28/05/2024 - 21:28

Cộng đồng quốc tế lên án vụ tấn công trại tị nạn ở Gaza 

Israel ngày 27-5 đã hứng loạt chỉ trích mới sau khi thực hiện cuộc không kích vào một khu lều trại dành cho người di tản ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza, khiến ít nhất 45 người thiệt mạng.

Người dân Palestine tìm kiếm lương thực tại khu lều trại vừa hứng chịu cuộc ném bom của Israel. Ảnh: Getty Images

“Ðịa ngục trần gian”

Những người sống sót cho biết các gia đình đang chuẩn bị đi ngủ thì cuộc tấn công xảy ra ở khu lều trại Tel al Sultan, nơi hàng ngàn người đang trú ẩn. Theo cơ quan y tế do phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát ở Gaza, cuộc không kích gây ra đám cháy vào tối 26-5 đã khiến ít nhất 45 người thiệt mạng, trong đó hơn một nửa là phụ nữ, trẻ em và người già. Số người chết có thể sẽ tăng lên do nhiều người bị thương rất nặng.

Một bệnh viện dã chiến của Hội Chữ Thập Ðỏ hoạt động ở Rafah đã chứng kiến ​​“số lượng lớn” người Palestine bị thương do vụ không kích. Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) dành cho người tị nạn Palestine cho biết Rafah đã trở thành “địa ngục trần gian”.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói cuộc tấn công trên không nhằm mục đích gây thương vong cho dân thường nhưng không may đã xảy ra sự cố bi thảm, đồng thời ông tuyên bố Israel sẽ điều tra vụ này.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết cuộc tấn công nhằm vào “các mục tiêu hợp pháp” bằng “đạn dược chính xác” và trên cơ sở “thông tin tình báo chính xác” và đã tiêu diệt hai quan chức cấp cao của Hamas.

Israel vẫn tiếp tục tấn công bất chấp phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hôm 24-5 yêu cầu nước này dừng các hoạt động quân sự tại Rafah.

Phản ứng từ cộng đồng quốc tế

Vụ oanh tạc vào khu Tel al Sultan, một trong những sự cố đẫm máu nhất trong cuộc chiến kéo dài 8 tháng qua, đã dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ Ai Cập và Qatar cũng như các chính phủ khác trong khu vực.

Phát biểu sau cuộc họp định kỳ hàng tháng của ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của khối, ông Josep Borrell ngày 27-5 cho biết các bên tham gia cuộc họp đã “bật đèn xanh” cho việc tái khởi động EUBAM, cơ quan đã ngừng hoạt động từ năm 2007 khi Hamas giành toàn quyền kiểm soát Gaza. Ông Borrell bày tỏ tin tưởng kế hoạch kích hoạt lại phái bộ ở Rafah có thể đóng vai trò hữu ích trong việc hỗ trợ người dân vào và ra khỏi Gaza. Tuy nhiên, nhà ngoại giao EU cũng lưu ý kế hoạch này phải được thực hiện với sự nhất trí của Chính quyền Palestine, Ai Cập và cả Israel.

Ai Cập lên án việc “nhắm mục tiêu vào dân thường không có khả năng tự vệ”, gọi đây là một phần của “chính sách có hệ thống nhằm mở rộng phạm vi chết chóc và tàn phá ở Gaza khiến nơi đây không thể sinh sống được”. Qatar, quốc gia giữ vai trò trung gian hòa giải chính giữa Israel và Hamas trong nỗ lực đảm bảo lệnh ngừng bắn và thả con tin, cho biết thương vong trong vụ tấn công vừa rồi sẽ làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán. Nhật báo Haaretz của Israel hôm 27-5 đưa tin Hamas đã quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán được đề xuất mới nhất để phản ứng đối với điều mà lãnh đạo cấp cao của nhóm này mô tả là một vụ thảm sát.

Jordan cáo buộc Israel về “tội ác chiến tranh đang diễn ra”, trong khi Saudi Arabia lên án “các vụ thảm sát tiếp diễn” và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố “sẽ buộc những kẻ giết người phải chịu trách nhiệm”.

Trên mạng xã hội X, Chủ tịch Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat viết rằng: “Israel tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế... coi thường phán quyết ICJ đưa ra hai ngày trước”. Phán quyết của ICJ có tính ràng buộc nhưng không có hiệu lực thi hành.

Trong khi đó, Mỹ, nhà cung cấp vũ khí và đồng minh thân cận nhất của Israel, đã thúc giục nước này hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ dân thường, nhưng không kêu gọi dừng tấn công vào Rafah. Pháp, đồng minh châu Âu của Tel Aviv, bày tỏ sự “phẫn nộ” trước vụ tấn công kinh hoàng trên. Hôm qua, Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã lên án “cái chết và sự tàn phá” ở Rafah là “khủng khiếp”, đồng thời nói rằng thông điệp của bà gửi tới Chính phủ Israel là: “Ðiều này không thể tiếp tục”.

Thêm vào căng thẳng vốn đã gia tăng kể từ khi Israel tiến hành chiến dịch trên bộ ở thành phố Rafah hồi đầu tháng 5, quân đội Israel và Ai Cập đã báo cáo về một “vụ nổ súng” tại khu vực cửa khẩu biên giới Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập hôm 27-5, khiến một lính canh của Cairo thiệt mạng.

HẠNH NGUYÊN (Theo Sky News, AFP)

 

Chia sẻ bài viết