09/11/2019 - 08:35

Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11)

Cụ thể hóa trách nhiệm khi ban hành văn bản trái luật

Mặc dù công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã có nhiều tiến bộ, nhưng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung vẫn chưa được như mong muốn. Nhiều văn bản và đề xuất chính sách xa rời thực tế, gây tranh cãi, thậm chí phản ứng từ phía người dân và doanh nghiệp.

Ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức

Mới đây, Nghị định 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2019 đã “vấp” phải sự phản ứng từ phía dư luận. Theo đó, Khoản 1 Điều 7 Nghị định quy định: “Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam”.

Nội dung này đã khiến dư luận, nhất là các vận động viên, huấn luyện viên những bộ môn như thể dục dụng cụ, thể dục thể hình, các bộ môn dưới nước, khiêu vũ thể thao… không khỏi thắc mắc không hiểu thế nào là trang phục hay động tác khiêu dâm, đồi trụy trong thể thao? Thắc mắc đó đã không được đại diện cơ quan tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra Nghị định 46 là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải thích rõ ràng khi chỉ nói đấy là “việc tế nhị” nên “không thể có quy định chi tiết động tác thế này, trang phục thế kia là vi phạm”.

Trước đó, tháng 3-2019, vụ việc một nam giới ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) có hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy nhưng chỉ bị xử phạt vì “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với mức phạt 200.000 đồng, đã gây phản ứng gay gắt từ phía dư luận xã hội. Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, vụ việc sàm sỡ phụ nữ trong thang máy ở quận Thanh Xuân nếu vẫn giữ mức phạt 200.000 đồng là hoàn toàn không có tính giáo dục, răn đe. Đồng thời, đây là cơ hội để những kẻ đồi bại nhởn nhơ, coi thường pháp luật.

Có thể thấy, không khó để kể ra những văn bản hay đề xuất chính sách “trên trời”, gây ra những tranh cãi, thậm chí phản ứng từ người dân và doanh nghiệp như dự thảo Thông tư 02/2019 (ngày 11-2-2019) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam, trong đó có quy định dẫn đến cách hiểu là “lợn không được ăn cây chuối”, “thỏ không được ăn cà rốt”, hay đề xuất về việc “mất bằng lái xe phải thi lại”…

Thực tế cho thấy, việc ban hành văn bản thiếu tính thực tiễn vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Đặc biệt, một số văn bản có nội dung trái luật đưa vào thực thi đã gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Có cơ chế ràng buộc trách nhiệm

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng đó là do việc tuân thủ quy trình, cơ chế soạn thảo, ban hành văn bản chưa nghiêm chỉnh. Công tác soạn thảo, lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ở một số cơ quan, tổ chức còn có những hạn chế nhất định. Nhiều dự thảo văn bản mới chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, hầu như chưa lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Trong khi đó, những vấn đề cấp thiết của đời sống, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, việc đánh giá tác động trong quá trình xây dựng chính sách là rất cần thiết để hoàn thiện pháp luật, tránh các rủi ro lãng phí xảy ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, một số cơ quan soạn thảo luật chưa làm hết trách nhiệm, các tài liệu quan trọng như báo cáo tổng kết thi hành luật, báo cáo đánh giá tác động... hầu như không ký, không đóng dấu. Điều này dẫn đến chính sách đưa ra không phù hợp, không đảm bảo tính khả thi.

Để giải quyết tình trạng này, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn cho rằng căn cơ nhất là rà soát tổng thể hệ thống pháp luật; công tác lấy ý kiến cộng đồng, thẩm định, thẩm tra phải được hoàn thiện hơn, để nghe nhiều tai, góp ý nhiều chiều, với sự giám sát độc lập từ phía người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Song song đó, cần tách bạch giữa bộ phận làm chính sách và bộ phận thực thi chính sách. Bởi nếu vừa trực tiếp thực thi, vừa đồng thời làm chính sách dễ dẫn đến “cài cắm” lợi ích. Ngoài ra, phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm với những tổ chức, cá nhân đưa ra những văn bản pháp quy kém hiệu quả, khả năng thực thi thấp…

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (khoản 7, khoản 8 Điều 7) có quy định về trách nhiệm đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (điểm b, khoản 2, Điều 134) cũng quy định: cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi, nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ, dẫn đến tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc thiếu tuân thủ kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản. Do đó, một số ý kiến cho rằng việc hoàn thiện cơ chế xử lý văn bản trái pháp luật là yêu cầu cấp thiết. Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần sớm nghiên cứu, đề xuất cơ chế trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật; việc xử lý văn bản trái pháp luật cần thực hiện trước khi văn bản này gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết