06/04/2007 - 12:21

Ứng dụng công nghệ thông tin giảm văn bản, giấy tờ hành chính

Còn nhiều việc phải làm

Từ ngày 1-3-2007, Chỉ thị 01/CT-UBND của UBND thành phố về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước có hiệu lực. Sau hơn 1 tháng thực thi, đã tạo ra nhiều chuyển biến, thiết thực hỗ trợ công tác quản lý điều hành, tác nghiệp trong cơ quan hành chính các cấp. Tuy nhiên, để đáp ứng đúng các yêu cầu mà chỉ thị 01 đề ra, vẫn còn nhiều việc phải nỗ lực, hoàn thiện hơn nữa.

Bước đột phá trong điều hành, tác nghiệp

Cán bộ “một cửa” phường Lê Bình (quận Cái Răng) truy cập vào Trang thông tin điện tử của UBND TP Cần Thơ (dhtn.cantho.egov.vn) tìm biểu mẫu hồ sơ hành chính phục vụ nhu cầu người dân.
Không còn cảnh chiều thứ sáu, cán bộ văn phòng UBND các quận, huyện phải đợi chờ, điện thoại về Văn phòng UBND thành phố để… xin biết trước lịch làm việc của lãnh đạo UBND thành phố. Cũng không còn cảnh sáng thứ hai phải đến cơ quan trước 7 giờ để… bố trí, sắp xếp lại lịch làm việc cho lãnh đạo quận, huyện vì lịch của UBND thành phố có thay đổi… Điều ấy bắt đầu từ tháng 3-2007 đến nay.

Anh Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Đầu giờ chiều thứ sáu hàng tuần, chúng tôi chỉ cần vào địa chỉ dhtn.cantho.egov.vn “lick” vào “lịch làm việc” là nhận được lịch làm việc của lãnh đạo UBND thành phố trong tuần kế tiếp. Dựa vào lịch làm việc này, chúng tôi sẽ bố trí, sắp xếp lịch làm việc của lãnh đạo UBND huyện. Nhận được thông tin lịch làm việc của thành phố sớm, huyện đã không bị động, như: đình, dời cuộc họp của địa phương”.

Không chỉ huyện Phong Điền mà hiện nay, việc gửi lịch làm việc của lãnh đạo UBND thành phố (bằng bản giấy) chỉ còn áp dụng đối với Thường trực Thành ủy, HĐND, MTTQ VN thành phố và các thành viên UBND thành phố. Các cơ quan hành chính sẽ phải thao tác lên Trang tin điện tử của UBND thành phố (dhtn.cantho.egov.vn) hoặc Cổng thông tin điện tử thành phố (www.cantho.gov.vn) để tải về. Ngoài ra, các văn bản gửi góp ý, như dự thảo chương trình, kế hoạch, báo cáo… cũng được chuyển qua mạng điều hành của UBND thành phố. Khi góp ý xong, đơn vị gửi trở lại theo đường thư điện tử này, rất thuận tiện.

Theo đánh giá của Văn phòng UBND thành phố, việc gửi lịch làm việc qua mạng thông tin điện tử ngoài tiện ích nhanh chóng, chính xác, giúp điều hành công việc kịp thời, còn giảm được công sức, thời gian, chi phí… so với gửi văn bản giấy theo đường công văn thông thường. Ngược lại, đối với các quận, huyện, khi đã hoàn tất lịch làm việc hoặc thông tin hoạt động địa bàn đều đưa lên Trang điện tử của thành phố, giúp UBND thành phố theo dõi hoạt động của địa phương, có phương án điều hành, hỗ trợ kịp thời.

Công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước

Chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong hoạt động của cơ quan hành chính các cấp thời gian qua, đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Nhất là việc thiết lập hệ thống Công báo Điện tử trên Cổng thông tin điện tử của thành phố. Ông Nguyễn Văn Tám, ở khu vực Lợi Nguyên B, phường An Bình (quận Ninh Kiều) thành phố Cần Thơ, cho biết: “Khi hay tin UBND thành phố thiết lập hệ thống Công báo điện tử và đưa lên mạng, tôi đã nhờ dịch vụ Internet truy cập, tìm kiếm một số văn bản quan trọng có liên quan đến quy hoạch, bồi thường, giải tỏa. Có hệ thống công báo này, tôi không phải vất vả, chạy xin photo văn bản của cơ quan, đơn vị như trước đây, đôi khi còn không được đáp ứng. Tôi thấy, đây là cách giúp người dân tìm hiểu, cập nhật những chủ trương, chính sách của thành phố thiết thực nhất”.

Không chỉ có những người dân có liên quan mới có nhu cầu tìm hiểu Công báo điện tử thành phố, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Thủy mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Hoài Linh, ở khu vực 7, phường Bình Thủy, đã bày tỏ: “Tôi thấy cách điều hành, tác nghiệp của cơ quan hành chính các cấp hiện nay đã có nhiều chuyển biến. Nhất là việc đưa các thông tin hoạt động, các văn bản chỉ đạo điều hành lên mạng Internet để người dân có cơ hội tìm hiểu. Đó cũng là cách công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan công quyền để người dân tham gia giám sát, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.

Còn nhiều việc phải làm

Ngay khi UBND thành phố thực hiện chủ trương hạn chế việc gửi văn bản, lịch làm việc, thư mời bằng đường bưu điện, một số cơ quan, đơn vị đã gặp “trục trặc” trong công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp. Theo phản ánh của những cơ quan này, bất cập chủ yếu mà đơn vị họ gặp phải là hệ thống trang thiết bị máy móc chưa phù hợp, chưa kết nối mạng Internet để tham gia vào mạng điều hành chung của thành phố. Do vậy, lịch làm việc, các thư mời họp… của UBND thành phố những ngày đầu tháng 3 nhiều cơ quan không nhận được. Cụ thể như Hội Cựu chiến binh thành phố.

Mới đây, Hội Cựu chiến binh thành phố đã có Công văn 07/CV.CCB đề nghị thành phố hỗ trợ trang bị hệ thống máy tính đồng bộ, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, thao tác, giúp Hội có thể tiếp cận với cách điều hành mới của UBND thành phố. Trả lời Công văn 07, đồng chí Nguyễn Hoàng Vân, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố đã ký Công văn 217/VPUB-TTTH, có ý kiến: Đề nghị Hội Cựu chiến binh gửi danh sách cán bộ, nhân viên có nhu cầu sử dụng về Văn phòng UBND thành phố để làm cơ sở cấp phát tài khoản thư điện tử và Chat. Đồng thời, đề nghị Hội đăng ký dịch vụ Internet để sử dụng. Riêng vấn đề hỗ trợ đào tạo kỹ năng vận hành mạng, sẽ tổ chức đào tạo theo kế hoạch của UBND thành phố (Đề án 112), với khoảng 400 cán bộ, công chức các cấp được đào tạo.

Trước đó, từ năm 2001-2005, thực hiện Đề án 112, thành phố Cần Thơ đã tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, gồm: Trung tâm tích hợp dữ liệu kết nối diện rộng đến hơn 30 cơ quan, đơn vị. Từ những đường truyền này, các cơ quan, đơn vị hành chính cấp quận, huyện đã kết nối trực tiếp vào Trung tâm tích hợp dữ liệu để khai thác các thông tin có liên quan đến chỉ đạo, điều hành từ các Sở, ngành thành phố và ngược lại. Hiện nay, mỗi xã, phường, thị trấn được trang bị 1 bộ máy, gồm: máy tính, máy in và modem kết nối về Trung tâm tích hợp dữ liệu của thành phố thông qua hệ thống số 1246.

Tuy nhiên, yêu cầu của Đề án 112 không chỉ đơn thuần là kỹ thuật mà nó còn là sự gắn kết khoa học giữa công cụ hành chính hiện đại với bộ máy hành chính các cấp, xóa bỏ thói quen hành chính thủ công… thì thành phố Cần Thơ chưa thực hiện được. Hiện nay, hệ thống đường truyền vẫn chưa “chạy tốt”, nhất là ở cấp xã, phường; trình độ tin học của cán bộ; hệ thống bảo vệ an ninh an toàn dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu của công tác vận hành quản lý hành chính bằng hệ thống công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của các quận, huyện việc sử dụng dịch vụ Internet trực tiếp và dịch vụ phân giải tên miền do Trung tâm Điện toán – Truyền số liệu khu vực II (VDC2) cung cấp, thời gian gần đây đã gặp trục trặc. Đặc biệt, tên miền của UBND thành phố (cantho.gov.vn) không được phân giải chính xác và ổn định. Việc này ảnh hưởng đến việc truy cập vào Cổng thông tin điện tử, triển khai các dịch vụ cơ bản như thư điện tử, hội thoại trực tuyến… và truy cập vào trang Web của sở, ngành để tìm kiếm thông tin, nhất là lịch làm việc và các văn bản chỉ đạo. Sau khi nhận được phản ánh này, Văn phòng UBND thành phố đã có công văn đề nghị VDC2 kiểm tra hệ thống, tìm nguyên nhân, để sớm khắc phục.

* * *

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo CCHC thành phố mới đây, đồng chí Phạm Phước Như, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, đã khẳng định: “Cản ngại lớn nhất trong thực hiện CCHC, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin, là nhận thức của cán bộ, công chức. Trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tác động, tạo sự chuyển biến thật sự trong ứng dụng công nghệ thông tin ngay tại cơ quan mình, đáp ứng đòi hỏi của cung cách quản lý mới, của yêu cầu trong CCHC. Trong đó, trách nhiệm chính là Văn phòng UBND thành phố Cần Thơ”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

 
Chia sẻ bài viết