08/11/2020 - 08:29

Củng cố niềm tin cho doanh nghiệp 

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển doanh nghiệp (DN) để tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, đặc biệt là khâu cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ DN gia nhập thị trường; kết nối thị trường và tạo điều kiện vay vốn tín dụng cho DN. Tại TP Cần Thơ, thành phố đã quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hỗ trợ DN, góp phần củng cố niềm tin phục hồi cho DN.

Mô hình trồng bưởi da xanh liên kết giữa Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên với nông dân tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: CTV

Mô hình trồng bưởi da xanh liên kết giữa Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên với nông dân tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: CTV

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong 10 tháng qua, TP Cần Thơ đã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn những tác động của dịch COVID-19. Kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì ổn định và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều tập trung mở rộng tín dụng và cho vay sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, nghiêm túc thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước nhằm tiếp tục hỗ trợ DN, người dân tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ðến cuối tháng 10-2020, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay khoảng 1.500 tỉ đồng cho hơn 970 khách hàng bị thiệt hại; doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23-1-2020 đạt khoảng 27.000 tỉ đồng cho hơn 5.000 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chi nhánh còn thường xuyên tham dự các cuộc họp, hội nghị do các sở, ngành của thành phố tổ chức nhằm nắm bắt và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN. Tính đến cuối tháng 9-2020, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN, các tổ chức tín dụng đã cam kết cho vay mới với số tiền là 1.800 tỉ đồng, dư nợ đạt 1.351 tỉ đồng đối với 94 khách hàng DN.

Song song với chính sách tín dụng, các sở, ngành thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng DN. Ðơn cử như Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ (Sở Kế hoạch và Ðầu tư) hỗ trợ DN trong các hoạt động từ thành lập đến việc tư vấn xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh, xây dựng mạng lưới kênh phân phối, khảo sát thị trường mục tiêu… nhằm giúp DN có kế hoạch sản xuất kinh doanh. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố, trung bình hằng tháng có trên 200 lượt DN yêu cầu tư vấn trực tiếp, Trung tâm kết hợp với Cục Thuế thành phố, VCCI Cần Thơ, các viện trường và các cơ quan có liên quan hằng tháng tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố với các nội dung như khai báo thuế và quyết toán thuế, sử dụng hóa đơn điện tử, xây dựng và quản trị thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực, khởi sự DN, đào tạo CEO… Các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng DN luôn được duy trì thường xuyên, nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN.

Doanh nghiệp chủ động khai thác thị trường

Cùng với sự chuyển động của các cơ quan công quyền, nhiều DN đã chủ động các phương án sản xuất và điều chỉnh, cơ cấu lại sản xuất kinh doanh để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Ðại Thuận Thiên (TP Cần Thơ), cho biết: “Hiện giờ nhiều DN tập trung đi bán hàng chứ ít ai đi hướng dẫn nông dân trồng trọt, nhưng chúng tôi quan niệm phải đồng hành cùng nông dân, chứ không thể chăm chăm vào nhà máy chế biến của mình mà để nông dân tự bơi. Bởi nhà máy không thể thay thế vùng nguyên liệu mà nó chỉ rút ngắn thời gian, chi phí và gia tăng công suất của DN chứ không thay thế được nguyên liệu. Lợi thế của DN là làm sản phẩm rồi mới đem bán. Khi có sản phẩm tốt rồi thì DN có thể trả lời tất cả các băn khoăn của khách hàng về quy mô, chất lượng, kiểm soát sản xuất bằng cách nào, điều khác biệt của sản phẩm... Khi làm được điều này, tiêu chuẩn các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU... chúng tôi không ngại và sản phẩm của DN làm ra hiện đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính này”.

Trong suốt 20 năm qua, Công ty TNHH Nông sản sạch Ðại Thuận Thiên đã tập trung hướng dẫn và bao tiêu sầu riêng, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, xoài, nhãn... cho nông dân các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào, nhưng vùng nguyên liệu chủ lực là các địa phương ÐBSCL. Theo ông Nguyễn Hoàng Cung, DN chú trọng kiểm soát được vùng trồng để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, khi có vùng nguyên liệu chuẩn, việc xuất khẩu sang thị trường khó tính sẽ dễ dàng hơn. Hiện công ty có xuất khẩu trực tiếp và cung ứng sản phẩm cho các DN xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Nga, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Triết lý kinh doanh của công ty là quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu, sự chỉn chu trong đầu tư sẽ tạo ấn tượng tốt cho khách hàng và khách hàng sẽ tiếp tục quay lại đặt hàng vì sự uy tín và chất lượng luôn được xem trọng.

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, ước năm 2020, thành phố có trên 1.500 DN thành lập mới, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn khoảng 9.300 DN, vốn bình quân đạt 8,8 tỉ đồng/DN, chiếm khoảng 26% tổng số DN cả vùng ÐBSCL. Tỷ lệ DN quay trở lại hoạt động trong nền kinh tế là 10% trong năm nay, cao hơn mức trung bình của vùng ÐBSCL là 7%. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, thành phố quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và DN. Thời gian cấp đăng ký DN rút ngắn từ 7 ngày làm việc trước đây xuống còn 3 ngày làm việc và đang phấn đấu giảm còn 2 ngày làm việc; 100% các hồ sơ đều được xử lý trước và trong hạn. Tỷ lệ đăng ký DN qua mạng tăng từ 1,22% năm 2016 lên 51,5% năm 2020. Thành phố đang tập trung nghiên cứu ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển DN và thu hút đầu tư vào thành phố trên tinh thần kiến tạo, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, minh bạch và an toàn. Khuyến khích phát triển DN khu vực kinh tế tư nhân có quy mô vừa và lớn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các DN để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết