04/10/2010 - 21:01

Công nghệ di động làm ngôi nhà thông minh

Giao diện ứng dụng điều nhiệt của iPhone.

Khi người dùng ngày càng quen thuộc với điện thoại di động (ĐTDĐ) và công nghệ di động băng thông rộng, các nhà khoa học bắt đầu nghĩ đến những tiềm năng ứng dụng phong phú mà chúng có thể mang lại. Ứng dụng gần gũi và thực tế nhất có lẽ là ngôi nhà thông minh, trong đó, công nghệ mạng máy nối máy cho phép gia chủ dùng các thiết bị di động để giám sát và điều khiển vật dụng trong nhà qua Internet.

Tháng 10 này, công ty an ninh gia đình ADT (Mỹ) sẽ giới thiệu đến khách hàng hệ thống giám sát nhà ở thông minh, cho phép chủ nhân trông nhà từ xa chỉ với “chú dế” iPhone và bộ thiết bị ADT Pulse. Hệ thống tích hợp băng thông rộng và ứng dụng di động có giá 1.200 USD (khoảng 23,5 triệu đồng) gồm các bộ cảm biến, camera, máy điều nhiệt, các loại khóa và bộ điều chỉnh ánh sáng. Phí dịch vụ khi sử dụng hệ thống này là 57 USD (1,1 triệu đồng)/tháng.

Nếu cảm thấy hệ thống của ADT quá đắt, người tiêu dùng có thể tham khảo mô hình ngôi nhà thông minh của Kevin Tofel, người tự trang bị hệ thống giám sát riêng mà không cần bỏ ra 1 xu phí dịch vụ hằng tháng. Trước tiên, anh mua máy điều nhiệt giá 200 USD (gần 3,9 triệu đồng) và công tắc đèn thông minh. Hai thiết bị này được nối với hệ thống tự động của ngôi nhà bằng Insteon, công nghệ mạng cho phép gửi dữ liệu qua đường dây điện và sóng radio tần số 900 MHz. Kevin đã tạo ra “hệ thần kinh trung ương” cho ngôi nhà mình bằng máy tính để bàn. Nhưng để tiết kiệm điện và giảm tiếng ồn từ máy tính, anh mua thêm máy tính ISY-99i Pro Insteon giá 368 USD (7,2 triệu đồng). Tuy không có màn hình và bàn phím nhưng thiết bị này được kết nối với hệ thống tự động của ngôi nhà thông qua trình duyệt web, có địa chỉ IP đàng hoàng. Như vậy khi đi xa, chủ nhân có thể truy cập hệ thống bảo an của ngôi nhà bằng điện thoại thông minh của mình. “Khi lên mạng, tôi có thể kiểm tra nhiệt độ hoặc độ ẩm trong nhà, thậm chí mở lò sưởi hoặc máy điều hòa không khí nếu cần. Tôi cũng có thể tắt hoặc mở các bóng đèn chiếu sáng gần nhà để xe”, Kevin tiết lộ.

Bật các công tắc đèn từ xa bằng ĐTDĐ quả thật là điều thú vị, nhưng đó chưa phải là lý do để chúng ta trang bị những hệ thống thông minh này. Ngoài việc làm cho ngôi nhà sinh động giống như có người đang ở (dù chủ nhân đi vắng), hệ thống này còn giúp họ quản lý tốt việc tiêu thụ năng lượng. “Ví dụ, tôi thích các bóng đèn ngoài nhà để xe bật sáng khi trời sụp tối, nhưng không muốn chúng cháy suốt cả đêm gây lãng phí. Vì vậy, tôi lập trình cho chúng tự động bật sáng 15 phút trước khi Mặt trời lặn và cũng tự động tắt lúc 10 giờ tối nếu không có ai tắt đèn. Máy tính thậm chí đủ thông minh để nhận biết thời điểm Mặt trời lặn vào mỗi chiều đều khác nhau, do đó, tôi không phải lo lãng phí điện vì ngày ngắn hoặc dài”, Kevin nói.

Kevin cho biết mặc dù anh chỉ mới lắp đặt hệ thống ngôi nhà thông minh nhưng anh cảm nhận được những tiềm năng mà nó mang lại. Bằng một vài động tác nhằm thử nghiệm hệ thống gửi tin nhắn tự động, anh đã nhận được một thư điện tử từ nhà mình báo máy điều hòa không khí trong nhà bị hỏng. Ý tưởng ngôi nhà biết thông báo mọi việc xảy ra với nó đến chủ nhân đang thôi thúc Kevin trang bị thêm nhiều camera, hệ thống cảm biến ở cửa nhà để xe và nhiều thiết bị hữu dụng khác nữa trong tương lai.

Ngoài ra, Kevin còn tận dụng tiện ích từ một ứng dụng của ĐTDĐ vào ngôi nhà mình. Đó là MobiLinc Pro được hãng Apple thiết kế dành riêng cho máy iPhone và iPad. Ứng dụng trị giá 20 USD (389.000 đồng) này cung cấp một giao diện đẹp hơn một trang web cơ bản và là thiết bị giám sát nhà cửa thân thiện với người dùng. Nó liên kết đến hệ thống tự động của ngôi nhà và cho phép chủ nhân truy cập thông tin bằng một cú chạm nhẹ.

THỤY TRÚC (Theo Gigaom)

Chia sẻ bài viết