23/11/2017 - 10:49

Công tác bảo trì thiết bị y tế chạy thận chưa được coi trọng 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận định, hiện nay ngành y tế đã được đầu tư nhiều trang thiết bị đắt tiền nhưng công tác quản lý, vận hành và bảo trì vẫn còn nhiều vấn đề.

Nhân viên y tế theo dõi cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Tại Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống máy lọc thận diễn ra ngày 22/11 tại Hà Nội, ông Tiến cho hay, Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm trang thiết bị y tế nhưng chưa thật sự nhiều và chất lượng vẫn còn đang bàn cãi. Do vậy, hầu hết các vật tư, trang thiết bị y tế phải nhập ngoại.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc quản lý, sử dụng và bảo hành các trang thiết bị này chưa thật sự được coi trọng ở các cơ sở y tế. Một số nơi không có người chuyên trách về vật tư thực hiện công tác giám sát bảo quản.

“Về lĩnh vực chạy thận nhân tạo, sự cố tai nạn y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình làm tám người tử vong là một bài học cho toàn ngành y tế. Vì thế, vai trò của Vụ Trang thiết bị và công trình y tế hết sức quan trọng để quản lý về lĩnh vực này,” ông Tiến chỉ rõ.

Tiến sỹ Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế cho biết, trang thiết bị y tế hiện nay rất đa dạng và phong phú, có khoảng 10.500 chủng loại khác nhau.

Bàn về trang thiết bị y tế dùng trong kỹ thuật chạy thận nhân tạo, ông Hải cho hay sự cố sẽ xảy ra nếu máy thận nhân tạo không được bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định định kỳ theo quy định của nhà sản xuất hoặc quy định quốc tế...

Do đó, để tăng cường quản lý chất lượng trang thiết bị trong lĩnh vực này, tiến sỹ Hải đề nghị các cơ sở y tế cần bảo dưỡng, bảo trì, kiểm định theo quy định của nhà sản xuất. Với quả lọc thận, việc sử dụng lại phải theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Các cơ sở pha dịch thẩm tách cô đặc tại các cơ sở có đủ điều kiện sản xuất và cần tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn nước dùng cho chạy thận nhân tạo.

Tại hội nghị tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 20.000 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 30-40.000 người phải chạy thận nhân tạo. 

Khoa thận nhân tạo là đơn vị sử dụng nhiều máy móc trang thiết bị y tế nhất. Đây cũng là nơi ẩn chứa nhiều nguy cơ xảy ra sự cố từ sự vận hành máy móc, thiết bị lọc máu cho người chạy thận. Do vậy, cần nâng cao công tác quản lý cũng như bảo trì thiết bị y tế ở lĩnh vực này.

Theo TTXVN

 

Chia sẻ bài viết