thủy sản Phương Đông và Công ty TNHH An Khang) áp dụng SXSH và làm mô hình điển hình triển khai Kế hoạch 30/KH-UBND về SXSH. Việc áp dụng SXSH sẽ giúp DN tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt.
* Thưa ông, việc đẩy mạnh xuất khẩu được xem là giải pháp quan trọng để giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và DN. Ngành công thương sẽ trợ giúp cho DN trong tìm kiếm thị trường như thế nào?
- Để đẩy mạnh xuất khẩu năm 2009, Sở Công Thương đang phối hợp với các ngành, các cấp triển khai tốt một số giải pháp chủ yếu. Trong đó, phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại- du lịch Cần Thơ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN giữ vững thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Ngành sẽ cùng DN tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu để tăng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Tăng cường công tác thông tin thị trường, xử lý thông tin nhanh và dự báo tình hình cung- cầu, giá cả thị trường, nội dung cam kết WTO, chính sách ưu đãi xuất nhập khẩu, rào cản kỹ thuật thương mại... nhằm giúp DN chủ động hội nhập kinh tế, điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa. Song song đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, nhất là các Thương vụ ở nước ngoài để cung cấp thông tin cung- cầu hàng hóa giúp DN tăng cơ hội giao thương.
Xuất khẩu của vùng ĐBSCL và Cần Thơ lâu nay vẫn dựa vào lúa, cá. Hiện Cần Thơ có một số DN đã xuất khẩu dược phẩm, sản phẩm cơ khí, phân bón đi một số nước trong khu vực. Do đó, sắp tới chúng tôi sẽ tính lại cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thành phố, không thể cá, lúa mãi và Cần Thơ phải có cái khác để thể hiện vai trò trung tâm vùng.
* Vừa qua, Sở Công Thương TP Cần Thơ đã ký kết hợp tác với Sở Công Thương trong vùng ĐBSCL. Để phát huy mối quan hệ hợp tác này, đẩy mạnh việc trao đổi hàng hóa với những địa phương này khi thị trường xuất khẩu khó khăn, TP Cần Thơ sẽ làm gì?
- Tháng 12-2008, Sở Công Thương Cần Thơ đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển với các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2008-2010. Ngành sẽ tận dụng biên bản này để đẩy mạnh trao đổi hàng hóa với những địa phương này và khai thác thế mạnh tiềm năng của vùng. Hiện tại, Cần Thơ đã trao đổi một số mặt hàng như: sản phẩm may mặc, gạo... với Hà Nội. Đây là bước khởi đầu trong việc hợp tác và củng cố thị trường nội địa.
Cần Thơ với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại- dịch vụ vùng sẽ nỗ lực kết nối các DN Cần Thơ với các DN ĐBSCL, hợp tác trong sản xuất, cung ứng nguyên liệu. Thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, vấn đề hợp tác giữa các DN trong vùng để tạo ra sản phẩm chất lượng, xây dựng thương hiệu là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. DN phải đánh giá lại quá trình sản xuất của mình để cơ cấu lại thị trường và tìm thị trường mới. Sở Công Thương sẽ tạo điều kiện cho DN gắn kết với nhau, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức hội thảo, hội chợ, diễn đàn kinh tế với sự tham gia của DN trong vùng.
* Xin cảm ơn ông!
THU HÀ (thực hiện)