05/02/2008 - 16:22

Công nghiệp đóng tàu - Bước đột phá mới của đồng bằng

Nhật Chánh

Được thiên nhiên ban tặng 750 km chiều dài bờ biển, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn có hơn 28.000km sông ngòi, kinh rạch và nhiều cảng sông, cảng biển. Do đó, không chỉ là vùng đất nông nghiệp trù phú, ĐBSCL còn trở thành khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác các tiềm năng kinh tế biển, đặc biệt là ngành công nghiệp đóng tàu hiện đại.

Đánh thức tiềm năng

Trong nhiều năm qua, với vai trò vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, hàng năm ĐBSCL đóng góp đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu và trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. ĐBSCL còn là vựa trái cây lớn với nhiều thương hiệu trái cây đặc sản như: bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn... đã nổi tiếng ở thị trường trong và ngoài nước. Thế nhưng đời sống của cư dân ĐBSCL còn khó khăn. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do kết cấu hạ tầng- nhất là hạ tầng giao thông (thủy, bộ, hàng không), y tế, giáo dục ở vùng ĐBSCL đang ở mức thấp kém so với các vùng miền khác. Đáng quan tâm là hơn 700km chiều dài bờ biển và khoảng 360.000km2 khu vực đặc quyền kinh tế thềm lục địa ở vùng ĐBSCL chưa được khai thác hợp lý.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4, khóa X, đã ra Nghị quyết 09-NQ/TW về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đây là một nghị quyết quan trọng giúp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nhận diện rõ các tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biển trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng-an ninh của địa phương. Từ đó, các địa phương ở ĐBSCL đã xây dựng và bước đầu triển khai thực hiện các chương trình, hành động khai thác các tiềm năng lợi thế kinh tế biển. Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch vươn ra biển để làm giàu, với mục tiêu đưa thu nhập từ kinh tế biển chiếm 80% GDP của địa phương vào năm 2020. Tỉnh Tiền Giang cũng hoàn thành Chương trình hành động về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Sóc Trăng ban hành một nghị quyết về phát triển kinh tế biển và vùng ven biển... Song song đó, nhiều nhà máy đóng tàu đang được hình thành ở ĐBSCL là những nét chấm phá sinh động trong giai đoạn đầu thực hiện chiến lược biển của quốc gia tại khu vực ĐBSCL. Một trong những dấu mốc đó là sự kiện khởi công xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy và Nhà máy đóng tàu Hậu Giang (30-4-2007). Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) quyết định đầu tư xây dựng các nhà máy đóng tàu ở Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển và định hướng phát triển ĐBSCL và TP Cần Thơ trong những năm tới.

Bước tăng tốc

Cách cảng Cái Cui khoảng 1km về phía hạ lưu sông Hậu là cụm công nghiệp tàu thủy và Nhà máy đóng tàu Hậu Giang. Trong đó, Nhà máy đóng tàu Hậu Giang với năng lực đóng mới tàu có tải trọng đến 50.000 tấn cũng đang gấp rút xây dựng ở địa bàn xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

 Nhiều xà lan đang được đóng mới
tại Xí nghiệp đóng tàu Cần Thơ.
Ảnh: NHẬT CHÁNH 
Anh Võ Thanh Phong, Giám đốc Công ty Vận tải thủy Cần Thơ, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nhà máy đóng tàu Hậu Giang - thành viên của Vinashin, cho biết: “Những hạng mục quan trọng của Nhà máy đóng tàu Hậu Giang như đà tàu 30.000 tấn, xưởng sản xuất vỏ tàu và cầu tàu 50.000 tấn sẽ được xây dựng trước để kịp triển khai đóng mới chiếc tàu đầu tiên có tải trọng 20.000 tấn vào cuối năm 2008”.

Song song với việc xây dựng nhà xưởng, chủ đầu tư còn khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực bằng cách tuyển chọn những lao động ở tỉnh Hậu Giang đưa đi đào tạo tại các trường trung cấp nghề của Vinashin. Trần Bá Phước (25 tuổi) con của bà Út Vạn (Phan Thị Phấn) ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, là một trong số 100 thanh niên của tỉnh Hậu Giang vừa được đưa đi học ở Hải Phòng hồi tháng 9-2007. Bà Út Vạn nói: “Gia đình tôi rất vui khi con mình được tuyển chọn đi học. Sau này, cháu có việc làm ổn định tại Nhà máy đóng tàu Hậu Giang”.

Đoạn cuối của Quốc lộ 1A từ TP Cà Mau đi Năm Căn xuyên qua những vạt rừng đước xanh mơn mởn, những vuông nuôi tôm đã tạo ra một sắc thái riêng có sức cuốn hút lòng người khi đặt chân đến vùng đất này. Ở vùng đất cực nam của Tổ quốc, tỉnh Cà Mau và Vinashin đang hợp sức chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương bằng cách đưa cảng biển Năm Căn vào khai thác gắn liền với việc hình thành Cụm công nghiệp Năm Căn, trong đó có nhà máy đóng tàu với năng lực đóng mới tàu biển có tải trọng đến 30.000 tấn. Vùng đất cặp sông Cửa Lớn thuộc xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn giờ đây đã trở thành công trường xây dựng Nhà máy đóng tàu Cà Mau. Chỉ tay về phía những chiếc búa máy khổng lồ hối hả đóng những cột bê tông vào lòng đất, anh Đoàn Chí Trung, Giám đốc Công ty Xây lắp Vinashin Cà Mau, cho biết: Hạng mục quan trọng nhất của Nhà máy đóng tàu Cà Mau là khu nhà xưởng tổng hợp rộng 12.000m2 đã cơ bản hoàn tất việc đóng móng cọc. Chúng tôi đang chuẩn bị lắp ráp nhà xưởng để kịp triển khai đóng mới chiếc tàu có tải trọng 12.500 tấn vào đầu năm 2008. Một số hạng mục khác như văn phòng điều hành, các khu nhà cao tầng làm nơi lưu trú cho cán bộ, chuyên gia và nhà ở công nhân... cũng đang được xây dựng. Trước lúc chia tay với chúng tôi, anh Đoàn Chí Trung không quên báo tin vui: “Dù đang xây dựng nhà máy nhưng chúng tôi đã tự tìm được đơn hàng đóng mới 4 tàu có tải trọng mỗi chiếc 12.500 tấn và nhiều đơn hàng khác do tập đoàn giao”.

Trong khi hai nhà máy đóng tàu ở Cà Mau và Hậu Giang đang chạy nước rút ở giai đoạn xây dựng nhà xưởng thì Nhà máy đóng tàu Soài Rạp, tỉnh Tiền Giang có năng lực đóng mới và sửa chữa tàu đến 150.000 tấn cũng đang tất bật lo việc san lấp mặt bằng. Riêng Xí nghiệp đóng tàu Cần Thơ thuộc Công ty Vận tải thủy Cần Thơ vừa kết thúc giai đoạn đầu tư nâng cấp mở rộng năng lực sản xuất. Hiện nay, sân bãi và nhà xưởng của Xí nghiệp đóng tàu Cần Thơ đã chật hẹp vì đang cùng lúc đóng mới hơn 10 chiếc xà lan có tải trọng mỗi chiếc từ 650 tấn đến 1.700 tấn và 1 tàu biển có tải trọng 6.800 tấn.

Chủ đầu tư và đơn vị khảo sát địa chất đang xác định vị trí xây dựng các hạng mục của Nhà máy đóng tàu Hậu Giang. 

Trao đổi với chúng tôi ngay cạnh một chiếc xà lan đang đóng chưa hoàn chỉnh, anh Trương Văn Phước là công nhân bậc 6/7, nhớ lại: “Năm 1993, khi tôi mới vào làm, Xí nghiệp đóng tàu Cần Thơ còn hoang vắng lắm. Khu vực sân bãi và nhà xưởng tấp nập hiện nay còn là bãi đất sình lầy với nhiều cua, ốc. Hàng năm, công nhân phải chịu cảnh thất nghiệp đôi ba tháng vì không có việc làm. Giờ đây, ngoài việc có việc làm và thu nhập ổn định, lực lượng công nhân chúng tôi còn luân phiên được tham quan học tập cách sử dụng các trang thiết bị hiện đại tại các nhà máy đóng tàu của tập đoàn Vinashin trên toàn quốc”. Tin tưởng vào tương lai ăn nên làm ra của Công ty Vận tải thủy Cần Thơ, anh Trương Văn Phước đã dìu dắt đứa con trai lớn nối nghiệp mình. Trương Thành Nhân, con trai lớn của anh, hiện là công nhân bậc 3/7 của Xí nghiệp đóng tàu Cần Thơ. Trò chuyện với chúng tôi, Nhân tâm sự: “Do mê nghề thợ hàn của ba, nên khi học hết lớp 11 thì em xin đi làm. Giờ đây, em đang theo học bổ túc văn hóa vào buổi tối để có cơ hội học tập và gắn bó lâu dài với Xí nghiệp đóng tàu Cần Thơ”.

Hướng dài lâu

ĐBSCL đã được xác định là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, trong đó TP Cần Thơ đóng vai trò trung tâm động lực phát triển của vùng. Thời gian gần đây, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của đất nước và nước ngoài bắt đầu quan tâm hơn đến vùng đất trù phú này. Trong đó, Vinashin đã có các dự án đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào TP Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang. Anh Võ Thanh Phong, Giám đốc Công ty Vận tải Thủy Cần Thơ, phấn khởi cho biết: “Việc đầu tư xây dựng các nhà máy đóng tàu ở vùng ĐBSCL có triển vọng rất tốt. Công ty Vận tải thủy Cần Thơ vừa thực hiện xong Dự án đầu tư 140 tỉ đồng để nâng cấp Xí nghiệp đóng tàu Cần Thơ, nhờ đó doanh thu của công ty đã tăng từ 60 tỉ đồng năm 2006, lên trên 90 tỉ đồng vào năm 2007 và có khả năng tăng lên 200 tỉ đồng vào năm 2008”. Qua trò chuyện cùng anh, tôi còn được biết Vinashin đang tính toán đến việc thành lập Tổng Công ty đóng tàu miền Tây, để thống nhất quản lý và tập hợp sức mạnh tổng hợp của các nhà máy đóng tàu ở ĐBSCL. Mặt khác, Vinashin cũng đã có kế hoạch xây dựng Trường trung cấp nghề thứ 8 tại cụm công nghiệp tàu thủy Hậu Giang, để cung cấp nhân lực cho các nhà máy đóng tàu ở ĐBSCL.

Nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Vận tải Sông biển Cần Thơ (Mekoship), thành viên của Vinashin là đơn vị có năng lực vận tải sông, biển mạnh nhất khu vực ĐBSCL. Không bằng lòng với năng lực hiện tại, Mekoship vừa đưa thêm một tàu biển mới có tải trọng 6.500 tấn vào khai thác và đã đặt hàng đóng thêm 3 tàu biển với tổng tải trọng 31.800 tấn. Anh Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Mekoship, cho rằng việc thay thế các con tàu cũ kỹ bằng các tàu hiện đại đang là nhu cầu bắt buộc của nhiều tuyến hàng hải và cảng biển quốc tế. Mặt khác, kinh tế nước ta đang tăng trưởng nhanh nên nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng. Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới đang gia tăng nhu cầu thuê tàu của Việt Nam để khai thác đã tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp đầu tư vốn để phát triển đội tàu và các nhà máy đóng tàu.

* * *

Những ánh mắt, nụ cười của người thợ hòa lẫn với âm thanh của các thiết bị cơ giới trên công trường xây dựng các nhà máy đóng tàu ở ĐBSCL như còn in đậm trong tôi. Rồi đây, ngành công nghiệp đóng tàu vùng châu thổ ĐBSCL sẽ càng phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế vốn có. Hình ảnh những con tàu hiện đại được đóng mới tại ĐBSCL có mặt khắp các tuyến hàng hải quốc tế sẽ không còn là chuyện xa vời...

Chia sẻ bài viết